6 quy hoạch lớn được duyệt năm 2024
Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5 - 9,5%/ năm thời kỳ 2021 - 2030. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15 - 16% tổng sản phẩm (GDP) của cả nước, khoảng 45 - 46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội cũng sẽ phát triển theo 4 hành lang và một vành đai kinh tế bao gồm hành lang phía bắc Thủ đô hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh: Là tuyến hành lang kết nối chủ đạo của vùng động lực phía bắc, kết nối Thủ đô với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng.
Hành lang kinh tế đông bắc Thủ đô gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP HCM; hành lang kinh tế Tây - Bắc gắn với hành lang kinh tế tỉnh Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội
Cùng với đó, Vành đai kinh tế vùng Thủ đô sẽ hình thành dọc theo các tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 - vùng Thủ đô. Tập trung kết nối phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và logistics của vùng Thủ đô.
Về phát triển hệ thống đô thị, hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm, gồm khu vực nội đô lịch sử và các khu vực liền kề.
Cùng với đó, nghiên cứu hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô, bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn được quản lý và phát triển theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù của đô thị Hà Nội. Trước mắt hình thành thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây.
Trong đó, thành phố phía Bắc (vùng Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh) là đô thị dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, kết nối quốc tế.
Thành phố phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai) là đô thị khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia gắn với Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Nghiên cứu, hình thành thành phố tại khu vực Sơn Tây, Ba Vì là thành phố văn hóa, du lịch và thành phố phía Nam tại khu vực Phú Xuyên, Thường Tín: là thành phố công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Về hệ thống sân bay, Hà Nội sẽ nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có công suất phục vụ 60 triệu hành khách/năm và 2,0 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2030; đến năm 2050, có công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm và 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.
Nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai tại khu vực Đông Nam, Nam Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô sau năm 2030 với chức năng hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Nâng cấp, mở rộng, bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hoà Lạc.
Hiện tại, theo tìm hiểu của người viết, đã có khoảng 61/63 quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, có thể kể đến như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Long An, Bình Dương, Đồng Nai...
Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với 5/6 vùng kinh tế - xã hội còn lại, gồm: Trung du miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trước đó, năm 2022, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đối với vùng Trung du miền núi Bắc Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 40%.
Về định hướng phát triển các tiểu vùng, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành ba tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và một khu vực động lực.
Hệ thống đô thị của vùng đến năm 2030 gồm 5 đô thị loại I, 11 đô thị loại II và 5 đô thị loại III.
Tiếp đến là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, vùng trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 32 - 33 m2.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành hai tiểu vùng (phía bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng) với một vùng động lực quốc gia (bao gồm TP Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh).
4 cực tăng trưởng (gồm Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng) và 5 hành lang kinh tế (hai hành lang kết nối quốc tế và ba hành lang kết nối vùng).
Thứ ba là Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, mạnh về kinh tế biển. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; dự kiến phát triển được ít nhất một đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế.
Vùng sẽ phát triển theo ba tiểu vùng và hai hành lang kinh tế bao gồm tiểu vùng Bắc Trung Bộ với 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; tiểu vùng Trung Trung Bộ với 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh, thành phố là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Tiếp theo là Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/5, mục tiêu năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 37% - 41%.
Vùng cũng sẽ phát triển theo ba tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế. Theo đó, ba tiểu vùng bao gồm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (bao gồm tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum); tiểu vùng Trung Tây Nguyên (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk); tiểu vùng Nam Tây Nguyên (bao gồm tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông).
Cuối cùng là Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70 - 75%.
Vùng sẽ phát triển theo ba tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế. Trong đó, ba tiểu vùng bao gồm tiểu vùng trung tâm với TP HCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai; tiểu vùng ven biển, gồm khu vực Cần Giờ (TP HCM) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tiểu vùng phía Bắc, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định về việc Phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, hệ thống đô thị dự kiến có tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo.
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Dân số đô thị tăng trung bình 3,37 - 4,13%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%, phù hợp với đặc trưng sử dụng đất vùng miền.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 - 10 m2; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32 m2.
Cùng với đó, phát triển TP Hà Nội, TP HCM và các thành phố khác trực thuộc trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Quy hoạch đô thị lớn gắn với giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho đô thị trung tâm.
Quy hoạch còn chỉ ra 4 vùng đô thị chính bao gồm vùng đô thị Hà Nội là vùng đô thị lớn gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hoà Bình và Phú Thọ.
Vùng đô thị TP HCM là vùng đô thị lớn gồm các tỉnh/thành phố TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.
Vùng đô thị Đà Nẵng gồm các TP Đà Nẵng, Huế và các đô thị lân cận thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong đó, xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, TP Huế là cực tăng trưởng.
