Cổ phiếu một doanh nghiệp ô tô liên tục tăng trần bất chấp kết quả thua lỗ năm 2024

TMT đã tăng 31% sau 4 phiên gần nhất (đến sáng 30/12), sau xu hướng đi ngang chủ đạo suốt 5 tháng trước đó.

Cổ phiếu của CTCP Ô tô TMT (Mã: TMT) đã tăng liên tiếp từ 25 - 27/12. Trong đó, phiên 27/12 ghi nhận khối lượng hơn 282.000 cp - cao nhất kể từ 31/8/2021 (trên 326.000 cp).

Cổ phiếu này tiếp tục kịch biên độ trong sáng 30/12, lên 9.200 đồng/cp. Khối lượng giao dịch đạt 115.200 đồng/cp. Khối lượng dư mua giá trần cuối phiên sáng đạt hơn 244.000 cp.

Như vậy, thị giá hiện cao hơn 31% so với phiên 24/12. Nhịp tăng dốc xuất hiện sau diễn biến đi ngang chủ đạo trong suốt gần 5 tháng (từ tháng 8 đến nay). Trước đó, TMT từng giảm hơn 70% thị giá sau hơn một năm, từ vùng 25.300 đồng/cp vào tháng 6/2023 về 7.300 đồng/cp vào đầu tháng 8/2024.

 Diễn biến TMT từ 2023 đến sáng 30/12. (Biểu đồ: TradingView).

Cùng lĩnh vực ô tô, một số cổ phiếu như Haxaco (Mã: HAX) hay Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (Mã: HTL) ghi nhận tăng giá 46% và 231% qua một năm (đến sáng 30/12).

Cổ phiếu TMT rơi vào diện không được cấp ký quỹ (margin) của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) từ 30/8. Nguyên do là lỗ tại báo cáo tài chính bán niên 2024.

Công ty tiếp tục lỗ gần 93 tỷ đồng trong quý III, nâng lỗ sau thuế lũy kế 9 tháng lên 192 tỷ đồng. Lỗ chưa phân phối cuối kỳ gần 139 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết kết quả lỗ do nguyên nhân khách quan đến từ 2024 là năm khó khăn chung đối với nền kinh tế, bất động sản đóng băng, nguy cơ làm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi công nghệ khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu.

Về chủ quan, TMT ghi nhận chi phí tài chính cao trong nhiều năm vì hàng hóa tồn kho lớn. Thực tế hàng tồn kho này đã phát sinh thêm chi phí trong sản xuất kinh doanh.

Công ty cho biết đã mạnh tay bán hàng cắt lỗ để chuẩn bị cho chu kỳ kinh doanh mới, đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp, bao gồm: tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc lại nhà cung cấp, tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh để áp dụng quản trị doanh nghiệp.

Bộ phận bán hàng sẽ quy định quản trị hàng tồn kho theo chu kỳ kinh doanh mới, xây dựng tồn kho theo đúng nhu cầu thị trường, đảm bảo vòng quay hàng tồn, vòng quay vốn lưu đồng phù hợp để giảm chi phí tài chính.

TMT thực hiện quản trị và tái cấu trúc toàn bộ khâu sản xuất với mục tiêu tiết giảm chi phí sản xuất tối thiểu 25-30% để giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, công ty kỳ vọng mục tiêu đến quý I/2025 nhà máy sẽ tuyển thêm tối thiểu 700 công nhân, các bộ có trình độ kỹ thuật cao để mở rộng sản xuất.

Tổng quan, TMT cho biết chấp nhận lỗ trong 2024 để đảm bảo thanh khoản với các tổ chức tín dụng và hướng đến tăng trưởng bền vừng từ 2025.

CÙNG CHUYÊN MỤC