Đầu tư chứng khoán và tài sản số khác nhau thế nào?

Tại chương trình Café Cùng Chứng Special ngày 17/7, các chuyên gia chia sẻ nhiều góc nhìn xoay quanh chủ đề tài sản số và sự so sánh với thị trường chứng khoán. Nội dung trao đổi tập trung vào sự khác biệt về cơ chế vận hành, quy mô, pháp lý và cả cách tiếp cận của nhà đầu tư đối với hai lớp tài sản này.

Khác biệt về hoạt động, quy mô và pháp lý giữa hai thị trường

Ông Lê Bảo Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI (SSID), cho biết tài sản số là loại tài sản được xây dựng trên nền tảng blockchain, nơi giao dịch được xác thực theo cơ chế ngang hàng (peer-to-peer), giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Trong số đó, Bitcoin là tài sản phổ biến nhất.

Ngoài ra còn có các dạng khác như NFT (non-fungible token – tài sản không thể thay thế). Theo ông, thuật ngữ “tài sản mã hoá” phản ánh đầy đủ hơn bản chất thị trường.

Ông cho biết thị trường tài sản mã hoá thường mang tính mùa vụ, biến động theo mô hình parabol. Sự tham gia của các tổ chức tài chính như VanEck (Mỹ) – đơn vị đầu tư vào Bitcoin và phát triển ETF Bitcoin – đang giúp thị trường trở nên minh bạch và ổn định hơn so với giai đoạn trước.

 Ông Lê Bảo Nguyên (trái) và ôngHồ Hữu Tuấn Hiếu (phải). (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều dự án công nghệ, hạ tầng trong lĩnh vực này được kỳ vọng có thể trở thành kênh gọi vốn quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, hầu hết các nền tảng đang hoạt động ngoài nước và chưa được bảo hộ.

Theo ông Nguyên, Luật Công nghiệp Công nghệ số đã công nhận tài sản số là một loại tài sản, nhưng phải đến tháng 1/2026 mới chính thức có hiệu lực. Hiện nay, các tài sản như Bitcoin vẫn chưa được xem là tài sản hợp pháp tại Việt Nam và vẫn nằm trong “vùng xám”. Ông kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan chức năng.

Nếu như thanh khoản của thị trường cổ phiếu Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5–6 năm gần đây, rhị trường tài sản mã hoá có quy mô lớn hơn nhiều, hoạt động liên tục 24/7. Theo các báo cáo quốc tế, Việt Nam liên tục đứng trong Top 5 về tỷ lệ người dùng mới trong 4 năm qua. Các sàn giao dịch lớn đều đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm

 

Tâm lý đầu tư và cách tiếp cận giữa cổ phiếu và tài sản số

Theo ông Nguyên, nhà đầu tư F0 cần hiểu rõ đặc điểm thị trường tài sản số cũng như các rủi ro liên quan. Việc kỳ vọng lợi nhuận cao thường đồng nghĩa với mức độ rủi ro lớn. Ông khuyến nghị nên tìm hiểu kỹ về dự án, đội ngũ phát triển và mục tiêu vận hành trước khi tham gia. Với các loại tài sản phổ biến như Bitcoin, Ethereum, nhà đầu tư có thể xem xét theo hướng tích trữ dài hạn.

Tuy vậy, ông cho rằng nhiều nhà đầu tư mới hiện nay chưa nắm rõ sản phẩm mà họ đang mua. Việc xác định mục tiêu – đầu tư dài hạn hay giao dịch ngắn hạn – là yếu tố quan trọng cần làm rõ từ đầu.

Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia chiến lược đầu tư SSI Research, nhận định tâm lý đầu tư mang tính đầu cơ vẫn tồn tại ở cả hai thị trường. Nhiều nhà đầu tư ưa chuộng tài sản có biến động mạnh thay vì lựa chọn nắm giữ dài hạn các sản phẩm nền tảng tốt.

Trên thị trường chứng khoán, không ít người đầu tư vào cổ phiếu nhưng chưa hiểu rõ hoạt động của doanh nghiệp; trong thị trường tài sản số, tình trạng này cũng lặp lại.

Về lợi thế khu vực, ông Nguyên so sánh Singapore là trung tâm dịch vụ tài chính lâu đời, nơi tập trung nhiều tổ chức lớn. Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp về dịch vụ, nhưng có lợi thế về công nghệ lõi. Việt Nam có thể tự phát triển các sản phẩm blockchain trong khi Singapore cần nhiều thời gian và nguồn lực hơn. Ông cho biết hiện Việt Nam có hàng trăm nghìn lập trình viên blockchain.

"Khi khung pháp lý dần hoàn thiện, nhiều sự kiện lớn về blockchain được tổ chức sẽ hỗ trợ cộng đồng từ người làm (builder), đến giáo dục nhà đầu tư. Đơn cử như sự kiện GM Việt Nam 2025 tới đây của chúng tôi tổ chức với hàng trăm chuyên gia giao lưu trong nước và quốc tế", ông Nguyên cho biết.

Nói thêm, theo vị này, trong lựa chọn định hướng công nghệ, Việt Nam không đi theo AI (trí tuệ nhân tạo) do hạn chế về hạ tầng tính toán và dữ liệu huấn luyện (training). Ngược lại, blockchain là lĩnh vực có tài nguyên mở, dễ tiếp cận và phù hợp với năng lực hiện có. Nếu đi đúng hướng như hiện nay, Việt Nam có thể trở thành trung tâm về tài sản số trong khu vực.

CÙNG CHUYÊN MỤC