5 điểm nổi bật về quy hoạch TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương

TP Tân Uyên là một trong hai thành phố trẻ nhất của tỉnh Bình Dương hiện tại. Cùng điểm quy những điểm nổi bật trong quy hoạch thành phố này.

TP Tân Uyên nằm ở phía đông tỉnh Bình Dương, có sông Đồng Nai chảy qua. Phía đông giáp huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (qua sông Đồng Nai) và huyện Bắc Tân Uyên; phía tây giáp các TP Thủ Dầu Một và Bến Cát; phía nam giáp TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (qua sông Đồng Nai và rạch Ông Tiếp) và các TP Dĩ An, Thuận An; phía bắc giáp huyện Bắc Tân Uyên.

Thành phố có diện tích khoảng 192 km2, dân số theo cập nhật mới nhất là 466.053 người, mật độ dân số đạt 2.430 người/km2.

 Một góc TP Tân Uyên hiện nay. (Ảnh: Báo Bình Dương).

Là một trong hai thành phố trẻ tuổi nhất của tỉnh Bình Dương, đạt tỷ lệ đô thị hóa 98% vào năm 2030

Theo tìm hiểu của người viết, TP Tân Uyên là một trong hai thành phố trẻ tuổi nhất của tỉnh Bình Dương, ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc  thành lập TP Tân Uyên trên cơ sở toàn bộ 192 km2 diện tích tự nhiên và 466.053 người của thị xã Tân Uyên.

Thành phố hiện có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 10 phường Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và hai xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội. Trong đó, hai xã Bạch Đằng và Thạnh Hội là hai cù lao nằm trên sông Đồng Nai.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng đến năm 2030, hành phố là đô thị loại II và phấn đấu đáp ứng tiêu chí đô thị loại I. Dân số thành phố 700.000 người, dân số thành thị khoảng 683.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 98%.

Về định hướng phát triển không gian, hình thành khu đô thị trung tâm trên cơ sở trung tâm hiện hữu ở phường Uyên Hưng, lấy trung tâm TP Tân Uyên làm hạt nhân phát triển lan tỏa thông qua các tuyến giao thông chính đô thị, tiếp tục phát triển trung tâm hành chính, dịch vụ - thương mại, tài chính - ngân hàng, văn hóa, giáo dục, vui chơi giải trí...

Khu vực giáp sông Đồng Nai về phía đông nam là khu vực cảng Thạnh Phước sẽ kết nối với cảng Thái Hòa hình thành khu đô thị Cảng và dịch vụ Logitics phục vụ cho các khu công nghiệp của Bình Dương và các vùng lân cận TP HCM, Đồng Nai. Trung tâm khu vực bố trí tại giao lộ đường ĐT 747A và đường chính khu vực kết nối với đô thị Tân Bình của TP Dĩ An.

Đối diện với KCN Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng dự kiến khu vực nối dài lên đường Vành đai 4 tương lai là khu đô thị dịch vụ tích hợp đa chức năng. Trung tâm khu vực được đặt tại giao lộ đường Đại lộ Nam Tân Uyên với Đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một.

Khu vực phía tây bắc là khu công nghiệp VSIP II hiện hữu kết nối với đường Vành đai 4, ĐT 742 và trục đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một hình thành khu đô thị dịch vụ - thương mại hỗ trợ cho các khu công nghiệp. Trung tâm khu vực được đặt tại ngã giao đường Vành đai 4 với ĐT 742.

Khu vực phía đông bắc có Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, Khu công nghiệp VSIP III. Đầu tư phát triển hoàn chỉnh các Khu công nghiệp hiện có, phát triển công nghiệp mới kết nối KCN Nam Tân Uyên mở rộng và KCN VSIP III.

Khu vực phía tây nam là vùng tiếp giáp với Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, có tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đi qua và ga tổng hợp Bình Dương dự kiến sẽ xây dựng tại Phú Chánh, được xác định là khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng.

 Tân Uyên là một trong hai thành phố trẻ của tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân).

