Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025

  • 20/04/2024 11:55
  • H.T

Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.

  Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Techcombank. (Ảnh: HT).

Sáng 20/4, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông như tăng vốn, chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh năm 2024 và các năm tới,...

Mục tiêu lãi 27.100 tỷ đồng năm 2024

Chia sẻ tại đại hội, lãnh đạo Techcombank cho biết năm 2023 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng ngân hàng vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 22.888 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm trước nhưng vượt 4% so với kế hoạch.

Tổng Giám đốc Jens Lottner cho hay Techcombank kiên định đi theo các trọng tâm chiến lược gồm: tăng trưởng CASA, đa dạng hoá danh mục tín dụng và tăng thu từ phí. Theo đó, ngân hàng sẽ phát triển tín dụng ở đa dạng lĩnh vực hơn ngoài bất động sản (BĐS), tăng tỷ lệ cho vay BĐS thứ cấp, tăng cho vay tín chấp để có được cơ cấu lợi nhuận - rủi ro tốt hơn.

Về thị trường trái phiếu, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết thêm trong năm 2023 khó khăn của nền kinh tế nhưng Techcombank đã làm tốt để đảm bảo an toàn cho khách hàng, không để trái phiếu nào quá hạn. Đồng thời, trong năm 2024, ngân hàng sẽ từng bước phát triển các phân khúc không phải thế mạnh của Techcombank như SME, khách hàng mass và tín dụng tiêu dùng.

  Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: HT).

Trong năm 2024, Tecchcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,2% (theo phê duyệt của NHNN), lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%. Ngân hàng kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 với GDP ước tăng 6% so với năm trước.

   Nguồn: Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Techcombank.

Tăng gấp đôi vốn điều lệ

Năm 2024, ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn khủng từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.

Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới).

 Nguồn: Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Thời gian dự kiến thực hiện là trong năm 2024 hoặc cho đến khi ngân hàng hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa hiện tại và sau khi tăng vốn sẽ không đổi là 22,486% vốn điều lệ. Số vốn tăng thêm dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Techcombank.

Trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%

Cùng với đó, Hội đồng quản trị cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng). Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2024.

Với tỷ lệ cổ tức nói trên, ước tính Techcombank sẽ phải chi khoảng gần 5.284 tỷ đồng. Nguồn thực hiện chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.

Lý giải về việc chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay, Techcombank cho biết chính sách cổ tức là cam kết của ngân hàng nhằm mang lại giá trị vượt trội và sự gắn kết cổ đông. Ngân hàng đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận gần 40%/năm trong một thập kỷ, tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm gần nhất đạt trên 3 tỷ USD ngay cả khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

"Ngân hàng tin tưởng rằng việc duy trì chính sách trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 là 14 - 15% là hoàn toàn khả thi", tài liệu đại hội cho hay.

Đại hội cũng thực hiện bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024 - 2029. HĐQT gồm 9 thành viên trong đó có hai thành viên độc lập.

THẢO LUẬN:

- Nhiều ngân hàng đã tham gia việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém để được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (có thể lên tới 49%). Tại sao Techcombank không tham gia mua lại các ngân hàng yếu kém? Điều đó có khiến cho ngân hàng tụt hậu so với các ngân hàng khác?

CEO Jens Lottner: Đây là câu hỏi mà mỗi ngân hàng phải tự quyết định. Khi quyết định nhận chuyển giao bắt buộc thì cũng phải bỏ ra các chi phí lớn để hỗ trợ cho các bank yếu kém đó và ban lãnh đạo ngân hàng phải cân nhắc rất thận trọng về vấn đề đó.

Tôi không nghĩ rằng Techcombank bị tụt hậu so với các ngân hàng khác trong ngành bởi vì khi so sánh các chỉ số tài chính thì Techcombank vẫn có phần vượt trội với các ngân hàng khác. Tỷ lệ Debt/Equity có thể cao hơn so với một số bank khác nhưng ROE của Techcombank thường cao hơn các bank khác khoảng 3-4%, đây là khách cách khá lớn.

- Tốc độ tăng trưởng số lượng khách hàng của Techcombank thấp hơn các ngân hàng đối thủ như MB, VPBank. Ngân hàng có chiến lược gì để bắt kịp?

CEO Jens Lottner: Chúng tôi không quan tâm nhiều tới số lượng khách hàng mà quan tâm tới số lượng khách hàng active. Chúng tôi đảm bảo hệ thống để phục vụ khách hàng một cách hiệu quả nhất. Lợi nhuận của Techcombank đến từ số ít khách hàng chứ không phải là phần lớn khách hàng như một số bank khác.