Vùng đô thị Cần Thơ gồm TP Cần Thơ và các đô thị lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Xây dựng TP Cần Thơ là cực tăng trưởng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ phân thành ba tiểu vùng bao gồm Vùng núi Đông Bắc Bộ; vùng núi Bắc Bắc Bộ và vùng núi Tây Bắc Bộ. Các thành phố Thái Nguyên, Việt Trì, Bắc Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên Phủ là đô thị trung tâm vùng;
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm các thành phố Hạ Long, Hải Dương, Nam Định là đô thị trung tâm vùng;
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phân thành ba tiểu vùng bao gồm vùng Bắc Trung Bộ, vùng Trung Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ; các thành phố Thanh hóa, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang là đô thị trung tâm vùng.
Vùng Tây Nguyên gồm các thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt là đô thị trung tâm vùng;
Vùng Đông Nam Bộ gồm các TP Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Vũng Tàu là đô thị trung tâm vùng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các đô thị là trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng bao gồm TP Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng.
Hồi cuối tháng 6, Quốc hội đã có Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về kinh tế biển, quy hoạch sẽ góp phần để các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển đạt từ 65% đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Cùng với đó, mở rộng đảo ở những nơi có điều kiện phù hợp; phát triển hệ thống đô thị ven biển, trong đó ưu tiên phát triển đô thị tại các khu vực cửa sông ven biển, khu vực đảo gắn với phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển.
Việc phân vùng sử dụng không gian đối với vùng đất ven biển và các đảo, các quần đảo được phân theo 4 vùng kinh tế - xã hội bao gồm vùng đất ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng đất ven biển Đông Nam Bộ gồm có Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM; vùng đất ven biển Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang và các đảo, các quần đảo.
Trong đó, vùng đất ven biển phía Bắc sẽ phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với trung tâm là khu cảng biển Hải Phòng - Quảng Ninh.
Cùng với đó, phát triển vùng du lịch phía Đông Bắc (Đồ Sơn - Cát Bà - Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô và địa phương ven biển khác khi có điều kiện) trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển đảo có tầm quốc tế.
Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ phát triển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh thành trung tâm kinh tế biển gắn với khu cảng biển, khu chế xuất, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, với trung tâm là khu vực cảng biển Nghi Sơn, Vũng Áng - Cửa Lò.
Phát triển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển gắn với khu đô thị - cảng biển Liên Chiểu - Chân Mây. Phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển.
Vùng đất ven biển Đông Nam Bộ sẽ phát triển khu vực ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế, hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Về vùng đất ven biển Tây Nam Bộ, đối với khu vực phía Đông (từ Tiền Giang đến Đông Nam Cà Mau): Phát triển Trà Vinh - Sóc Trăng, liên kết với Cần Thơ thành trung tâm kinh tế biển của khu vực gắn với khu cảng Trần Đề và hành lang kinh tế ven biển gắn với phát triển tuyến đường ven biển.
Khu vực phía Tây (từ Tây Nam Cà Mau đến Kiên Giang): Phát triển các cảng biển du lịch, cảng biển xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu bến cảng Phú Quốc - Rạch Giá - Hòn Chông và cảng Năm Căn - Ông Đốc.
Cũng trong tháng 6, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Định hướng năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. Dự kiến đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17 - 18% trong GDP.
Quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam bao gồm 6 vùng, ba cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
6 vùng bao gồm vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ba cực tăng trưởng bao gồm thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực phía Bắc, đóng vai trò cửa ngõ và trung tâm phân phối khách cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.
TP HCM là cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực phía nam, đóng vai trò cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam.
TP Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực miền Trung, đóng vai trò là cửa ngõ thu hút khách theo đường không, đường biển và đường bộ (hành lang kinh tế Đông - Tây) và là động lực thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả vùng Tây Nguyên.
8 khu vực động lực bao gồm khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; khu vực Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; khu vực Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận.
Khu vực TP HCM - Bà Rịa; khu vực Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau; khu vực Lào Cai - Hà Giang; khu vực Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên;
Phát triển 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển mạng lưới, gồm 3 nội dung chính bao gồm phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới bảo tàng, thư viện, cơ sở điện ảnh, cơ sở nghệ thuật biểu diễn, trung tâm văn hóa trong nước, trung tâm văn hóa ở nước ngoài, cơ sở nghiên cứu...
Mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện nghệ thuật quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.
Hình thành trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương trung tâm vùng và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia.
Nghiên cứu, xây dựng mới bốn công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội, Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại TP HCM với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi/cơ sở.
Phát triển mạng lưới TDTT quốc gia, trong đó tập trung phát triển các mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương.
Đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với 10 đô thị quan trọng của quốc gia và vùng như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ…; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao Châu Á.