Danh mục tự doanh ngành chứng khoán: FPT khiến Vietcap tạm lỗ, SHB 'nâng bổng' SHS

Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục thiết lập đỉnh mới sau quý I, đạt khoảng 310.000 tỷ đồng, tương đương 12,4 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường có những biến động đáng kể, các CTCK vẫn duy trì xu hướng gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong cơ cấu tài sản đầu tư, đồng thời linh hoạt xoay vòng vốn nhằm tối ưu hóa hiệu quả.

Dữ liệu từ báo cáo tài chính quý I cho thấy, tài sản tự doanh gia tăng ở cả nhóm cổ phiếu/chứng chỉ quỹ (ccq), tiền gửi và các khoản khác, trong khi danh mục trái phiếu gần như đi ngang.

Với đặc tính biến động cao, cổ phiếu tiếp tục là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối công ty chứng khoán – không chỉ mang lại kỳ vọng sinh lời, mà còn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh ngắn hạn.

 (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Vietcap nắm giữ danh mục lớn nhất ngành, nhưng FPT trở thành “điểm trừ”

Dẫn đầu toàn ngành về quy mô danh mục tự doanh cổ phiếu, Chứng khoán Vietcap đang nắm giữ gần 8.200 tỷ đồng cổ phiếu – tăng khoảng 4% so với cuối năm 2024. Các khoản đầu tư chủ lực của Vietcap không thay đổi nhiều, gồm KDH, IDP, MSN, MBB, STB, FPT, TDM, NAP01, VPB02, LTH01…

Đáng chú ý, Vietcap tiếp tục mua ròng cổ phiếu FPT, nâng giá gốc khoản đầu tư từ 519 tỷ đồng lên 825 tỷ đồng chỉ trong ba tháng.

Tuy nhiên, khoản đầu tư này lại khiến công ty phải tạm ghi nhận lỗ 22 tỷ đồng do cổ phiếu FPT quay đầu điều chỉnh sâu. Trái với kỳ vọng tích cực đầu năm, mã này trở thành yếu tố kéo giảm hiệu quả danh mục tự doanh trong ngắn hạn.

Ông Tô Hải, Tổng Giám đốc công ty, cho biết hoạt động tự doanh quý I nhìn chung ổn định, không có biến động lớn. Riêng khoản IDP vẫn được nắm giữ lâu dài nhưng sẵn sàng hiện thực hóa lợi nhuận nếu có đối tác phù hợp.

Về cơ cấu tài sản, cổ phiếu/ccq ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của Vietcap đạt gần 890 tỷ đồng – gấp 4 lần đầu năm, tuy nhiên đang tạm lỗ gần 50 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu tại tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt khoảng 6.400 tỷ đồng, thấp hơn mức 7.000 tỷ đồng đầu năm do công ty đã thoái bớt vốn tại KDH, MBB và STB.

 

 Thuyết minh tự doanh của Vietcap tại cuối quý I. (Nguồn: BCTC quý I của Vietcap).

VIX, SHS giữ quy mô lớn, SHB giúp SHS khởi sắc

Chứng khoán VIX đang quản lý danh mục cổ phiếu gần 7.500 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm; trong đó 83% là cổ phiếu niêm yết và 17% chưa niêm yết. Dù không thuyết minh cụ thể các mã đầu tư, VIX cho biết đã thu về 141 tỷ đồng lãi ròng từ hoạt động bán cổ phiếu trong quý.

SHS có mức tăng mạnh hơn, nâng danh mục tự doanh lên gần 6.300 tỷ đồng – tăng 30% so với đầu năm, với tỷ lệ cổ phiếu chiếm tới 65%. Các mã chiếm tỷ trọng lớn gồm GEX, FPT, HPG, TCB, SHB, TCD.

Trong đó, SHB ghi nhận mức tăng giá mạnh, giá trị thị trường đạt 740 tỷ đồng – gấp gần 3 lần giá vốn, trở thành đầu kéo lợi nhuận tự doanh của SHS trong quý I.

Ở chiều ngược lại, TCD gây thua lỗ nặng khi giảm đến 83%, chỉ còn 35 tỷ đồng. TCD cùng nhóm cổ phiếu “họ Bamboo Capital” (BCG, BCR, BGE) tiếp tục lao dốc trong tháng 4 sau khi nhiều lãnh đạo hệ sinh thái Bamboo Capital bị khởi tố.

Thuyết minh tự doanh của SHS tại cuối quý I. (Nguồn: BCTC quý I của SHS).

VPBankS, Kafi mạnh tay mua cổ phiếu, CTS hiện thực hóa khoản đầu tư lớn

Chứng khoán VPBank (VPBankS) rót thêm khoảng 770 tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết trong quý I, nâng giá trị danh mục lên hơn 2.400 tỷ đồng – tăng 1,5 lần chỉ sau ba tháng. Tuy nhiên, báo cáo quý chưa tiết lộ chi tiết danh mục.

Kafi có mức tăng trưởng ấn tượng hơn, gần như gấp đôi danh mục tự doanh từ dưới 600 tỷ đồng lên gần 1.300 tỷ đồng. Công ty đã mua mới VPB với giá gốc 139 tỷ đồng, đầu tư thêm vào VIB, VCB cùng hơn 500 tỷ đồng vào các cổ phiếu niêm yết khác. Đến cuối quý I, danh mục Kafi gồm: VIB (509 tỷ đồng), VPB (138 tỷ), VCB (66 tỷ) và cổ phiếu khác (574 tỷ).

Ngược lại với xu hướng gia tăng, VietinBank Securities (CTS) thu hẹp danh mục cổ phiếu 31%, còn 883 tỷ đồng. Trong quý I, CTS đã hiện thực hóa một phần khoản đầu tư vào CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), ghi nhận giá trị thị trường 127,8 tỷ đồng – gấp gần 6 lần giá vốn. Công ty cũng đang lãi hơn 30 tỷ đồng từ cổ phiếu EIB và tiếp tục nắm giữ VSC, GEX, PET, VPB…

Cổ phiếu trở lại là “quả đấm” lợi nhuận chính của khối CTCK

Sự gia tăng quy mô danh mục cổ phiếu tại hầu hết công ty cho thấy niềm tin lớn vào triển vọng phục hồi của thị trường trong năm 2025. Các CTCK tiếp tục đẩy mạnh phân bổ vào cổ phiếu niêm yết, trong đó nổi bật là các mã vốn hóa lớn như FPT, SHB, MBB hay KDH.

Tuy vậy, biến động giá cổ phiếu trong quý I cũng cho thấy mặt trái của chiến lược tập trung vào cổ phiếu.

Một số mã như FPT hay nhóm Bamboo Capital đã kéo lùi hiệu quả đầu tư, buộc các công ty phải cân nhắc lại mức độ phân bổ và kỳ vọng sinh lời. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi sự phân hoá trên thị trường cổ phiếu ngày càng gia tăng trong đầu quý II.

CÙNG CHUYÊN MỤC