Cổ phiếu cảng, vận tải biển dậy sóng, nhiều mã tăng trần
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 11/11/2024 13:22
- Xuân Nghĩa
Thị trường chứng khoán khởi đầu tuần mới trong sắc sắc xanh, nhưng nhanh chóng đảo chiều giảm ngay từ sau ATO. Đà giảm nới rộng dần về cuối phiên sáng, chỉ số chung dừng tại 1.245 điểm, giảm 7,5 điểm, tương đương giảm 0,6% so với phiên trước.
Trong khi các nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, năng lượng chìm trong sắc đỏ, thị trường ghi nhận các lĩnh vực có xu hướng ngược lại kể đến cảng, vận tải biển, công nghệ viễn thông, nguyên vật liệu, phân bón.
Nổi bật trong đó là nhóm cổ phiếu cảng, vận tải biển. Tính đến hết phiên sáng, MVN và VLG tăng gần 15% (tăng trần trên UPCoM); VOS và VIP tăng gần 7% (tăng trần trên HOSE); DXP, SGP, PHP tăng 7-9%; VTO tăng trên 6%; HAH, VSC cũng tăng 3%...
Thanh khoản nhóm này “dậy sóng”. Giao dịch sôi động nhất ghi nhận tại VSC, VOS, HAH, DXP hay GMD. Đơn cử, VSC ghi nhận khớp lệnh phiên sáng gần 7 triệu cp, gấp 4 lần phiên trước. Khối lượng khớp lệnh tại VOS và DXP đạt lần lượt 4,3 triệu cp và 1,8 triệu cp, gấp lần lượt hai lần và 7 lần phiên trước.
Về tiềm năng của ngành cảng biển, báo cáo phân tích cập nhật tháng 10 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá các hàng tàu lớn đang xem Việt Nam là điểm đến quan trọng.
Cụ thể hơn, APM Terminals (Maersk) và TiL (MSC) đang bày tỏ mong mong muốn tìm hiểu các cơ hội đầu tư để xây dựng các cảng biển container nước sâu lớn, hiện đại cũng như các dự án logistics chiến lược tại Việt Nam.
APM Terminals đã ký kết thoả thuận quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn HATECO của Việt Nam trong dự án phát triển hai bến cảng nước sâu tại khu bến cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng (Bến số 5 & 6). Ngoài ra, Liên danh APM Terminal - Hateco là những nhà đầu tư mới nhất nộp hồ sơ quan tâm tới Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng có tổng mức đầu tư lên tới 48,304 tỷ đồng.
Tháng 4/2023, TiL và SGP đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ tại Cần Giờ (TP.HCM). Cả APMT lẫn TiL đều là các công ty vận hành cảng biển hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, ngành cảng, bận tải biển Việt Nam đang có tiềm năng lớn tại Lạch Huyện. Theo phân tích, Lạch Huyện hiện tại chỉ có hai bến cảng (số 1 và 2) được khai thác bởi HICT (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, SNP) với công suất 1,1 triệu TEUs/năm. Cảng đi vào hoạt động từ 2018 và mất 5 năm để đạt công suất thiết kế. Cảng HICT ghi nhận đạt kỷ lục gần 150.000 TEU (gấp 1,5 lần công suất thiết kế) vào tháng 5/2024, cho thấy tiềm năng lớn tại cảng biển Lạch Huyện.
Bến container số 3, 4 đang được đầu tư xây dựng bởi CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP), cảng có công suất thiết kế 1,1 triệu TEUs/năm và dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025. Cảng Hải Phòng và TiL (MSC) đã ký kết thoả thuận hợp tác thành lập liên doanh khai thác cảng.
Bến số 5, 6 đang được đầu tư xây dựng bới HATECO, cảng có công suất thiết kế 1,8 triệu TEUs/năm và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025. HATECO và APM Terminals (Maersk) dự kiến sẽ thành lập liên doanh khai thác cảng.
Bến số 7, 8 có công suất hàng qua cảng dự kiến khoảng 1,9 triệu TEUs/năm, dự kiến khởi công vào quý I/2025 và hoàn thành đưa vào khai thác từ quý IV/2027. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là chủ đầu tư của dự án.
Theo dự thảo Quốc hội chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng… thời kỳ 2021 - 2030, khu bến Lạch Huyện sẽ quy mô phát triển từ 15 cầu cảng đến 17 cầu cảng với tổng chiều dài từ 5.965 m đến 6.865 m, năng lực thông qua từ 79,9 triệu tấn đến 112,4 triệu tấn và từ 10.500 lượt khách đến 11.000 lượt khách.
Mặt khác, các nhà phân tích Yuanta cho biết tiềm năng của ngành cảng biển còn đến từ các yếu tố như sự thay đổi lớn của các liên minh hàng hải hay kỳ vọng vào cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.