Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (26/9-2/10): Đề xuất bổ sung gần 20.000 tỷ đồng cho vành đai 3 TP HCM, sắp khởi công cầu nối Bắc Ninh - Hải Dương

Đề xuất bổ sung gần 20.000 tỷ đồng cho vành đai 3 TP HCM, sắp khởi công cầu nối Bắc Ninh - Hải Dương, chưa đồng thuận phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành... là những thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng nổi bật tuần qua.

Đề xuất bổ sung gần 20.000 tỷ đồng cho vành đai 3 TP HCM

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ vốn dự kiến tăng thu của thành phố để thực hiện dự án vành đai 3 TP HCM.

Theo Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư vành đai 3, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án là 61.056 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 31.380 tỷ đồng, ngân sách địa phương 29.676 tỷ đồng (ngân sách TP HCM là 19.449 tỷ đồng)

Cũng theo Nghị quyết 57, Quốc hội cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương để thực hiện dự án Vành đai 3.

Hiện, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP HCM được giao là 142.557 tỷ đồng. Số vốn này chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới.

Một đoạn vành đai 3 sẽ mở qua TP Thủ Đức. (Ảnh tư liệu: Hải Quân) 

Nguồn vốn dự kiến tăng thu này đủ để đảm bảo chi cho đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP HCM là 19.449 tỷ đồng. Nội dung này cũng đã được HĐND TP HCM thông qua nghị quyết vào tháng 4. Tuy nhiên, phần vốn này chưa được Thủ tướng chấp thuận bổ sung, báo cáo Quốc hội thông qua.

Do đó, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho TP HCM (ngoài nguồn vốn 142.557 tỉ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án vành đai 3.

Sắp khởi công cầu nối Bắc Ninh - Hải Dương

Cầu Kênh Vàng kết nối Bắc Ninh - Hải Dương dự kiến được khởi công vào cuối năm nay. Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh giữa hai tỉnh.

Theo đó, phần cầu Kênh Vàng có chiều dài 740 m, được thiết kế quy mô vĩnh cửu, thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần đường dẫn lên cầu có chiều dài gần 13 km, mặt cắt ngang nền đường rộng 17m. Trong tổng kinh phí trên 1.700 tỷ đồng, chi phí xây dựng 1.235 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 300 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 900 tỷ đồng.

Chưa đồng thuận phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây do đơn vị này đề xuất.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, việc VEC đề xuất đầu tư với quy mô 8 làn xe (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) là chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu thực hiện theo Thông báo số 278/TB-BGTVT ngày 8/7/2022 về kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo về các tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và phương án tổ chức giao thông của các nút giao trong khu vực. Riêng cầu Long Thành, đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới với quy mô tương tự giai đoạn 1 và tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp.

 Một đoạn cao tốc TP HCM - Long Thành (Ảnh: Hải Quân)

Bên cạnh đó, để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, ngoài 2 phương thức đầu tư do VEC thực hiện như đề xuất, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị VEC bổ sung các phương án đầu tư như: đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công tư), đầu tư theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu nhược điểm của 5 phương án.

Bộ GTVT ghi nhận việc VEC đề xuất phương án đầu tư do ngân sách nhà nước đóng góp 44,4% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy phương án này không khả thi do hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bố trí cho dự án như đề xuất. Do đó, Bộ GTVT đề nghị VEC cập nhật thông tin để đề xuất phương án có tính khả thi.

Cà Mau muốn nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (QL.1), đường Hồ Chí Minh từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau.

Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng QL.1, đường Hồ Chí Minh từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng theo quy hoạch.

Trong đó, QL.1 từ TP Cà Mau đến Năm Căn đảm bảo quy mô 4 làn xe, tổng chiều rộng mặt đường và dải phân cách 19,5 m, nền đường rộng 20,5 m, đồng bộ với các đoạn thuộc QL.1 (từ TP Cần Thơ đến TP Cà Mau).

Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, trước mắt, nâng cấp, mở rộng đảm bảo quy mô 2 làn xe theo tiêu chuẩn, nền đường rộng 12 m.

Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm sớm giải quyết vấn đề giao thông hiện nay trên địa bàn tỉnh, cũng như kịp thời khai thác đồng bộ, hiệu quả đầu tư khi cao tốc cần Thơ - Cà Mau hoàn thành đưa vào khai thác.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, tuy nhiên chủ yếu chỉ duy trì chất lượng khai thác mà chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông như hiện nay.

Tiến độ đường Đầm Môn gần 1.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa đang chậm

Mởi đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà đã có buổi kiểm tra tiến độ thực hiện đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn (đường Đầm Môn).

