Bắc Giang: Sắp mở tuyến đường gần 500 tỷ đồng đi qua huyện quy hoạch lên thị xã
Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Hiệp Hòa đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng đường trục Đông - Tây (đoạn nối QL 37 với ĐT 295 huyện Hiệp Hòa).
Theo đó, Hiệp Hòa là địa bàn thuộc cửa ngõ phía tây của tỉnh Bắc Giang, có vị trí địa lý rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang, đây là vùng đất cổ có lịch sử phát triển lâu đời, là đầu cầu nối giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bắc Giang với các vùng phụ cận như Hà Nội, TP Bắc Ninh, TP Thái Nguyên (nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, tổ hợp công nghệ cao và trung tâm dịch vụ hiện đại).
Hiệp Hòa cũng là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Tây tỉnh, là nơi nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như QL 37, ĐT 295, ĐT 296, ĐT 288, đường Vành đai 4 (đang đầu tư), đường trục Bắc - Nam được kết nối với mạng lưới đường giao thông quan trọng trong khu vực như: QL 18, cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên...).
Do đó, Hiệp Hòa trở thành vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, có tầm quan trọng chiến lược trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bắc Giang.
Dài gần 6 km, đi qua 4 địa phương của huyện Hiệp Hòa
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hiệp Hòa (chủ đầu tư), địa điểm thực hiện dự án nằm tại các địa phương bao gồm thị trấn Bắc Lý và các xã Lương Phong, Đoan Bái, Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa.
Toàn tuyến có tổng chiều dài gần 6 km. Điểm đầu nằm tại vị trí giao với QL 37 tại Km85+00 (lý trình QL37), thuộc địa phận xã Lương Phong; điểm cuối giao với ĐT 295 tại Km58+600 (lý trình ĐT 295) thuộc địa phận xã Danh Thắng.
Phạm vi nghiên cứu dự án gần 25 ha. Về hiện trạng, phạm vi dự án chủ yếu đi qua đồng ruộng canh tác nông nghiệp, ao hồ kênh mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.
Đặc điểm dân cư gần khu vực thực hiện dự án tập trung theo từng cụm thôn, nơi ở gắn liền với ruộng vườn, các công trình hạ tầng chủ yếu là đường giao thông được xây dựng với quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
Kết cấu nhà của các hộ dân chủ yếu là nhà bằng tường gạch, mái ngói hoặc mái tole xây dựng kiên cố. Người dân khu vực kinh doanh đa dạng với nhiều ngành nghề: kinh doanh hàng quán, buôn bán tạp hóa, sửa chữa máy móc, thiết bị…, sản xuất nông nghiệp. Hoạt động nông nghiệp dọc tuyến chủ yếu là canh tác lúa nước và hoa màu.
Tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, khởi công quý I/2026
Về hướng tuyến cụ thể, đoạn từ Km0+000 – Km0+800, tim tuyến bám sát tim Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Đoan Bái – Lương Phong 1. Tuyến chủ yếu qua cánh đồng lúa xã thuộc địa phận thôn Tứ, xã Lương Phong và một phần cánh đồng lúa thuộc thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái.
Đoạn từ Km0+800 – Km2+670, tim tuyến bám sát tim Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Danh Thắng - Đoan Bái. Tuyến chủ yếu qua cánh đồng lúa xã Đoan Bái.
Đoạn từ Km2+670 – Km4+415,24 – nút giao đường trục thôn Đại Đồng 1, tim tuyến bám sát tim Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tuyến chủ yếu qua cánh đồng lúa xã Danh Thắng.
Đoạn từ Km4+420 – Km5+675,08 - điểm cuối giao với ĐT295 tại Km58+505 (lý trình ĐT295), thuộc địa phận thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng.
Về quy mô xây dựng dự án, quy mô mặt cắt ngang với bề rộng nền đường 30 m; rộng mặt đường 2 x 8,25 m = 16,5 m; chiều rộng lề đường 2 x 6 m =12 m; rộng dải phân cách giữa 1,5 m.
