5 điểm nổi bật về quy hoạch huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương: Sẽ lên thị xã, nhiều cao tốc và quốc lộ mới chạy qua

Huyện Bắc Tân Uyên được tỉnh Bình Dương quy hoạch tên thị xã giai đoạn 2030 - 2040, cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch địa phương này.

Bắc Tân Uyên là một huyện nằm ở phía đông tỉnh Bình Dương, cách TP Thủ Dầu Một khoảng 34 km về phía đông bắc, cách trung tâm TP HCM khoảng 48 km. Phía đông và phía nam giáp huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; phía tây giáp các TP Bến Cát và Tân Uyên; phía bắc giáp các huyện Bàu Bàng và Phú Giáo.

Huyện hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Tân Thành (huyện lỵ), Tân Bình và 8 xã Bình Mỹ, Đất Cuốc, Hiếu Liêm, Lạc An, Tân Định, Tân Lập, Tân Mỹ, Thường Tân. Diện tích huyện hiện nay khoảng 400 km2, với quy mô dân số theo cập nhật mới nhất là 87.532 người.

 Một góc huyện Bắc Tân Uyên hiện nay. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Định hướng lên thị xã giai đoạn 2030 - 2040

Về tính chất, huyện Bắc Tân Uyên là cửa ngõ phía đông của tỉnh Bình Dương, kết nối với tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai; phát triển theo hướng công nghiệp - đô thị - nông nghiệp sinh thái; vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị phía Bắc đường vành đai 4 và là khu vực bảo vệ cảnh quan sinh thái.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025 khoảng 110.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 23.000 người; đến năm 2030 khoảng 250.000 người, dân số nội thị khoảng 108.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 43,2%.

Giai đoạn 2021 - 2025, có hai thị trấn Tân Thành, Tân Bình đều là đô thị loại V. Trong đó, thị trấn Tân Thành có dân số khoảng 9.000 người; thị trấn Tân Bình có dân số khoảng 14.000 người.

Tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội huyện Bắc Tân Uyên (Vành đai 4, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng).

Giai đoạn 2026 - 2030: hình thành đô thị Bình Mỹ và đô thị Tân Lập là đô thị loại V, trong đó đô thị Bình Mỹ có dân số khoảng 25.000 người, đô thị Tân Lập dân số khoảng 15.000 người; xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, hướng đến đô thị loại IV và tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường giao thông ĐT 741, ĐT 742, ĐT 747 và nút giao Cổng Xanh.

Giai đoạn 2030 - 2040 sẽ nâng cao các tiêu chí của đô thị Bắc Tân Uyên đạt đô thị loai IV, thành lập thị xã Bắc Tân Uyên. Hình thành các khu vực dự trữ phát triển cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp khi có nhu cầu. Giai đoạn đến năm 2050 sẽ nâng cao các tiêu chí của đô thị Bắc Tân Uyên đạt đô thị loai III.

Huyện Bắc Tân Uyên được định hướng lên thị xã giai đoạn 2030 - 2040. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Quy hoạch ba phân vùng phát triển kinh tế

Theo Quy hoạch, huyện định hướng phát triển kinh tế theo 3 vùng chính bao gồm Vùng 1 - Vùng Đô thị trung tâm gồm 1 thị trấn Tân Thành và 4 xã Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Mỹ, phía Nam xã Tân Định.

Vùng mang tính chất trọng tâm đô thị hạt nhân của huyện, tập trung các công trình trung tâm hành chính, chính trị, công cộng, dịch vụ, thương mại, các Khu, cụm công nghiệp gắn với khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm, sản xuất đầu vào cho nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng… và dân cư đô thị.

Vùng 2 - Vùng Đô thị Tân Bình gồm thị trấn Tân Bình, xã Bình Mỹ, gắn với vùng phát triển đô thị phía Bắc của thị xã Tân Uyên, cao tốc Hồ Chí Minh – Chơn Thành; phát triển thương mại dịch vụ gắn với đô thị sinh thái.

Vùng 3 - Vùng nông nghiệp ven sông Bé, sông Đồng Nai gồm phía bắc xã Tân Định và ba xã Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, là khu vực phát triển dân cư sinh thái gắn với nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao và du lịch.

