Vietcap bán gần hết chứng khoán niêm yết FVTPL, lãi ròng quý II giảm 34%
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 20/07/2025 15:58
- Cao Phong
Lợi nhuận giảm do cắt lỗ cổ phiếu
Trong quý II/2025, CTCP Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.160 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước (916 tỷ đồng). Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 15,6 tỷ đồng ghi nhận trong quý II/2024.
Cơ cấu doanh thu chủ yếu gồm ba nguồn chính: lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 579,2 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ; doanh thu môi giới đạt 221,3 tỷ đồng, tăng 22,5%; doanh thu từ cho vay ký quỹ đạt 257,7 tỷ đồng, tăng 9,9%.
Tổng chi phí trong kỳ là 952,5 tỷ đồng, tăng mạnh 61% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí hoạt động chiếm 772 tỷ đồng, bao gồm lỗ FVTPL 591,5 tỷ đồng (gồm 645,5 tỷ đồng lỗ bán tài sản và âm 49,5 tỷ đồng đánh giá lại). Chi phí môi giới 160,6 tỷ đồng, tư vấn tài chính 6,5 tỷ đồng, lưu ký 4,8 tỷ đồng và tự doanh 8,9 tỷ đồng.
Chi phí tài chính là 153,4 tỷ đồng (giảm 22% so với cùng kỳ), chủ yếu từ lãi vay 145,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý công ty giảm 22% về 26,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận Vietcap giảm mạnh trong quý II. Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ các báo cáo tài chính quý của Vietcap.
Lợi nhuận trước thuế theo đó đạt 211,5 tỷ đồng, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế còn 183,9 tỷ đồng, giảm 34,1% so với quý II/2024, tương ứng mức giảm tuyệt đối 95,3 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vietcap, sự tăng trưởng doanh thu trong quý II/2025 chủ yếu đến từ các hoạt động môi giới, cho vay và đầu tư. Tuy nhiên, VN-Index trong quý II biến động mạnh, đặc biệt là giai đoạn sụt giảm liên tiếp nhiều phiên từ mốc 1.313 điểm xuống còn 1.073 điểm trong tháng 4/2025, làm chi phí chung tăng 61%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Vietcap ghi nhận tổng doanh thu đạt 2.023,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, hoàn thành 46,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 478,8 tỷ đồng, tăng 0,4% và tương ứng 40,1% mục tiêu cả năm.
Dư nợ cho vay ký quỹ hơn 11.000 tỷ đồng
Trong quý II/2025, doanh thu môi giới của Vietcap ghi nhận 221,28 tỷ đồng, tăng 22,5% so với mức 180,66 tỷ đồng tại ngày 01/01/2025. Chi phí môi giới trong cùng kỳ đạt 160,64 tỷ đồng, tăng 19,2% so với mức 134,81 tỷ đồng đầu năm. Tỷ lệ chi phí môi giới trên doanh thu môi giới quý II/2025 là 72,6%, giảm so với mức 74,6% đầu năm.
Dư nợ cho vay ký quỹ của Vietcap tính đến ngày 30/6 đạt 11.122,7 tỷ đồng, tăng 17,1 tỷ đồng (tương đương 0,15%) so với đầu năm. Tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu quý II/2025 là 89,4%, tăng so với mức 79,3% ghi nhận tại quý I/2025.
So với cùng kỳ năm trước (quý II/2024), khi dư nợ margin là 7.863,8 tỷ đồng và tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu ở mức 88,8%, thì dư nợ quý II/2025 đã tăng thêm 3.258,9 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 41,4%.

Dư nợ cho vay ký quỹ và tỷ lệ so với vốn chủ sở hữu của CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) theo quý, giai đoạn quý I/2022 – quý II/2025. Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ các Báo cáo tài chính quý của Vietcap.
Tất toán danh mục FVTPL
Tính đến ngày 30/6, danh mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của Vietcap đạt 777 tỷ đồng, trong đó chứng khoán chưa niêm yết chiếm ưu thế với 723 tỷ đồng, tương đương 93% tổng danh mục, gấp 3,5 lần cuối quý I.
Ngược lại, giá trị chứng khoán niêm yết FVTPL chỉ còn 53 tỷ đồng, giảm đột biến so với con số 988 tỷ đồng hồi cuối quý I, khi doanh nghiệp mạnh tay bán đi gần hết danh mục này.
Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 7.783 tỷ đồng, tăng 3% so với quý I. Chứng khoán AFS niêm yết của Vietcap gồm các mã cổ phiếu IDP (1.945,2 tỷ đồng), TDM (853 tỷ đồng), KDH (598,5 tỷ đồng), MBB (180,7 tỷ đồng), PNJ (81,7 tỷ đồng) và FPT (233 tỷ đồng).
Trái phiếu và chứng khoán AFS niêm yết khác có giá trị 3.045 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu AFS chưa niêm yết có tổng giá trị thị trường 846 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu kỳ, trong đó chủ yếu là NAP01 (595,8 tỷ đồng), còn lại là VPB02, LTH01 và các cổ phiếu khác không ghi nhận chênh lệch.
Tính đến cuối quý II/2025, tổng tài sản của Vietcap đạt 21.898 tỷ đồng, giảm 17,7% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh tới 90%, từ 4.743,8 tỷ đồng xuống còn 472,3 tỷ đồng.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả là 9.444 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cuối năm 2024; trong khi vốn chủ sở hữu tăng 2,6% lên mức 12.454 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ đòn bẩy tài chính (D/E) giảm từ 1,05 lần xuống còn 0,76 lần.