Phát triển theo ba vùng - hai trục - một hành lang

Theo quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế theo ba vùng chính, cụ thể bao gồm Vùng 1 là vùng đô thị trung tâm phát triển đô thị trung tâm Tân Uyên trở thành trung tâm chính trị văn hoá, xã hội, thương mại....

Phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ khu vực phía bắc, ưu tiên phát triển trung tâm thương mại gắn với các khu vực đường vành đai 4, ĐT 742, trục đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một.

Vùng 2 là vùng đô thị phía Tây khu đô thị mới kết hợp đầu mối giao thông vùng, phát triển nhờ sự lan tỏa của Khu liên hợp, từ trung tâm đô thị hiện hữu Tân Phước Khánh, và có các tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh đi qua đặt ga tại phường Phú Chánh.

Vùng 3 phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn và phát triển các dịch vụ vận tải gắn với sông Đồng Nai như khu vực cảng Thạnh Phước sẽ kết nối với cảng Thái Hòa hình thành khu đô thị Cảng và dịch vụ Logitics.

Hai trục phát triểntrục Bắc - Nam lấy trục Nam Tân Uyên phát triển thương mại, dịch vụ; trục Đông - Tây lấy đường Vành đai 4 phát triển đô thị, thương mại dịch vụ.

Một hành lang sinh thái gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai, phát triển theo hướng nông nghiệp kết hợp với du lịch nghiên cứu, du lịch sinh thái.

Về phương án phân bổ đất đai, đất nông nghiệp khoảng 8.401 ha bao gồm; đất phi nông nghiệp khoảng 10.774 ha bao gồm đất ở đô thị (2.120 ha); đất ở nông thôn ( 164 ha); đất quốc phòng; đất an ninh; đất khu công nghiệp (1.951 ha); cụm công nghiệp (252,13 ha); đất thương mại, dịch vụ (429 ha).

Đất các khu chức năng bao gồm đất đô thị 20.416 ha; đất khu sản xuất nông nghiệp 2.594,5 ha; đất Khu lâm nghiệp khoảng 69 ha; khu du lịch khoảng 277 ha; khu phát triển công nghiệp khoảng 4.547 ha; khu đô thị khoảng 2.863 ha; khu thương mại dịch vụ khoảng 592 ha; khu dân cư nông thôn khoảng 180 ha.

Đạt hơn 4.000 ha đất khu công nghiệp sau năm 2030

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương, về công nghiệp, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của TP Tân Uyên khoảng 3.430 ha và sau năm 2030, tổng diện tích đất KCN khoảng 4.030 ha, phát triển KCN Bình Dương Riverside ISC với quy mô khoảng 600 ha.

Phát triển hoàn thiện hạ tầng 7 khu công nghiệp hiện hữu bao gồm KCN Mỹ Phước 1,2,3; KCN Thới Hòa; KCN Quốc tế Protrade; KCN Việt Hương 2 và KCN Rạch Bắp.

Điều chỉnh KCN Quốc tế Protrade ra khỏi Danh mục các khu công nghệ cao tại Quyết định ngày 8/6/2015 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, mở rộng KCN Rạch Bắp với diện tích khoảng 360 ha và ngành nghề thu hút đầu tư thứ cấp. Đồng thời, điều chỉnh diện tích KCN Tân Bình thuộc Bến Cát nằm trong ranh giới phát triển khu đổi mới sáng tạo của tỉnh gắn với Bầu Bàng thành chức năng hỗn hợp.

Sau năm 2030, phát triển KCN Bình Dương Riverside ISC với quy mô khoảng 600 ha và phát triển hoàn chỉnh các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã.

Có tuyến vành đai 4 TP HCM đi qua

Đối với hệ thống giao thông đường bộ, TP Tân Uyên cũng có hai tuyến đường lớn được quy hoạch qua địa bàn đường Vành đai 4 TP HCM và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tuyến vành đai 4 TP HCM điểm đầu giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại, tuyến hướng về sân bay Quốc tế Long Thành, đến điểm cuối nối với đường trục Bắc - Nam tại Khu đô thị - cảng Hiệp Phước, TP HCM.

