Bức tranh đô thị Việt Nam trong 5 năm tới
Tháng 8/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; sắp xếp hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất. Hệ thống đô thị được phát trển theo mạng lưới, sẽ có một số đô thị, chuỗi đô thị động lực.
Tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam năm 2030 đạt trên 50% (năm 2050 đạt 70%). Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.
Trong đó, trên cả nước sẽ hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Về bức tranh cụ thể mạng lưới đô thị Việt Nam trong 5 năm tới, quy hoạch định hướng lộ trình đến năm 2030 cả nước có thêm 5 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương (Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Bình Dương), nâng tổng số thành phố trực thuộc trung ương lên 10 thành phố (trong đó Hà Nội và TP HCM là đô thị đặc biệt, còn lại là loại I).
Ngoài ra, đến năm 2030, có 3 tỉnh khác cơ bản đạt tiêu chí, tiêu chuẩn thành phố trực thuộc trung ương và sẽ chính thức lên thành phố trung ương giai đoạn sau đó gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình và Hải Dương.
Các thành phố trực thuộc trung ương cũng chính là mạng lưới các đô thị đảm nhiệm vai trò trung tâm quốc gia.
Về đô thị loại I (trực thuộc tỉnh, không bao gồm các thành phố trung ương hiện nay), cả nước có 42 đô thị, trong đó, huyện Cam Lâm của tỉnh Khánh Hòa hiện nay sẽ là đô thị mới.
Đối với đô thị loại II, cả nước sẽ có 50 đô thị, trong đó các huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Văn Giang (Hưng Yên) và Nhơn Trạch (Đồng Nai) hiện nay sẽ là các đô thị mới.
Về đô thị loại III, cả nước có 64 đô thị, trong đó các đô thị mới gồm: Yên Phong, Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh); Tiên Yên (Quảng Ninh); Văn Lâm, Yên Mỹ (Hưng Yên); Thái Thụy (Thái Bình); Lương Sơn (Hòa Bình); Đức Thọ (Hà Tĩnh); Chân Mây (Thừa Thiên Huế); Đắk Mil (Đắk Nông); Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai (Lâm Đồng); Gò Dầu (Tây Ninh); Long Thành (Đồng Nai); Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (Long An); Ba Tri, Mỏ Cày, Bình Đại (Bến Tre); Mỹ An (Đồng Tháp); Kiên Lương (Kiên Giang); Sông Đốc; Năm Căn (Cà Mau).
Đối với các thành phố trực thuộc trung ương hiện tại, theo Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Cần Thơ sẽ đưa một số thị trấn thuộc huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh từ đô thị loại V lên loại IV, riêng thị trấn Phong Điền sẽ lên đô thị loại III.
Hải Phòng cũng sẽ đưa một số thị trấn ở huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Cát Bà từ loại V lên loại III hoặc IV. Các vùng đang là nông thôn như Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên); Hùng Thắng (Tiên Lãng); Tam Cường (Vĩnh Bảo); Bạch Long Vỹ (Bạch Long Vĩ) sẽ trở thành đô thị mới loại V.
Tại Thủ đô Hà Nội, dự kiến các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng sẽ lên quận.
Các thành phố trung ương còn lại chưa có kế hoạch “thăng cấp” đô thị trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cùng với thành phố trực thuộc trung ương, hầu hết các tỉnh đều có kế hoạch đưa hàng loạt các đô thị loại V (các thị trấn thuộc huyện) hiện nay lên đô thị loại IV, đặc biệt là rất nhiều vùng nông thôn sẽ được phát triển lên đô thị mới loại V.
Dự kiến, đến năm 2030, kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% GDP cả nước.
Dân số đô thị tăng trung bình 3,37 - 4,13%/năm trong giai đoạn 2025 - 2030. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,9 - 2,3%.
Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16 - 26%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8-10 m2; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiếu 32 m2.
Các đô thị sẽ phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, dịch vụ mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đảm bảo chất lượng nước sạch đạt 100%.