Về định hướng phát triển không gian, hình thành khu đô thị trung tâm trên cơ sở thị trấn Tân Thành hiện hữu, làm hạt nhân phát triển lan tỏa cùng 4 xã Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Mỹ, Tân Định thông qua các tuyến giao thông chính đô thị, tiếp tục phát triển trung tâm hành chính, dịch vụ - thương mại, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí… Khu dân cư bao gồm dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang và khu vực phát triển đô thị mới.

Khu vực thị trấn Tân Thành và các xã Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Mỹ, Tân Định đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo quy hoạch chi tiết để có điều kiện phát triển dân cư.

Khu vực Tân Bình, Bình Mỹ với lợi thế về các KCN sẵn có như Tân Bình, VSIP IIA, việc thu hút dân cư sinh sống tại thị trấn Tân Bình có rất nhiều thuận lợi. Do đó phát triển mới hai khu vực đô thị với tính chất đô thị công nghiệp là Tân Bình và Bình Mỹ.

Phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới tại Bình Mỹ dựa trên các đường giao thông hiện hữu là ĐT 747, ĐT 742 và các tuyến Đông - Tây mở mới là ĐH 429, ĐH 430, ĐH 604 (nối dài).

Khu vực nông nghiệp ven sông Bé sẽ đẩy mạnh vùng chuyên canh cây có múi, đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao và khu chăn nuôi tập trung.

Có thêm 5 khu công nghiệp mới đến năm 2030

Đối với lĩnh vực công nghiệp, sau giai đoạn 2025, huyện không cấp chủ trương cho các nhà máy riêng lẻ ở ngoài và chỉ cấp phép cho các dự án trong KCN, CCN; ưu tiên phát triển hành lang công nghiệp dọc đường vành đai 4 nhằm khai thác ưu thế của tuyến cao tốc 41 - Vành đai 4, hành lang công nghiệp – đô thị.

Tiếp tục đầu tư phát triển hết công suất ba khu, bao gồm KCN KSB (Đất Cuốc), quy mô 523 ha; KCN Tân Bình, quy mô 352,5 ha; KCN VISP II-A (phần BTU), quy mô 991 ha.

Đến năm 2030, đầu tư 5 khu công nghiệp mới gồm KCN Tân Lập I, quy mô 200 ha; KCN VISP III, quy mô 1000 ha; KCN Bắc Tân Uyên 1, quy mô giai đoạn 1 460 ha; KCN Bắc Tân Uyên 2, quy mô 425 ha; KCN Bắc Tân Uyên 3, quy mô 288 ha.

Sau năm 2030, dự kiến mở rộng KCN Bắc Tân Uyên 1, quy mô giai đoạn 2 390 ha; xây dựng một khu công nghiệp mới Bắc Tân Uyên 4, quy mô 500 ha.

Đối với cụm công nghiệp, tiếp tục đầu tư phát triển CCN Tân Mỹ; giai đoạn đến năm 2025, đầu tư các CCN Tân Định 1, Tân Định 2, Tân Định 3, Tân Định 4; Giai đoạn đến năm 2030, đầu tư các CCN Tân Định 5, Tân Mỹ 2. 

Đối với lĩnh vực thương mại, phát triển Trung tâm Thương mại tập trung Tân Thành, Tân Lập; xây dựng siêu thị tại Tân Thành, Tân Lập, Tân Bình, Bình Mỹ, Tân Mỹ; phát triển dịch vụ phụ trợ cho công nghiệp: Tân Thành, Tân Bình, Tân Lập, Bình Mỹ; Phát triển các dịch vụ công nghiệp, dịch vụ tài chính để bổ trợ cho sự phát triển các KCN trong vùng.

Tại Tân Lập, Bình Mỹ sẽ tập trung phát triển các dịch vụ công nghiệp, dịch vụ vận tải để bổ trợ cho sự phát triển các KCN. Đến năm 2025, toàn huyện có 9 chợ; hai siêu thị. Đến năm 2030, toàn huyện có 11 chợ, 4 siêu thị và hai trung tâm thương mại.

 Khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên. (Ảnh: VOV).

Hưởng lợi từ hai tuyến cao tốc, xây mới hai tuyến quốc lộ

Về hệ thống giao thông của huyện, đối với cao tốc, đường vành đai 4 tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn còn lại qua thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 6 - 8 làn xe.

