Đề xuất 25.500 tỷ làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 129 km, dự kiến khởi công trong năm 2025.

Hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Thông tin từ Báo Chính phủ,  tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, chiều 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án trọng điểm quốc gia, việc triển khai dự án không chỉ tạo động lực, sức lan tỏa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn góp phần hoàn thiện mạng lưới cao tốc theo quy hoạch liên kết vùng.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới.

Dự án này có điểm đầu giao đường Hồ Chí Minh (QL14) tại Km1915+900, thuộc địa phận huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tổng chiều dài khoảng 129 km, trong đó đoạn qua địa phận Bình Phước khoảng 101km, đoạn qua địa phận Đắk Nông khảng 28 km; chiều dài đường cao tốc khoảng 127 km, chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa khoảng 2 km.

Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng bao gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.

Chính phủ đề xuất phân chia cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).

Về tiến độ dự kiến, chuẩn bị dự án năm 2023 - 2024; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư năm 2024 - 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

Về một số đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Dự án áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Cụ thể, về nguồn vốn, chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của Ngân sách Trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư Dự án.

Cùng với đó, cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của Ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện dự án (8.770 tỷ đồng).