BSC báo lợi nhuận quý II giảm 11%

Chi phí tăng trong khi hoạt động tự doanh kém hiệu quả là nguyên nhân chính kèo lùi lợi nhuận quý II của BSC.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC - Mã: BSI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với tổng doanh thu hoạt động đạt 506,4 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu lớn nhất đến từ mảng tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) với 193,3 tỷ đồng, tăng 10%. Bên cạnh đó, doanh thu từ các khoản cho vay và phải thu đạt 158,5 tỷ đồng, tăng 18,1%.

Trong khi đó, doanh thu mảng môi giới chứng khoán ghi nhận 84,8 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC quý II của BSC).

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 17% lên 244 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 28,4%, lên 163,9 tỷ đồng. Diễn biến này khiến mảng tự doanh kém khả quan hơn cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chỉ đạt 29,4 tỷ đồng, giảm 38,7% so với quý II/2024.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng 20,6% lên 53,2 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 124%, lên 84,9 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của BSC trong quý II giảm 11,2% còn 101,9 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt 843,6 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng FVTPL đóng góp 315,2 tỷ đồng (tăng 3,9%), còn doanh thu từ hoạt động cho vay và phải thu ghi nhận 290,5 tỷ đồng (tăng 14,3%).

Kết thúc nửa đầu năm, BSC ghi nhận 227,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 26,2%. Lợi nhuận sau thuế giảm 27,4% xuống 183 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản đạt 14.847 tỷ đồng, tương đương tăng 14% sau 3 tháng. Dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán đi ngang, đạt 6.600 tỷ đồng.

Danh mục tài sản FVTPL cho thấy BSC đã tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi trong quý II. Cụ thể, giá trị trái phiếu (giá gốc) tăng từ 2.505 tỷ đồng lên 3.505 tỷ đồng.

Song song đó, công ty cũng nâng nắm giữ chứng chỉ tiền gửi, từ 775 tỷ đồng lên 1.403 tỷ đồng.

Danh mục cổ phiếu đang tập trung ở HPG (109 tỷ đồng), VPB (79 tỷ đồng), VHC (68 tỷ đồng) và Đầu tư Phan Vũ (58 tỷ đồng) (theo giá gốc). So với thời điểm 3 tháng trước, HPG tiếp tục được giải ngân (từ 94 tỷ đồng), trong khi TCB không còn được thuyết minh trong khoản đầu tư lớn (giá gốc cuối quý I hơn 70 tỷ đồng).

Thuyết minh FVTPL của BSC tại cuối tháng 6. (Nguồn: BCTC quý II của BSC). 

CÙNG CHUYÊN MỤC