Dư nợ margin ngành chứng khoán lập kỷ lục mới
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 20/07/2025 00:05
- Hoàng Linh

Tổng dư nợ margin tại 30 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường. Nguồn: HL tổng hợp.
Tổng hợp dữ liệu từ 30 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường – chiếm khoảng 95% thị phần margin – cho thấy giá trị cho vay tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới, kéo dài 10 quý liên tiếp. Diễn biến này không mấy khó hiểu, bởi thời điểm margin bắt đầu tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2022 cũng trùng với lúc thị trường chứng khoán Việt Nam “tạo đáy” và bước vào giai đoạn hồi phục sau cú rơi từ vùng đỉnh 1.500 điểm.
Tuy nhiên, nếu so với thời điểm bắt đầu chuỗi tăng 10 quý, dư nợ cho vay tại nhóm 30 công ty chứng khoán này đã gấp gần 3 lần. Cụ thể, tổng giá trị cho vay margin ghi nhận tại ngày 30/6 là gần 284.000 tỷ đồng, trong khi tại ngày 31/12/2022 chỉ là 109.126 tỷ đồng. Riêng quý II/2025, mức tăng đạt gần 23.000 tỷ đồng – thấp hơn mức gần 31.600 tỷ đồng của quý đầu năm.
So với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đỉnh quanh mốc 1.500 điểm cuối năm 2021 – đầu năm 2022, dư nợ cho vay hiện tại đã cao hơn khoảng 120.000 tỷ đồng.
Dư nợ được đẩy lên cao chủ yếu do hai nguyên nhân. Thứ nhất, thị trường hồi phục khiến nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư tăng mạnh, song hành với sự cải thiện của thanh khoản. Đặc biệt, nhiều công ty chứng khoán đã tung ra các gói margin ưu đãi nhằm thu hút khách hàng mới và kích hoạt lại (active) các tài khoản cũ đã mở nhưng chưa hoạt động.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Sau giai đoạn khủng hoảng, nhu cầu tái thiết tăng trở lại, cộng với hoạt động “đối ứng” lực bán ròng từ nhà đầu tư ngoại đã thúc đẩy các thương vụ cho vay lớn (deal) trên thị trường.

Dư nợ margin tại 10 công ty chứng khoán lớn nhất. Nguồn: HL tổng hợp.
Trở lại với diễn biến quý vừa qua, dữ liệu từ 30 công ty cho thấy sự phân hóa rõ nét khi có 18/30 đơn vị ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay. Trong khi đó, một số công ty chứng khoán ngoại và các tổ chức lớn trong nước lại có dấu hiệu chững lại hoặc giảm quy mô.
Ở nhóm công ty chứng khoán lớn, TCBS, SSI, VPBankS và VIX là 4 cái tên năng động nhất trong hoạt động cho vay margin. TCBS và SSI dẫn đầu về quy mô dư nợ với lần lượt 33.192 tỷ đồng và 32.861 tỷ đồng. SSI cũng là đơn vị ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong quý II/2025, với 5.942 tỷ đồng.
Một tổ chức gây chú ý là VPBankS, khi vượt qua nhiều đối thủ lớn để vươn lên vị trí Top 4 với dư nợ đạt 17.653 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức dư nợ này hiện vẫn không quá cách biệt so với hai đối thủ liền sau là Mirae Asset Việt Nam (17.465 tỷ đồng) và VPS (17.014 tỷ đồng).
VIX có một quý đột phá khi nâng margin từ 6.213 tỷ đồng lên 9.277 tỷ đồng, trở thành ứng cử viên tiềm năng gia nhập nhóm các công ty có dư nợ margin hàng chục nghìn tỷ đồng trong thời gian tới.
Ngoài 4 cái tên kể trên, các công ty chứng khoán ghi nhận mức tăng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng còn có MBS, ACBS, Vietcap, Kafi và SHS. Điểm chung là tất cả đều có mối liên hệ với các ngân hàng – đóng vai trò là cánh tay nối dài trong hệ sinh thái tài chính.
Với việc nâng dư nợ từ 9.338 tỷ lên 11.420 tỷ đồng, ACBS trở thành gương mặt mới gia nhập nhóm có dư nợ cho vay margin trên 10.000 tỷ đồng, nâng tổng số thành viên trong nhóm này lên 11 đơn vị.
Trong khi các công ty chứng khoán nội, đặc biệt là nhóm thuộc hệ thống ngân hàng tư nhân đang tỏ ra ngày càng năng động, khối công ty ngoại có phần hụt hơi trên đường đua. Mirae Asset, đại diện lớn nhất của nhóm công ty ngoại giảm dư nợ gần 790 tỷ đồng trong quý vừa qua. Maybank, Phú Hưng, Pinetree cũng thu hẹp cho vay margin, trong khi KIS Việt Nam, KB Việt Nam và Yuanta Việt Nam tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với nhóm dẫn đầu.
Ở nhóm công ty chứng khoán thuộc ngân hàng quốc doanh, VietinBank Securities tiếp tục gây ấn tượng khi nâng dư nợ lên mức cao kỷ lục 4.123 tỷ đồng, tăng 21,5% so với quý trước. BSC và Agriseco có mức tăng nhẹ (133 tỷ đồng và 27 tỷ đồng), trong khi VCBS giảm gần 640 tỷ đồng dư nợ.
Đó là diễn biến chính ở những nhóm dẫn dắt của ngành, những công ty chứng khoán tư nhân khác không mấy nổi bật khi dư nợ cho vay cải thiện không nhiều so với quý liền trước. Điều này cũng phần nào phản ánh bức tranh toàn cảnh của ngành khi “sân chơi” margin đang có lợi thế lớn nằm ở các đơn vị trong hệ sinh thái ngân hàng tư nhân top đầu.