Chuyên gia: Chênh lệch lãi suất USD - VND tạo áp lực mạnh lên tỷ giá, chỉ hạ nhiệt khi Fed cắt giảm lãi suất

Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn ngoại. Kỳ vọng hạ nhiệt chỉ thực sự rõ ràng nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay.

Chênh lệch lãi suất và áp lực tỷ giá

Tỷ giá liên tục "dậy sóng" trong thời gian gần đây. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tại phiên sáng 4/7, nhà điều hành công bố tỷ giá trung tâm tại 25.116 đồng,tăng mạnh 25 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.860 - 26.372 VND/USD.

Tỷ giá USD trong nước hôm nay ghi nhận phiên tăng thứ tư với mức nâng dao động từ 20 - 40 đồng. Tại Vietcombank niêm yết tỷ giá tại25.985 - 26.345 đồng, tăng 20 đồng tại tỷ giá mua so với phiên liền trước. Theo thống kê, giá USD tại các ngân hàng hiện tăng hơn 3,2% so với hồi đầu năm.

(Nguồn: Wichart)

Chia sẻ về áp lực tỷ giá tại Talkshow Cập nhập thuế quan & tỷ giá - Đánh giá toàn diện về cơ hội đầu tư cuối năm 2025  do TTTĐTTH VietnamBiz phát sóng ngày 3/7, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết điều này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Bên cạnh đó, các biến số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát cũng đang là một bài toán lớn. 

"Chúng ta nên nhớ rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bị ảnh hưởng rõ rệt thì Fed vẫn sẽ tiếp tục chú trọng vào kiểm soát lạm phát. Do đó, Fed chưa có lý do gì để vội vàng cắt giảm lãi suất", ông Minh nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia bức tranh có thể thay đổi nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại, kéo theo suy giảm việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Khi đó, Fed sẽ phải cân nhắc điều chỉnh chính sách, với khả năng cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.

Chuyên gia cho biết theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng một đến hai đợt hạ lãi suất vào tháng 9 hoặc tháng 11/2025. Nếu kịch bản này xảy ra, đó có thể là thời điểm để áp lực tỷ giá tại Việt Nam bắt đầu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng Việt Nam có lý do để giải thích cho việc tỷ giá đang ở mức cao, đó là do mức chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia.

"Kỳ vọng rằng trong quý III hoặc cuối quý III và đầu quý IV năm nay, áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt. Khi đó, những căng thẳng về dòng vốn cũng sẽ dịu lại và nhà đầu tư sẽ bắt đầu tìm kiếm cơ hội trở lại thị trường Việt Nam", ông Minh cho hay. 

Theo ông Minh, khi mức chênh lệch lãi suất thu hẹp, nhà đầu tư quốc tế sẽ quay trở lại với câu chuyện định giá (valuation), thị trường Mỹ đã neo ở mức định giá rất cao trong nhiều năm qua, trong khi các thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam đang có mặt bằng định giá rất hấp dẫn.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Ảnh chụp màn hình: Minh Nguyệt)

Tỷ giá tăng có hỗ trợ xuất khẩu? 

Tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 7% trong 7 tháng đầu năm 2025, câu hỏi đặt ra là liệu diễn biến này có đủ để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn?

Chia sẻ tạiTalkshow nói trên, ông Nguyễn Đức Hải, CFA – Giám đốc Cấp cao, Trưởng phòng Quản lý Danh mục Đầu tư Chứng khoán, Manulife Investment, cho rằng nếu chỉ xét diễn biến tỷ giá và đơn thuần chỉ là câu chuyện giữa hai nền kinh tế và giá trị tương đối của hàng hóa, đúng là tỷ giá có thể hỗ trợ xuất khẩu. 

Tuy nhiên, ông lưu ý nền kinh tế Việt Nam không phải là nền kinh tế tự cung tự cấp 100%. Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ quốc tế, tính bằng USD và sau đó xuất khẩu cũng bằng USD.

"Vì vậy, tỷ giá chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Nếu như trong tổng giá trị thặng dư hay phần giá trị gia tăng thêm tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40%, thì chúng ta chỉ được lợi trên phần đó. Tức là, lấy 40% nhân với mức tăng 7% của tỷ giá, thì hỗ trợ thực tế chỉ ở phần đó", ông Hải giải thích.

Chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cũng không có ý định phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Nếu tỷ giá tăng do cung cầu tự nhiên thì có thể chấp nhận được, miễn là kiểm soát được ở mức ổn định. Thay vào đó, mục tiêu là duy trì tỷ giá ổn định trong biên độ chấp nhận được, phản ánh đúng cung cầu thị trường và đảm bảo ổn định vĩ mô.

Theo ông, nếu tỷ giá biến động quá mạnh, không chỉ tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ bị đánh giá là quốc gia thao túng tiền tệ, kéo theo các rủi ro về thuế quan và chịu các biện pháp trừng phạt thương mại.

"Về mặt cơ bản, sự chênh lệch lãi suất vẫn đang xu hướng ủng hộ về USD, nên tỷ giá sẽ chịu áp lực. Dù vậy, mức ảnh hưởng không quá lớn. Năm nay tỷ giá tăng 7%, nhưng nếu đến cuối năm, kỳ vọng về lãi suất tại Mỹ hạ nhiệt (khoảng tháng 9–10), lạm phát không quá nghiêm trọng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất, thì áp lực tỷ giá sẽ giảm dần", ông Hải nhận định. 

