Sông Công sắp lên đô thị loại II: Sẽ làm cao tốc ở phía tây nam, bê tông hóa 100% các đường cấp phối

Theo quy hoạch, TP Sông Công sẽ có vành đai 5 quy mô đường cao tốc chạy dọc phía tây nam, các đường cấp phối hiện tại sẽ được bê tông hóa 100%...

Theo Cổng TTĐT Thái Nguyên, tại Kỳ họp thứ 11 khóa XIV diễn ra ngày 24/3, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết về việc Thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công là đô thị loại II.

Theo báo cáo tóm tắt đề án của Sở Xây dựng và thuyết minh đề án của UBND TP Sông Công về nội dung hạ tầng giao thông, hệ thống đường giao thông trên địa bàn thành phố khá hoàn chỉnh với các loại hình: Đường bộ, đường thủy, đường sắt và hệ thống đường trục chính nối liền trung tâm thành phố với các xã, phường.

Về mạng lưới giao thông đối ngoại, trên địa bàn có các tuyến: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 3, quốc lộ 37, các đường tỉnh lộ 262 và 266.

 Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khi mới thông xe. (Ảnh: TTXVN).

Trong đó, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) đoạn qua thành phố dài 6,82 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 2 x 9,5 m, lộ giới qua đô thị 50 m.

Quốc lộ 3 đoạn qua địa bàn Sông Công dài 9,2 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 2 x 8,75 m, lộ giới qua đô thị 30 m.

Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn thành phố dài 2,5km, mặt đường bê tông nhựa rộng 2 x 11,25 m, lộ giới qua đô thị 36 m.

Đường tỉnh lộ 262 qua địa phận Sông Công dài 5,8 km, mặt đường láng nhựa rộng 6 m, lộ giới qua đô thị 19,5 m. Tỉnh lộ 266 (Sông Công - Điềm Thụy, Phú Bình) thuộc địa giới hành chính thành phố Phổ Yên kết nối với đường Cách Mạng Tháng Mười của Sông Công.

Các tuyến đường trục chính quan trọng của TP Sông Công đã được đầu tư xây dựng như: Đường Cách Mạng Tháng Tám, Cách Mạng Tháng Mười, Thắng Lợi, Thống Nhất, 3-2, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Ngô Sỹ Liên,  Kim Đồng, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Lương Bằng, An Châu, Lương Sơn, Nguyễn Văn Cừ, đường chính và các đường phân khu trong các khu đô thị.

Các tuyến giao thông chính khu vực nội thành có mặt cắt từ 14 - 42 m.

Tổng diện tích đất giao thông đô thị trên địa bàn Sông Công là 241,91ha. Tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng đô thị là 25,07%. Mật độ đường chính trong khu vực nội thành đạt 7,14 km/km2.

Theo Quy hoạch chung TP Sông Công đến năm 2040, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hệ thống đường gom dọc tuyến, kết hợp với nút giao vượt đường cao tốc nhằm đảm bảo lưu thông giữa phía đông và phía tây thành phố. Quốc lộ 37 và tỉnh lộ 262 cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo.

 Vành đai 5 qua TP Sông Công. (Nguồn: Bản đồ định hướng phát triển giao thông tỉnh Thái Nguyên)

Quy hoạch cũng định hướng xây dựng mới đường vành đai 5 đoạn qua khu vực TP Sông Công. Hướng tuyến của đường vành đai này như sau: Tuyến đi theo hướng tây nam qua TP Sông Công đến Đèo Nhỡn, vượt dãy Tam Đảo tại Đèo Nhe sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 thì các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội là một trong các nhóm dự án được tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030. Đường vành đai 5 qua TP Sông Công là một đoạn thuộc cao tốc vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối các tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình...

Bên cạnh đó, trong khu vực các quận nội thành, Sông Công sẽ nâng cấp cải tạo, kết hợp xây dựng mới tuyến đường liên khu chạy theo hướng đông - tây nối trung tâm đô thị với khu vực phát triển mới với quy mô rộng 22,5 -29 m.

Các tuyến đường chính khu vực tại các khu vực phát triển đô thị cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo, kết hợp xây mới với độ rộng 19,5 - 21 m…

Các tuyến đường liên xã ở ngoại thành sẽ được nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt 10,5 m. Các tuyến đường cấp phối hiện trạng sẽ được chỉnh trang, đảm bảo 100% các tuyến đường được bê tông hóa.