ACB: NIM sụt giảm khiến lợi nhuận không đạt như kỳ vọng, được nới room lên 18,4%

ACB cho biết NIM sụt giảm do cạnh tranh lãi suất là nguyên nhân khiến tăng trưởng lợi nhuận trong ba quý năm 2024 không đạt kỳ vọng. Ngoài ra, lãnh đạo ACB cũng tiết lộ đang xem xét thay đổi mô hình kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.

NIM sụt giảm khiến lợi nhuận không đạt như kỳ vọng

Trong tài liệu gặp gỡ nhà đầu tư quý III/2024, ACB đã đưa ra dự phóng về kết quả kinh doanh cho cả năm 2024 với lợi nhuận chỉ tăng trưởng 5% so với năm 2023, lên mức 21.145 tỷ đồng vớibiên lãi thuần (NIM) giảm. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu được kỳ vọng sẽ duy trì trên 20%.

Trong năm 2024, ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng lên 18,4%. Tính đến hết quý III, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 12,8%, một mức tăng khả quan so với mặt bằng chung của ngành.Ngân hàng cũng dự kiến sẽ sử dụng toàn bộ hạn mức tín dụng được cấp trong năm 2024 và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. 

 Lợi nhuận trước thuế (Profit before tax) không đạt được kỳ vọng do NIM thu hẹp. (Nguồn: Báo cáo của ACB).

Sau ba quý, ACB lãi trước thuế 15.335 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý III, lãi trước thuế giảm 3,8% so với cùng kỳ do không còn thu đột biến từ chứng khoán đầu tư và nhiều mảng phi tín dụng sụt giảm.

Theo ghi nhận của Chứng khoán Shinhan (SSV) tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư, cạnh tranh gay gắt về lãi suất cho vay ưu đãi ra thị trường khiến cho NIM của ACB giảm. Đến cuối quý III, NIM trượt 4 quý của ACB đãthu hẹp so với đầu năm từ mức 4% cuối 2023 về mức 3,8% cuối quý III. ACB cho rằng cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, tuy nhiên không quá đáng kể. 

 NIM của ACB đã giảm 18 điểm cơ bản từ cuối năm 2023 đến hết quý III/2024. (Nguồn: Báo cáo của ACB).

Sau ba quý, ngân hàng mẹ ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 13,3%. Trong đó, nhóm khách hàng bán lẻ tăng trưởng 12% (riêng cho vay mua nhà tăng 14%), nhóm khách hàng doanh nghiệp tăng 15% (cho vay thương mại tăng 17%, cho vay sản xuất kinh doanh tăng 21%). 

Chia sẻ tại cuộc họp, ban lãnh đạo ACB cho rằng ngân hàng đã bước đầu đang thành công trong sự dịch chuyển mở rộng cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp, hướng tới đa dạng hóa danh mục cho vay. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi Luật Đất Đai (sửa đổi) được thông qua, nên ACB đã đẩy mạnh cho vay nhóm khách hàng tại các Khu Công Nghiệp. 

Về mặt chiến lược, nhóm khách hàng bán lẻ vẫn là trụ cột chính của ngân hàng trong tương lai. Tuy vậy năm 2024 vẫn là một năm khó khăn của ACB khi nhóm khách hàng SMEs và cá nhân vẫn đang cho thấy sự phục hồi chậm.

Thu nhập ngoài lãi chịu ảnh hưởng từ Banca

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập ngoài lãi của ACB sụt giảm mạnh 26% so với cùng kỳ năm trước.Mảng thu nhập phí vẫn cho thấy mức tăng trưởng dương 8%, với sự đóng góp chính từ mảng thẻ và dịch vụ thanh toán.

Trong khi đó, do diễn biến lãi suất không cho phép ACB ghi nhận lợi nhuận từ danh mục trái phiếu chính phủ nên mảng này đã giảm sâu.

 Nguồn: Báo cáo của ACB.

Đồng thời, ACB cho biết mảng bancasurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng - banca) nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ban lãnh đạo ACB chia sẻ rằng có thể sẽ phải thay đổi mô hình kinh doanh bancasurance trong thời gian tới. 

Hiện ACB đang hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với đối tác Sun Life (sau khi chia tay với AIA và Manulife từ cuối 2020), thời gian của hợp đồng này kéo dài 15 năm.

Theo nhận định của Chứng khoán VCBS, hợp đồng giữa ACB với Sun Life có mức phí trả trước (Upfront fee) lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền của các ngân hàng có qui mô tài sản tương đương.

Trong năm đầu tiên, ACB đã mang về hơn 1.246 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm vươn lên thứ 5 thị trường banca. Sang năm thứ hai, doanh thu phí bảo hiểm của ACB đạt hơn 1.437 tỷ đồng, đứng thứ 3 thị trường.

Sang năm 2023, khi ngành bảo hiểm gặp "khủng hoảng", nguồn thu phí từ mảng này của ACB cũng sụt giảm mạnh. Đồng thời sự điều chỉnh chặt chẽ hơn về các quy định bán chéo bảo hiểm (Luật các TCTD có hiệu lực từ tháng 7/2024) cũng tác động lớn đến các ngân hàng có tỷ trọng doanh thu cao mảng này.

Theo số liệu của Chứng khoán MB (MBS), ACB và VIB là hai có tỷ trọng thu nhập banca trong tổng thu nhập ngoài lãi cao nhất trong nhóm các ngân hàng cổ phần, do đó mức độ ảnh hưởng sẽ lớn nhất.

 Banca chiếm 38% trong tỷ trọng thu nhập về phí dịch vụ của ACB trong 9 tháng đầu năm 2024. (Nguồn: Báo cáo của ACB).

Ngoài ra, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng khiến thu nhập khác liên quan đến xử lý tài sản đã xử lý rủi ro của ACB tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2024. 

ACB cho biết do thị trường bất động sản chưa sôi động nên quy trình xử lý sẽ mất nhiều thời gian hơn. Thông thường cần khoảng 2 - 3 tháng để xử lý nhưng hiện tại ACB cần tới hơn 6 tháng. Do sự kéo dài này, thu nhập này vẫn chưa có nhiều sự thay đổi trong 2024. 

"Chúng tôi kỳ vọng mảng này có khởi sắc hơn vào nửa đầu năm 2025", Chứng khoán Shinhan dự báo.