Chuyên gia chỉ ra những động lực giúp lợi nhuận ngân hàng tăng 17% trong năm 2025
- 10/01/2025 08:55
- Minh Nguyệt
Báo cáo triển vọng tích cực của ngành ngân hàng năm 2025, quỹ VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 17% trong năm 2025, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và NIM tăng nhẹ 0,06 điểm % so với năm ngoái lên 3,55 điểm %.
Các chuyên gia dự phóng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh cho vay dài hạn, đặc biệt là các dự án hạ tầng, nhằm tối ưu hóa biên lãi thuần (NIM), vì cho vay dài hạn thường mang lại lãi suất cao hơn so với huy động ngắn hạn. Tuy nhiên, một số ngân hàng sẽ cần huy động vốn dài hạn để cân đối, làm tăng chi phí huy động.
Chuyên gia VinaCaptial nhận định cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn.
Trong khi đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng được các chuyên gia nhận định đang cải thiện. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã ổn định ở mức khoảng 2% kể từ sau sự cố tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào cuối năm 2022, nhờ vào các biện pháp gia hạn nợ và thu hồi nợ xấu.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới cũng đang giảm, cho thấy áp lực về chất lượng tài sản đang thuyên giảm. Thu nhập ngoài lãi ( chiếm khoảng 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng) đặc biệt là từ việc thu hồi nợ xấu và các hoạt động bancassurance, dự kiến sẽ tăng trưởng trên 10% trong năm 2025.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng (tính theo tỷ lệ dự phòng/tổng dư nợ) chỉ giảm nhẹ từ 1,3% năm ngoái xuống còn 1,2% trong năm nay. Điều này do các ngân hàng đã trích lập nhiều dự phòng trong những năm trước, và hiện nay cần bắt đầu bù đắp lại tỷ lệ dự phòng nợ xấu (LLR), vốn đã giảm từ hơn 150% xuống còn khoảng 100%.
Ngoài ra, mặc dù các ngân hàng sẽ không phải tiếp tục cấp tín dụng với lãi suất thấp như năm ngoái, khi nhu cầu tín dụng phục hồi, NIM có thể được cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2024 đã vượt quá mức tăng trưởng tiền gửi, gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.
Tình trạng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay được mô tả là “thắt chặt nhưng không đến mức căng thẳng”, với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã tăng từ mức đáy 3,5% vào tháng 3/2024 lên trên 4% vào cuối năm 2024. VinaCapital dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng sẽ tăng 0,5-0,7 điểm % trong năm 2025, đạt gần 5%, điều này sẽ làm tăng chi phí huy động và ảnh hưởng đến NIM.
Nhìn chung, các chuyên gia tin rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản trong năm 2025. Tuy nhiên, NIM sẽ chỉ có thể tăng nhẹ do áp lực từ chi phí huy động cao hơn và nhu cầu tín dụng phục hồi.
"Chất lượng tài sản sẽ cải thiện nhờ vào việc giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng thu nhập từ xử lý nợ, nhưng chi phí tín dụng có thể không giảm mạnh trong năm nay do cần bổ sung dự phòng nợ xấu.", báo cáo cho hay.