Cổ phiếu đầu tư công dậy sóng
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 15/01/2025 14:37
- Xuân Nghĩa
Thị trường chứng khoán ghi nhận hồi phục trong phiên 15/1 khi VN-Index vẫn duy trì sắc xanh đến 14h30. Chỉ số chung đang tăng hơn khoảng 5 điểm lên 1.234 điểm. Tuy vậy, thanh khoản vẫn thấp, với giá trị giao dịch khoảng 9.500 tỷ đồng trên HOSE.
Trong bối cảnh đó, nhóm ngành đầu tư công (bao gồm xây dựng, đầu tư hạ tầng, vật liệu xây dựng) ghi nhận thu hút dòng tiền.
Tại HHV, khối lượng giao dịch đến 14h30 đã đạt gần 22 triệu đơn vị, gấp 4 lần phiên trước và cao nhất trong gần một năm (từ tháng 4/2024). Về diễn biến, HHV bắt đầu tăng giá mạnh từ 10h30, đạt trần lúc 13h44, sau đó hạ nhiệt về mức tăng khoảng 6% lúc 14h.
Hay đối với VCG, khối lượng khớp lệnh đạt gần 19 triệu đơn vị, gấp 3 lần phiên trước và cao nhất kể từ tháng 8/2023. VCG đang tăng trên 5% so với tham chiếu.
Trường hợp FCN, cổ phiếu này tăng trần từ 13h34 và duy trì đến 14h30. Tính trong một tháng, FCN đã tăng 20%. Khối lượng khớp lệnh (đến 14h30) đạt 3 triệu cp, gấp 6 lần phiên trước và cao nhất từ tháng 5/2024.
Ngoài ra, một số cổ phiếu cũng tăng giá và khớp lệnh hàng triệu đơn vị như C4G, PLC, CII, PC1 hay nhóm thép với các đại diện HPG, HSG, NKG.
Trong số này, CII vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường sáng 15/1. Đại hội đã chấp thuận thông qua việc tham gia đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô gần 39.000 tỷ đồng, và phương án phát hành hai gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị phát hành tối đa 4.500 tỷ đồng.
Đầu tư công là một chủ đề đầu tư lớn mà nhiều nhà phân tích trong nước đề cập tại báo cáo chiến lược 2025.
FIDT nhận định tiến đến giai đoạn 2025 - 2028, đầu tư công tiếp tục là động lực chủ chốt cho tăng trưởng, với các dự án trọng điểm như hoàn thiện hơn 3.000 km cao tốc Bắc - Nam, phát triển cụm điểm sản xuất và triển khai Dự án Đường sắt cao tốc trị giá 67 tỷ USD.
Giai đoạn này hướng tới đầu tư thực chất, nâng cao hiệu quả truyền dẫn kinh tế và tạo nền tảng thu hút dòng vốn tư nhân, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Năm 2025, ngành vật liệu xây dựng được kỳ vọng sẽ là thời điểm phục hồi mạnh mẽ của ngành nhờ sự đồng pha với các ngành khác như đầu tư công và bất động sản. FIDT dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận toàn ngành đạt 13% và 19%.
Theo SSI Research, với cơ cấu nợ công nằm trong kiểm soát và các chính sách chuyển đổi số, tinh chỉnh bộ máy và cải cách hành chính nhằm tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách tài khóa vẫn duy trì trạng thái nới lỏng trong năm 2025.
Kế hoạch thâm hụt ngân sách ở mức 3,8% GDP vào năm 2025 (so với ước tính 3,4% cho năm 2024), cho thấy Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách nới lỏng tài khóa và kích thích nhu cầu nội địa.
Kế hoạch chi đầu tư phát triển được đặt ở mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, với việc hoàn thành 3.000 km đường cao tốc và Sân bay Long Thành. Một số dự án ưu tiên chính đến năm 2030 sẽ bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam (phía Đông), đường sắt (bao gồm tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và đường sắt cao tốc Bắc Nam), đường vành đai và tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP HCM, Cảng Cần Giờ (TP HCM).
Không chỉ tập trung phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông, Chính phủ hướng đến mục tiêu sâu rộng hơn, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính với hàng loạt các chính sách mới đang được sửa đổi.
Đối với cơ sở hạ tầng giao thông, điểm khác biệt trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là bên cạnh việc phát triển hệ thống đường cao tốc (hướng tới mục tiêu 5.000km đường cao tốc trong năm 2030), hệ thống cảng (sân bay, cảng biển) và các dự án đường sắt cũng đã được xem xét bắt đầu xây dựng từ năm 2025.