Chúng tôi quan trọng chất lượng của khách hàng hơn là chạy theo số lượng khách hàng. Hiện nay, có thể thấy rằng nhận diện của Techcmbank đang tốt hơn nhiều so với nhiều ngân hàng khác phần lớn do chất lượng dịch vụ, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm,...

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Đối với việc phát triển lượng khách hàng, Techcombank có rất nhiều đối tác trong hệ sinh thái. Cho nên nếu chúng tôi muốn mở rộng khách hàng thì không khó nhưng quan trọng là giữ chân khách hàng. 

Techcombank có định hướng mở rộng thêm về SME và tín dụng tiêu dùng, vậy ngân hàng có kế hoạch thành lập hoặc mua lại một công ty tài chính tiêu dùng không?

 CEO Jens Lottner: Chúng tôi có định hướng thực hiện đa dạng hoá rủi ro tín dụng, mở rộng thêm cho vay SME, tín dụng tiêu dùng nhưng chưa có kế hoạch thành lập công ty tài chính nào của riêng Techcombank cả. Chúng tôi cũng cân nhắc mô hình hoạt động của FE Credit hay Home Credit nhưng thời điểm này là chưa phù hợp.

 - Các ngân hàng thường lựa chọn phương thức là tăng vốn thành nhiều lần (mỗi lần khoảng 20 - 30%) nhưng Techcombank thì thường chọn tăng cao trong một lần. Việc chia cổ phiếu làm pha loãng và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, ban lãnh đạo chia sẻ về lý do lựa chọn phương án này?

Tại sao TCBS chưa IPO đã đặt mục tiêu vốn hoá 5 tỷ USD?

CEO Jens Lottner: Việc thưởng cổ phiếu cho cổ đông không ảnh hưởng gì tới khả năng cho vay, cơ chế rủi ro của Techcombank, có thể sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Giá cổ phiếu có thể giảm nhẹ nhưng đó lại là cơ hội tốt cho các NĐT khác mua vào. Theo tôi, nếu thị trường đánh giá đó là cổ phiếu tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại. Quan trọng là đánh giá về giá trị của doanh nghiệp.

TCBS mục tiêu vốn hoá 5 tỷ USD nhưng hiện tại chưa IPO. Con số vốn hoá của TCBS được tính toán từ nhiều dữ liệu tuân theo những quy định của thị trường.

- Trong năm 2023, tín dụng Techcombank tăng 22% chủ yếu nhờ cho vay kinh doanh BĐS, ô tô và chế biến chế tạo. Ông có thể chia sẻ cụ thể về các dự án lớn mà Techcombank đã cấp tín dụng trong năm qua?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank có nhiều khách hàng ở các mảng khác nhau, riêng trong lĩnh vực ô tô, Techcombank cũng có nhiều khách hàng. Techcombank hiện kiểm soát chặt chẽ về lượng và rủi ro tín dụng, các chỉ số liên quan trong lĩnh vực này.

- Ngân hàng có dự kiến nới thêm room ngoại hay tìm kiếm cổ đông chiến lược ngoại không? Tiến trình này đã được thực hiện chưa và nếu có thì đang ở giai đoạn nào? 

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Về vấn đề về room ngoại và cổ đông nước ngoài, hiện room ngoại của Techcombank là 22%, tỷ lệ này cho phép TCB phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.

Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông. Năm vừa rồi VPBank đã làm thành công với SMBC, Techcombank cũng đang nghiên cứu cơ hội như vậy.

TCB đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được. 

Năm 2025, Techcombank đặt kỳ vọng vốn hoá là 20 tỷ USD và TCBS là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào thị trường.

- Ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ về kết quả hoạt động quý I?

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Kết quả kinh doanh quý I sẽ được công bố chính thức vào ngày 24 tới. Tôi chỉ có thể nói rằng kết quả kinh doanh đang theo đúng kế hoạch. Lợi nhuận quý I rất tốt so với kế hoạch đã đề ra.

Đại hội đồng cổ đông Techcombank đã bỏ phiếu bổ sung ba thành viên mới thuộc Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029, gồm bà Nguyễn Thu Lan, ông Eugene Keith Galbraith và ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, và 1 thành viên mới gia nhập Ban Kiểm soát Techcombank, bà Đỗ Thị Hoàng Liên.

Đại hội thông qua tất cả tờ trình.