Tuyến có tổng chiều dài 207 km, bắt đầu tại đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, kết thúc tại Cảng Hiệp Phước, TP HCM; trong đó đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu dài 18,3 km, đoạn qua Đồng Nai dài 35 km, đoạn qua Bình Dương dài 47,8 km, đoạn qua Long An dài 74,5 km và đoạn qua TP HCM dài 18,3 km.

Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 14 huyện, thị xã, thành phố thuộc 5 tỉnh, thành phố bao gồm các huyện, thị xã Phú Mỹ, Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu); các huyện: Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai); các huyện, thành phố, thị xã Bắc Tân Uyên, Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương); các huyện Củ Chi, Nhà Bè (TP HCM); các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An).

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn huyện với quy mô 6 - 8 làn xe, đoạn qua Bình Dương có điểm đầu tại đường Vành đai 3 TP HCM thuộc địa phận TP Thuận An; điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. 

Tổng chiều dài tuyến khoảng 52, quy mô đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h; qua địa giới hành chính các huyện, thành phố Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc tỉnh Bình Dương. 

Đối với quốc lộ, nâng cấp ĐT 741 thành QL 13B, quy mô 2 - 4 làn xe. Xây dựng mới các tuyến quốc lộ bao gồm QL 13C, quy mô 4 - 6 làn xe và QL 56, quy mô 2 - 4 làn xe.

Đường tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến ĐT 742, quy mô 6 làn xe; ĐT 476, quy mô 6 làn xe. Xây dựng mới các tuyến ĐT 745B, quy mô 4 - 6 làn xe; ĐT 746B quy mô 4 - 6 làn xe; ĐT 747A, quy mô 6 làn xe. Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, quy mô 6 làn xe.

Trong đó, đáng chú ý là tuyến đường tạo động lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được tỉnh Bình Dương khởi công từ năm 2021. 

Tuyến có quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, tổng kinh phí đầu tư trên 3.800 tỷ đồng, đi qua các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Bàu Bàng (Bình Dương). Tuyến đường này vừa được tỉnh Bình Dương khánh thành hối cuối tháng 9 vừa qua.

Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. (Ảnh: UBND tỉnh Bình Dương).

Loạt dự án bất động sản tại huyện Bắc Tân Uyên 

Về các dự án bất động sản tại huyện Bắc Tân Uyên, huyện hiện có hai dự án bất động sản đang hiện diện bao gồm khu phức hợp Hana Garden Mall với quy mô khoảng 22 ha, với hơn 1300 nền nhà phố có diện tích từ 70 m2 – 150 m2. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH MTV Bất động sản Đầu tư và Phát triển Hà Nam.

Một dự án khác là Lakeview Bình Dương được quy hoạch nằm trên tổng diện tích đất khoảng 3 ha.  Dự án này do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Thành làm chủ đầu tư.

Bên cạnh hai dự án này, theo kế hoạch sử dụng đất năm nay của huyện, một loạt dự án bất động sản khác cũng được đề cập bao gồm khu nhà ở Tân Mỹ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Mỹ (xã Đất Cuốc, 5,8 ha); khu nhà ở Thái Bình của CTCP Đầu tư Địa ốc Đất Thủ (thị trấn Tân Bình, 2,1 ha).

Khu nhà ở Bình Mỹ 3 của CTCP Bất động sản Bắc Bình Dương (xã Bình Mỹ, 33 ha); hai dự án khu nhà ở của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồng Phúc (xã Tân Lập, diện tích lần lượt là 5,3 ha và 7,8 ha); khu nhà ở của CTCP Vanilux - khu dân cư Vanilux (xã Bình Mỹ, 5,6 ha).

Khu nhà ở của Công ty TNHH DCT Partners Việt Nam (xã Đất Cuốc, 30 ha); khu thương mại dịch vụ (Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ Thương mại và Xây dựng Địa ốc Tân Lập (xã Tân Lập, 0,32 ha); khu nhà ở của Công ty TNHH Tân Lập Villa (xã Tân Lập, hơn 11 ha).

Khu nhà ở của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phú Gia Hưng (xã Đất Cuốc, 8 ha); khu nhà ở công nhân Thành Lợi - Tân Mỹ của Công ty TNHH Cát Tường Bình Dương (xã Tân Mỹ, 8,3 ha); khu nhà ở Charm LakeView (xã Tân Mỹ, 5,6 ha).