Trên tuyến cũng sẽ xây dựng 4 nút giao bao gồm nút giao QL 37 – Km0+000 có thiết kế nút ngã ba giao bằng, tổ chức giao thông bằng vạch sơn và biển báo kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Bố trí làn tăng tốc với chiều dài 120 m.
Nút giao đường ĐT 288 với thiết kế nút ngã tư giao bằng, tổ chức giao thông bằng vạch sơn và biển báo kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Nút giao đường đường trục liên xã thôn Đại Đồng 1 với thiết kế nút ngã tư giao bằng, tổ chức giao thông bằng vạch sơn và biển báo kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Nút giao ĐT 295 với thiết kế nút ngã ba giao bằng, tổ chức giao thông bằng vạch sơn và biển báo kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Bố trí làn tăng tốc với chiều dài 127 m.
Về tiến độ, tuyến đường sẽ được lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo NCKT vào quý IV/2024 - quý I/2025; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế BVTC từ quý II/2025 – quý III/2025; giải phóng mặt bằng vào quý III/2025; đấu thầu nhà thầu thi công và tư vấn giám sát vào quý IV/2025 và khởi công, thi công (24 tháng) vào quý I/2026; khánh thành vào quý I/2028.
Tổng mức vốn đầu tư là 473 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện. Trong đó, ngân sách tỉnh 230 tỷ đồng và ngân sách huyện 243 tỷ đồng.
Hiệp Hòa được quy hoạch lên thị xã vào năm 2028
Đối với huyện Hiệp Hòa, hồi giữa tháng 10, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Hiệp Hòa đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Theo đó, diện tích quy hoạch của huyện Hiệp Hòa khoảng 20.600 ha. Dân số đô thị huyện quy hoạch đến năm 2030 khoảng 300.000 người; đến năm 2045, khoảng 400.000 người.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng huyện Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và trở thành thị xã thuộc tỉnh trước năm 2030. Đến năm 2045 trở thành thành phố loại III.
Về tính chất, đô thị Hiệp Hòa có là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, động lực phát triển kinh tế của khu vực phía Tây tỉnh Bắc Giang.
Một trong những Trung tâm phát triển công nghiệp mới của Vùng Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Giang; trung tâm logistic của tỉnh Bắc Giang, vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, công nghệ cao và dịch vụ thương mại, du lịch.
Dự kiến đến năm 2028 xây dựng đô thị Hiệp Hòa đủ điều kiện trở thành thị xã thuộc tỉnh, đô thị loại IV và trở thành thành phố thuộc tỉnh, đô thị loại III trong giai đoạn đến năm 2045.
Về khu vực nội thị, ngoại thị, giai đoạn đến năm 2030, khu vực nội thị gồm 10 đơn vị hành chính, gồm các phường: Thắng, Bắc Lý, Hùng Thái (sáp nhập các xã Hùng Sơn, Thái Sơn), Thường Thắng, Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình;
Khu vực ngoại thị gồm 9 đơn vị hành chính, gồm các xã Đồng Tiến (sáp nhập các xã Đồng Tân, Thanh Vân), Hoàng Vân (sáp nhập các xã Hoàng An, Hoàng Vân), Toàn Thắng (sáp nhập các xã Hoàng Thanh, Hoàng Lương), Sơn Thịnh (sáp nhập các xã Hoà Sơn, Quang Minh, Đại Thành), Hợp Thịnh, Ngọc Sơn, Đông Lỗ, Mai Trung, Xuân Cẩm.
Giai đoạn đến năm 2045, khu vực nội thị gồm 13 đơn vị hành chính, gồm các phường: Thắng, Bắc Lý, Hùng Thái, Thường Thắng, Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình và nâng cấp thêm 03 xã Đông Lỗ, Xuân Cẩm, Mai Trung thành phường để đạt tiêu chí thành phố, đô thị loại III.
Khu vực ngoại thị gồm 6 đơn vị hành chính, gồm các xã: Đồng Tiến, Hoàng Vân, Toàn Thắng, Sơn Thịnh, Hợp Thịnh, Ngọc Sơn.