Danh mục tự doanh chứng khoán hơn 12 tỷ USD: Tài sản nào được ưu tiên phân bổ?

Giá trị danh mục tự doanh của toàn ngành chứng khoán đã vượt ngưỡng 12 tỷ USD vào cuối quý I, đánh dấu mức tăng trưởng đáng kể chỉ sau ba tháng. Trong bức tranh tự doanh đầy sôi động này, các công ty chứng khoán đang ưu tiên phân bổ nguồn lực vào loại tài sản tài chính nào?

Theo thống kê gần 80 công ty chứng khoán (CTCK), tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tiếp tục chiếm ưu thế tuyệt đối, phản ánh khẩu vị rủi ro lẫn kỳ vọng lợi nhuận cao hơn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đồng thời, xu hướng gia tăng tỷ trọng các khoản đầu tư có thu nhập cố định cũng cho thấy nỗ lực cân bằng giữa an toàn tài chính và tối ưu hóa lợi nhuận.

Mảng tự doanh của công ty chứng khoán (CTCK) bao gồm FVTPL, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM)các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) - không tính cổ phiếu dùng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền.

Trong đó, phần lãi từ FVTPL và HTM được ghi nhận vào kết quả kinh doanh, còn lãi từ AFS hạch toán vào vốn chủ sở hữu nên không ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận hàng quý. Tuy nhiên, khoản mục AFS giúp các CTCK điều tiết lợi nhuận thông qua việc chuyển đổi giữa các khoản đầu tư.

Về HTM, đây chủ yếu là các khoản có lãi suất cố định như tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi, công cụ thị trường tiền tệ...

Thống kê báo cáo tài chính gần 80 CTCK cho thấy tổng giá trị tự doanh đạt gần 309.700 tỷ đồng (xấp xỉ 12,4 tỷ USD, tạm tính theo tỷ giá 1 USD = 25.000 VND) tại cuối quý I, tăng gần 26.500 tỷ đồng, tương đương 9,4% sau ba tháng.

Biến động giá trị tự doanh ngành chứng khoán (tạm tính cả cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền). (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Top 10 đơn vị có giá trị tự doanh lớn nhất chiếm gần 199.900 tỷ đồng, tương đương 65% tổng giá trị tự doanh toàn ngành.

Đáng chú ý, VPBankS từ vị trí thứ 6 vươn lên đứng thứ 5 với gần 16.500 tỷ đồng. Ở nhóm sau, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nắm gần 9.600 tỷ đồng tự doanh đã lọt vào Top 10, đẩy Chứng khoán MB (MBS) ra khỏi bảng xếp hạng kỳ này (dưới 9.000 tỷ đồng).

Top 10 tự doanh ngành chứng khoán. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Phần lớn danh mục tự doanh của các CTCK tập trung vào các tài sản ít biến động hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ và tiền gửi ngân hàng; trong khi phần cổ phiếu thường chiếm tỷ trọng nhỏ.

Cơ cấu của ba loại tài sản (FVTPL, HTM và AFS) không có nhiều biến động sau quý I. Xét toàn ngành, FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 63,3%, tiếp theo là HTM 26,2% và AFS 10,5%.

Trong ba tháng đầu năm, FVTPL tăng 10% lên 195.900 tỷ đồng; HTM tăng mạnh hơn, khoảng 17%, đạt hơn 81.100 tỷ đồng. Ngược lại, tỷ trọng AFS giảm so với cuối năm 2024.

Việc phân bổ vào từng loại tài sản tài chính là chiến lược riêng của từng CTCK, phản ánh khẩu vị đầu tư và mục tiêu cân bằng rủi ro. Đa số các công ty ưu tiên phân bổ vào tài sản có thu nhập cố định (fixed-income) như trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi nhằm đảm bảo thanh khoản.

Một số đơn vị phân bổ tỷ trọng lớn vào FVTPL có thể kể đến SSI, VNDirect, VPBankS, VPS, VIX, Kafi và SHS, với mức từ 68% đến 95%.

Trong đó, VPBankS và VIX phân bổ đến 94-95% danh mục tự doanh vào FVTPL, với giá trị lần lượt khoảng 15.600 tỷ đồng và 12.600 tỷ đồng.

Chứng khoán SSI tiếp tục dẫn đầu về giá trị tuyệt đối, với gần 51.300 tỷ đồng tự doanh tại công ty mẹ. Trong đó, 87% tương đương hơn 44.500 tỷ đồng nằm ở FVTPL. SSI đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi, với giá trị cuối kỳ lần lượt khoảng 27.300 tỷ đồng và 16.200 tỷ đồng.

Danh mục cổ phiếu của SSI có giá trị khoảng 1.600 tỷ đồng, bao gồm các khoản đầu tư vào MBB, MWG, VNM, VPB, PanFarm, ConCung… Ông lớn này cũng nắm hơn 6.000 tỷ đồng (toàn bộ là tiền gửi) tại HTM vào cuối kỳ.

 Thuyết minh danh mục FVTPL của SSI tại cuối quý I. (Nguồn: BCTC riêng quý I của SSI).

Giá trị FVTPL của Chứng khoán VNDirect đạt gần 26.200 tỷ đồng tại cuối quý I, chiếm 78% mảng tự doanh, xếp thứ hai toàn ngành. VNDirect còn nắm gần 7.200 tỷ đồng tại HTM (22%). Tương tự SSI, VNDirect cũng ưu tiên phân bổ vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi với tổng giá trị gần 19.500 tỷ đồng.

SHS, gương mặt mới trong Top 10 kỳ này, phân bổ hơn 8.800 tỷ đồng vào FVTPL, chiếm 92% danh mục tự doanh; còn lại 8% phân bổ vào AFS, HTM không đáng kể.

  Thuyết minh danh mục FVTPL và AFS của SHS tại cuối quý I. (Nguồn: BCTC quý I của SHS).

Đối với HTM, ACBS phân bổ đến 84% danh mục tự doanh vào khoản này, còn 16% thuộc FVTPL. Việc gia tăng HTM là yếu tố chính giúp ACBS cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng tự doanh.

TCBS và Vietcap tiếp tục là hai đơn vị có tỷ trọng phân bổ lớn nhất vào AFS, lần lượt đạt 85% và 78%. AFS của TCBS chủ yếu bao gồm trái phiếu, với giá trị gần 15.000 tỷ đồng. Công ty này cũng nắm gần 2.900 tỷ đồng tại HTM, trong khi khoản FVTPL không đáng kể.

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Diễn biến phân bổ danh mục cho thấy sự phân hóa rõ nét trong chiến lược của từng công ty chứng khoán: bên cạnh những đơn vị đẩy mạnh đầu tư vào FVTPL nhằm tìm kiếm lợi nhuận kỳ vọng cao, nhiều tên tuổi khác lại ưu tiên tài sản thu nhập cố định để đảm bảo thanh khoản và sự ổn định dài hạn.

Với quy mô tài sản tự doanh ngày càng lớn, sự lựa chọn phân bổ danh mục không chỉ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của từng CTCK mà còn có thể định hình xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh biến động kinh tế khó lường, chiến lược quản trị rủi ro và đầu tư thận trọng sẽ ngày càng trở thành yếu tố sống còn cho các công ty chứng khoán.

CÙNG CHUYÊN MỤC