Tại buổi kiểm tra, tiến độ thực hiện dự án đường Đầm Môn vẫn còn tương đối chậm so với kế hoạch. Do đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm việc với nhà thầu tập trung nhân lực, trang thiết bị để thi công dự án, đảm bảo hoàn thành tiến độ theo hợp đồng cam kết và đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thi công để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình…

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh các văn bản liên quan đến đầu tư xây dựng đường Đầm Môn - giai đoạn 2.

Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chuẩn bị các hồ sơ liên quan để tổ chức đấu thầu ngay khi có văn bản giao vốn dự án giai đoạn 2; nghiên cứu, thiết kế làn đường của giai đoạn 2 đồng bộ với đoạn đường của giai đoạn 1… 

Đường Đầm Môn do Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 998 tỷ đồng. Tuyến đường này rộng 36 m với 4 làn xe, dài 14,3 km. Theo kế hoạch ban đầu, trong quý I/2022 hoàn chỉnh toàn bộ mặt đường 2 bên tuyến và trong quý II/2022 sẽ nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. 

Duyệt chỉ giới đỏ gần 44 km đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, đến nay, TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ được 3/5 đoạn thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với tổng chiều dài 43,7 km.

Cụ thể, 3 đoạn này gồm đoạn 1 từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến cầu Hồng Hà dài 11km; đoạn 2 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 dài 17,7 km; đoạn 3 từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A dài 15 km.

Thông tin về đường Vành đai 4. (Đồ hoạ: Justin Bui). 

Hai đoạn còn lại dài 14,5 km (đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 dài 9,5 km và đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở dài 5 km) sẽ được phê duyệt trong tháng 9/2022. Dự kiến, Ban Quản lý dự án sẽ cắm xong mốc chỉ giới trong tháng 10/2022.

Về công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng bàn giao cho địa phương, Ban quản lý dự án đã hoàn thành công tác cắm mốc đối với 3 đoạn đã có quyết định phê duyệt chỉ giới với tổng chiều dài 36 km.

Hiện còn 22,2 km, trong đó có 14,5 km chưa phê duyệt chỉ giới và 6,5 km đã có quyết định phê duyệt chỉ giới đoạn qua sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức chưa được cắm mốc, cộng với 1,2 km thuộc phạm vi một số nút giao dự kiến sẽ cắm xong mốc trong tháng 10 năm nay. Riêng các nút giao kết nối với đường song hành sẽ cắm theo thiết kế được duyệt.

Quảng Ngãi chi 1.500 tỷ đồng xây dựng cầu Trà Khúc I

Vừa qua, kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã thông qua tờ trình về việc xây dựng cầu Trà Khúc I tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.500 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài khoảng 850 m, bề rộng cầu 27 m và các hạng mục phụ trợ khác. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2023 - 2027; trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 là chuẩn bị đầu tư, giai đoạn 2026 - 2027 thực hiện đầu tư.

Mục tiêu của dự án xây mới cầu Trà Khúc I nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo đúng quy hoạch được duyệt, cải thiện năng lực vận tải, kết nối giao thông từ cửa ngõ phía bắc vào trung tâm TP Quảng Ngãi, thúc đẩy mở rộng và phát triển không gian đô thị TP Quảng Ngãi về 2 hướng sông Trà Khúc.

Khởi công dự án thành phần 2 thuộc dự án sân bay Long Thành 

Vừa qua, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư đã được khởi công.

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗn hợp, bao gồm vốn của VATM và vốn vay thương mại trong nước. 

Dự án thực hiện đầu tư công trình xây dựng và thiết bị công nghệ gồm: (1) Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ (ATCT); (2) Trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm phát sóng vô tuyến VHF không địa (PSR/SSR/Tx); (3) Trạm thu sóng vô tuyến VHF không địa và Hệ thống giám sát tự động phụ thuộc (Rx/ADS-B); (4) Trạm radar khí tượng; (5) Đài dẫn đường đa hướng và đo cự li (DVOR/DME); (6) Hệ thống giám sát đa điểm (MLAT); (7) Hệ thống quan trắc thời tiết tự động (AWOS); (8) Hệ thống cảnh báo gió đứt; (9) Hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu giữa các công trình bảo đảm hoạt động bay; (10) Hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình bảo đảm hoạt động bay.

Các công trình phục vụ quản lý bay có tổng diện tích khoảng 7 ha. Trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích là 2,4 ha được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay và hoạt động bay trong vùng trời cảng hàng không.