Ông Nguyễn Đức Hải, CFA – Giám đốc Cấp cao, Trưởng phòng Quản lý Danh mục Đầu tư Chứng khoán, Manulife Investment (Ảnh chụp màn hình: Minh Nguyệt).

Tâm lý nhà đầu tư và rủi ro từ dòng vốn

Diễn biến tỷ giá cùng với xu hướng của chỉ số DXY không chỉ phản ánh chênh lệch chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế, mà còn tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư và chiến lược phân bổ dòng tiền trên thị trường tài chính.

Ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Đức Hải nhận định áp lực mất giá của đồng Việt Nam so với USD khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài hạn chế rót vốn vào thị trường trong nước.

Về phía nhà đầu tư trong nước, theo ông dù kênh đầu tư bằng ngoại tệ gặp khó khăn do chính sách kiểm soát, xu hướng tìm đến các kênh truyền thống như gửi tiết kiệm, vàng, trái phiếu hay cổ phiếu vẫn chiếm ưu thế, dù chính các kênh này cũng đang gặp thách thức do diễn biến thị trường. 

"Về vấn đề tỷ giá, tôi nghĩ xu hướng đồng Việt Nam suy yếu vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Thứ nhất là do chính sách hiện nay, chúng ta đặt lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam là 0%, nhằm chống USD hóa. Tôi cho rằng đây là chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, một trong những 'tác dụng phụ' là làm cho việc nắm giữ USD tại Việt Nam không còn hấp dẫn", ông Hải chia sẻ. 

Theo chuyên giaManulife Investment, điều này phản ánh việc nhiều tập đoàn nước ngoài không để lại dòng tiền USD sau khi xuất khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung USD kéo dài. Mặc dù Việt Nam có thặng dư thương mại mỗi năm vài chục tỷ USD, nhưng lại luôn thâm hụt cán cân thanh toán, vì dòng USD không quay trở lại Việt Nam khiến nguồn cung USD bị thiếu hụt.

"Tôi nghĩ bức tranh này mang tính dài hạn và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi họ so sánh các thị trường", vị chuyên gia nhận định. 

Ông Hải cho biết các nhà đầu tư nước ngoài luôn xem xét yếu tố "total return" – tức là lợi suất tổng thể. Trong đó bao gồm lợi suất từ phân bổ tài sản, lợi suất thị trường và cả lợi suất từ tỷ giá. Tỷ giá là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ rất cân nhắc khi rót vốn vào thị trường Việt Nam.

 (Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt)

Thực tế cho thấy, mặc dù đồng USD có dấu hiệu suy yếu, nhưng tỷ giá USD/VND tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng từ đầu năm đến nay.

Từ góc nhìn thị trường tài chính toàn cầu, ông Nguyễn Thế Minh cho hay thông thường, tỷ giá sẽ biến động tương quan với chỉ số DXY, nhưng từ sau năm 2023 mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đã quay trở lại mức dương, khi Fed duy trì lãi suất cao suốt hai, ba trở lại đây thì Việt Nam lại đang theo chính sách kích thích kinh tế bằng lãi suất thấp.

"Khi mức chênh lệch dương duy trì một thời gian dài, áp lực tỷ giá sẽ luôn luôn cao", chuyên gia nhấn mạnh. 

Theo chuyên gia, dòng vốn toàn cầu hiện đang có sự dịch chuyển, đó là lý do vì sao trong năm 2024, áp lực rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã rút hơn 93.000 tỷ đồng. Đến nay, con số rút ròng vẫn là 43.000 tỷ đồng.

"Mặc dù khoảng cách chênh lệch lãi suất đang có dấu hiệu thu hẹp nhẹ, nhưng Fed vẫn thận trọng do áp lực lạm phát. Vì vậy, lãi suất của họ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Ít nhất, chúng ta có thể kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm, có thể vào tháng 9 hoặc tháng 10, tất nhiên tuỳ thuộc vào tình hình lạm phát.

Còn đối với Việt Nam, chắc chắn là vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Trường hợp có điều chỉnh thì cũng chỉ là nhích nhẹ lãi suất trong nước lên để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng", chuyên gia Thế Minh nhận định. 

Tuy nhiên quay trở lại câu chuyện tỷ giá, do áp lực tỷ giá vẫn đang ở mức cao nên theo ông yếu tố bị ảnh hưởng lớn nhất chính là dòng vốn ngoại. Đối với nhà đầu tư trong nước thì áp lực đã giảm bớt. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tính trên tổng vốn hóa thị trường đã giảm từ 17% xuống dưới 15%.

Theo ông Minh, tất nhiên, rủi ro này vẫn còn hiện hữu, bức tranh "đen" về rủi ro rút vốn trên thị trường chứng khoán hiện nay đã chuyển sang "xám" – tức là đã sáng hơn một chút so với năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay.

"Điều mà chúng ta đang chờ đợi là thời điểm dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường. Thời điểm đó chỉ đến khi mức chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp, hoặc thậm chí đảo chiều – quay trở lại trạng thái như trước năm 2023. Khi đó, chúng ta mới có thể kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ trở lại thị trường Việt Nam", ông Minh cho hay.