Chứng khoán Mỹ sập liên tiếp sau đòn trả đũa của Trung Quốc: Dow Jones mất hơn 2.200 điểm, S&P 500 tụt gần 6%

Chứng khoán Mỹ bị bán tháo trong ngày thứ hai liên tiếp sau khi Trung Quốc trả đũa thuế đối ứng, làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 4/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tụt 2.231 điểm, tương đương 5,5% xuống 38.315 điểm - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2020. Đây cũng là lần đâu tiên Dow Jones giảm hơn 1.500 điểm trong hai phiên giao dịch liên tiếp. 

 

Tương tự, S&P 500 lao dốc 5,97% xuống 5.074 điểm - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2020. Trong phiên 4/4, chỉ có 14 thành viên thuộc chỉ số S&P 500 tăng giá. Trước đó, chỉ số này đã mất 4,84% trong phiên 3/4 và đang giảm hơn 17% so với đỉnh lịch sử. Tổng cộng, S&P 500 đã giảm 9% trong tuần này, đánh dấu 5 phiên tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID bùng phát vào đầu năm 2020.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite, bao gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu có xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng đã tụt 5,8%, xuống còn 15.588 điểm. Hiện chỉ số này đã mất 22% so với kỷ lục hồi tháng 12, chính thức rơi vào thị trường gấu (bear). 

Chứng khoán Mỹ đã rơi tự do trong hai phiên liên tiếp.

Ngày 4/4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 34% với tất cả hàng hóa từ Mỹ. Thông báo này khiến các nhà đầu tư thất vọng, bởi thị trường từng mong đợi các nước sẽ đàm phán với Tổng thống Donald Trump trước khi trả đũa. 

Cổ phiếu công nghệ đã dẫn đầu đà giảm trong phiên giao dịch cuối tuần, với Apple bay 7%. Trong tuần qua, giá cổ phiếu của ông lớn công nghệ này đã đi xuống 13%. Tương tự, Nvidia và Tesla lần lượt giảm 7% và 10% trong phiên. Cả ba công ty trên đều có hoạt động kinh doanh và khách hàng lớn tại Trung Quốc, đồng thời nằm trong nhóm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. 

Ngoài lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu của Boeing và Caterpillar - hai nhà xuất khẩu lớn sang Trung Quốc - cũng kéo Dow Jones đi xuống khi lần lượt tụt 9% và gần 6%. 

Nhóm công nghệ, tài chính và năng lượng giảm sâu nhất trong phiên 4/4. 

Bà Emily Bowersock Hill, CEO kiêm đối tác sáng lập tại Bowersock Capital Partners, nhận định: “Thị trường giá lên đã kết thúc, bị phá hủy bởi những người theo chủ nghĩa ý thức hệ và những sai lầm do chính mình gây ra”. 

“Thị trường có thể chạm đáy trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi còn lo ngại về những tác động của cuộc chiến thương mại toàn cầu đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, ông nói thêm. 

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đáp trả Mỹ đã vượt ngoài phạm vi thuế quan đối ứng. Bắc Kinh đã thêm một số công ty vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy”, khẳng định những doanh nghiệp này đã vi phạm quy tắc thị trường hoặc các cam kết theo hợp đồng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vừa mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào DuPont, khiến cổ phiếu công ty hóa chất này giảm gần 13%.

Lợi suất trái phiếu xuống thấp nhất kể từ cuối năm 2024. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tụt xuống dưới 4% vào ngày 4/4 sau khi các nhà đầu tư đổ xô vào lớp tài sản này để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu diễn biến ngược chiều với giá. Chỉ số biến động CBOE (VIX), thước đo nỗi sợ của Phố Wall đã vọt lên trên 40 - mức cực đoan chỉ được thấy trong giai đoạn thị trường cắm đầu nhanh chóng. 

Tổng thống Donald Trump dường như vẫn kiên định trước những phản ứng của thị trường. Trên mạng xã hội Truth Social, ông cho biết các chính sách của mình sẽ “không bao giờ thay đổi”. 

“Nỗi sợ hãi hiện tại khi bước vào cuối tuần là cuộc chiến thương mại leo thang và Mỹ không lùi bước”, ông Jay Woods, chiến lược gia toàn cầu trưởng tại Freedom Capital Markets, cho biết.