Đoạn đi qua địa bàn TP Tân Uyên dài gần 11 km, rộng mặt 40 m, lộ giới 62 - 67 m. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với quy mô 6 - 8 làn xe.

Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường cao tốc quan trọng dự kiến chạy qua địa bàn thành phố, tổng chiều dài tuyến khoảng 69 km, trong đó, đoạn qua TP Tân Uyên có chiều dài khoảng 18,5 km, lộ giới 54 m.

Bên cạnh hai tuyến cao tốc này, thành phố còn có tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đi qua. Theo đó, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh bắt đầu từ ga Dĩ An về ga Chánh Lưu là ga cuối của ranh đầu mối. Chiều dài toàn tuyến là 128 km. Đoạn đi qua địa bàn thành phố Tân Uyên dài 10,9 km, theo quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp I, đường đôi, khổ 1.435mm.

Hai tuyến metro bao gồm tuyến số 4 (Thành phố mới Bình Dương - Uyên Hưng - Tân Thành) bắt đầu từ ga trung tâm tại thành phố mới theo đường Lê Hoàn, Trần Quốc Toản, đại lộ Thủ Dầu Một - Uyên Hưng tới Uyên Hưng, theo ĐT 746B tới Tân Thành. Tuyến dài 22,3 km, kết nối khu vực phía Đông về trung tâm tỉnh.

Tuyến số 5 (Vĩnh Phú - Uyên Hưng) bắt đầu từ Vĩnh Phú, Thuận An, đi dọc ĐT 743 qua ngã 4 Miễu Ông Cù theo ĐT 747B đến KCN Nam Tân Uyên và theo ĐT 746 đến trung tâm Nam Tân Uyên. Tuyến dài 27,5 km, chạy qua các khu công nghiệp lớn của Thuận An và Dĩ An.

Loạt dự án bất động sản nào đang hiện diện tại TP Tân Uyên?

Thị trường bất động sản TP Tân Uyên hiện khá sôi động với sự xuất hiện của hàng loạt dự án bất động sản. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Là một trong 5 thành phố của tỉnh Bình Dương, thị trường bất động sản của TP Tân Uyên cũng có sự hiện diện của hàng loạt dự án bất động sản. Các dự án đơn cử hiện diện tại đây bao gồm dự án Green Valley City với tổng diện tích gần 10 ha, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center, đơn vị phát triển dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Land.

Dự án Tecco Felice Tower với tổng diện tích 6.232 m2, quy mô một khối tháp cao 16 tầng, một tầng hầm, chiều cao 55,3 m với quy mô dân số 1.500 người. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản và Khách sạn Huyền Điệp.

Khu dân cư Sun Casa Central với tổng diện tích 30 ha. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty Liên doanh TNHH Khu Công Nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

Khu dân cư Inco City với diện tích quy hoạch khoảng 2,2 ha. Chủ đầu tư của dự án này là CTCP Kinh doanh Bất động sản Toàn Thắng. Dự án Casa Mall với diện tích 3,8 ha, dản phẩm chính của dự án là 201 căn nhà phố thương mại, chủ đầu tư là CTCP đầu tư Bất động sản Minh An.

Khu dân cư The Standard Central Park với tổng diện tích quy hoạch khoảng 6,9 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, dân số dự kiến là 1.500 người. Chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Bất động sản Lê Gia, đơn vị phát triển là CTCP Đầu tư và phát triển Bất động sản An Gia.

Dự án khu nhà ở thương mại Đại Phát với diện tích quy hoạch khoảng 1,44 ha. Dự án bao gồm 89 căn nhà phố thương mại. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Long Đại Phát.

Khu dân cư City Land được quy hoạch trên tổng diện tích đất khoảng 51 ha. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên. Khu đô thị New Times City với tổng diện tích quy hoạch 18,5 ha. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hoàng Hùng...