Ba kịch bản TTCK năm 2025 và các nhóm ngành triển vọng để ‘chọn mặt, gửi vàng’

Ngày 24/12, Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) đã tổ chức buổi livestream chủ đề “Chiến lược cho nhà đầu tư chứng khoán năm 2025”. Các chuyên gia đã chia sẻ về dự báo về thị trường chứng khoán và các nhóm ngành triển vọng cho mỗi kịch bản.

Livestream chủ đề “Chiến lược cho nhà đầu tư chứng khoán năm 2025” do TPS tổ chức ngày 24/12. (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Đầu tư TPS, tính đến thời điểm tháng 12, mức P/E của thị trường đang đạt trên dưới 13,2x lần.

Trước đó, VN-Index từng ghi nhận mức P/E là 12,6x lần vào ngày 19/11/2024 - mức thấp nhất tính từ ngày 1/11/2023 cho đến nay. Theo đó, VN-Index hiện vẫn ở mức hấp dẫn với triển vọng phục hồi trong năm 2025 khi trung bình của 10 năm của P/E ở khoảng 15,2x lần.

Tương tự với định giá của P/B của VN-Index khi chỉ số này đang ở mức 1,69 (tính đến ngày 12/12) thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2.15 của 10 năm gần nhất. Điều này cho thấy sự hấp dẫn khi định giá đang nằm ở ngưỡng thấp của thị trường Việt Nam.

Xét về triển vọng trong năm 2025, ông Thảo dự báo rằng VN-Index dao động quanh mục tiêu 1.470 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở ngưỡng 15.x lần (tương đương với mức P/E trung bình của 10 năm gần nhất).

Về kịch bản tích cực cho năm 2025, thị trường sẽ dựa trên tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, sự ổn định của chính sách kinh tế, và thanh khoản thị trường cải thiện.

VN-Index có thể tiến đến mức 1.537 điểm với P/E tăng trưởng 15% khi các yếu tố vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, tạo động lực giúp ngành ngân hàng và tài chính có được lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu.

Ngành tiêu dùng và bán lẻ được thúc đẩy bằng các chính sách thuận lợi cho tiêu dùng nội địa và ngành bất động sản cũng được kỳ vọng phục hồi từ nhu cầu thực tế và hỗ trợ từ chính sách pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Khía cạnh kỹ thuật, các chuyên gia của TPS chia ra ba kịch bản có thể xảy ra với VN-Index trong năm 2025.

Đối với kịch bản tích cực, chỉ số chung vượt được vùng kháng cự 1.300 điểm là nhiệm vụ bắt buộc đối với kịch bản kể trên. Sau khi vượt được vùng đỉnh cũ này cũng tương ứng với vùng trên trong khung giao động 1.180 - 1.300 điểm thì thị trường có thể cần những nhịp back test (kiểm nghiệm lại) vùng hỗ trợ 1.300 điểm sau đó tìm kiếm thanh khoản để bứt phá vào một xu thế tăng mới.

Ở kịch bản này, thanh khoản là yếu tố quan trong nhất để khẳng định được xu thế tăng đó có bền vững hay không. Nếu thị trường tăng mạnh về giá nhưng thanh khoản không tăng tương ứng thì đà tăng khó có thể duy trì được lâu dài và dễ dẫn đến việc bên bán thực hiện chốt lời gây ra tâm lý bán mạnh trên thị trường chung.

1.360 - 1.450 điểm sẽ là vùng giá mà chỉ số hướng đến nếu kịch bản được kích hoạt. Những vùng nhà đầu tư có thể chờ đợi để giải ngân vị thế là tại các vũng hỗ trợ như tại 1.280 và 1.300 điểm. Nhà đầu tư chú ý những phiên giảm điểm mà thanh khoản không cao để có thể tìm cơ hội mua vào.

 

Đối với kịch bản cơ sở, thị trường sẽ có một nhịp chỉnh trong ngắn hạn do áp lực bán tăng lên do các nhà đầu tư đã có lợi nhuận sau khi chạm lên ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, chốt lời bảo vệ tài khoản.

Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục phá vỡ 1.300 điểm không thành công dấy lên những nghi ngại cho nhà đầu tư hiện hữu và đặc điểm của giai đoạn này thường thanh khoản sẽ giảm, duy trì loanh quanh ngưỡng trung bình của 20 phiên gần nhất trên đồ thị ngày và thường sẽ là thấp hơn ngưỡng này.

Nhìn chung, khi đã xác nhận giao động khung tại trung hạn ở mức 1.180 - 1.300 điểm thì khi chưa đủ động lực, chưa đủ thanh khoản, VN-Index vẫn tiếp tục duy trì hướng giao động như trên. Ở kịch bản cơ sở, thị trường sẽ trở nên phân hoá rõ ràng khi bất chấp việc giảm điểm (nếu có) của thị trường, các ngành mang yếu tố dẫn dắt vẫn xuất hiện nhằm kéo lại chỉ số khi có cơ hội.

Trong kịch bản kể trên, nhà đầu tư được khuyên theo sát diễn biến dòng tiền và cổ phiếu để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Nhà đầu tư cũng ưu tiên đầu tư ngắn hạn vì khi thanh khoản chưa đủ, các phiên biến động rung lắc sẽ rất dễ xảy ra.

Kịch bản tiêu cực theo các chuyên gia TPS đánh giá là một kịch với bản với những yếu tố vĩ mô xấu nhất có thể xảy ra. Kịch bản này sẽ xuất hiện sự bán tháo mạnh trên diện rộng trên toàn bộ các ngành trong thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, việc tiếp tục rút ròng của khối ngoại là một điều tất yếu khi kịch bản này xảy ra.

1.180 điểm ( +/- 20 điểm) là vùng theo các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ không phá vỡ và VN-Index có thể tạo đáy được quanh vùng giá này. Nếu không thể giữ vững được 1.180 điểm, thị trường có thể tìm xuống những vùng giá thấp hơn nữa như tại 1.130 điểm.

Năm 2025, ông Trần Văn Thảo khuyên nhà đầu tư xây dựng chiến lược đa dạng và dài hạn, kiểm soát rủi ro, hướng đến lợi nhuận bền vững hơn là ngắn hạn. Theo ông, nền kinh tế sẽ phục hồi nhưng không thể theo một đường thẳng. Thị trường luôn có những nhịp điều chỉnh để mở ra cơ hồi cho nhà đầu tư tham gia.

Ông Nguyễn Vũ Thạnh, Giám đốc Tư vấn đầu tư TPS, khuyên nhà đầu tư nên “tùy cơ ứng biến” trước mỗi kịch bản, danh mục đầu tư dựa trên chiến lược thị trường. Trong kịch bản tích cực, thanh khoản tăng mạnh, dòng vốn ngoại trở lại…., cơ hội để tham gia trải nhiều các nhóm ngành, kể đến ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Trong kịch bản cơ sở, thanh khoản tăng trưởng 10% trong năm 2025, ông Thạnh cho rằng nhóm cổ phiếu tài chính vốn hóa lớn vẫn khó bứt phá.

Do đó, nhà đầu tư cần tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu riêng lẻ. Ví dụ như cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ từ xu hướng nhu cầu thế giới, sản xuất, khu công nghiệp với triển vọng FDI, bán lẻ khi kinh tế hồi phục, vật liệu xây dựng, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) từ hưởng lợi các chính sách của ông Trump...

Trong kịch bản tiêu cực, nhà đầu tư cá nhân nên giảm thiểu giao dịch, lựa chọn các nhóm ngành mang tính phòng thủ như dược phẩm, năng lượng.

CÙNG CHUYÊN MỤC