ĐHĐCĐ Chứng khoán MB (MBS): Nêu đối sách tình trạng ‘chảy máu chất xám’ nhân sự và đánh giá khả năng tăng vốn thành công

Ngày 15/4, Chứng khoán MB (MBS) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) - cổ đông lớn nắm giữ 76,35% vốn điều lệ, cùng đông đảo cổ đông cá nhân, tổ chức và các lãnh đạo cấp cao trong hệ sinh thái MB Group.

Đại hội cổ đông Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: BTC.

Đại hội được tiến hành hợp lệ với tỷ lệ tham dự đạt 81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua nhiều nội dung trọng yếu liên quan đến phương hướng hoạt động năm 2025, kế hoạch tăng vốn điều lệ, chính sách chi trả cổ tức, hoạt động chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực cũng như các tờ trình khác của Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.

Năm 2025, MBS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.370 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 8% và 40% so với năm trước. Công ty đặt mục tiêu thị phần môi giới giữ tối thiểu 6% (phấn đấu 6,5%), thị phần từ kênh giao dịch số đạt 2% (phấn đấu 2,5%), tỷ lệ khách hàng giao dịch thường xuyên đạt 25%, tổng số khách hàng đạt ít nhất 200.000.

Về kế hoạch tăng vốn, MBS dự kiến phát hành tổng cộng hơn 94,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 5.728 tỷ đồng lên 6.673 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: 68,7 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, 17,2 triệu cổ phiếu phát hành từ nguồn thặng dư vốn cổ phần để thưởng cho cổ đông, và 8,6 triệu cổ phiếu ESOP. Tổng số tiền huy động được ước tính 773 tỷ đồng, trong đó phần lớn (623 tỷ đồng) sẽ được phân bổ cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin), phần còn lại dành cho tự doanh và bảo lãnh phát hành.

Giải đáp thắc mắc từ cổ đông về tính khả thi của đợt phát hành, ông Phan Phương Anh – Tổng Giám đốc MBS – cho biết: "Chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thành công phương án tăng vốn, bởi MBS có sự đồng thuận rất cao từ cổ đông lớn là Ngân hàng Quân đội MB hiện đang nắm giữ 76,35% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, các đợt phát hành trước đây của MBS đều được hoàn tất đúng kế hoạch. Thủ tục triển khai được thực hiện bài bản, tuân thủ quy định và nhận được sự đồng thuận từ các cơ quan quản lý".

Ông cũng cho biết thêm, MBS đã lên kế hoạch làm việc với các đơn vị tư vấn, chuẩn bị phương án phân phối và công bố thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đợt phát hành.

Một trong những nội dung được nhiều cổ đông quan tâm là triển vọng thị trường trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu 46% lên hàng hóa từ Việt Nam. Ông Phạm Thế Anh – Thành viên Hội đồng quản trị – đánh giá, thị trường sẽ đối mặt rủi ro ngắn hạn do sức ép từ chính sách thuế không ổn định, áp lực tỷ giá và rút vốn của khối ngoại. Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có nền tảng vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất thấp, chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tạo cơ hội cho các công ty chứng khoán tận dụng chu kỳ hồi phục.

Đại hội cũng thảo luận sâu về hai trụ cột chiến lược: phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Đáng chú ý, ban lãnh đạo thẳng thắn nhìn nhận tình trạng "chảy máu chất xám" trong ngành chứng khoán thời gian qua, đặc biệt là tại các công ty có thị phần lớn. MBS đang đối mặt với áp lực giữ chân người giỏi trước xu hướng dịch chuyển nhân sự sang các tổ chức tài chính mới nổi hoặc doanh nghiệp fintech.

Để ứng phó, công ty đã đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ nhân sự: tăng thu nhập bình quân 13% trong năm 2024, triển khai chương trình ESOP có giới hạn chuyển nhượng 5 năm nhằm giữ chân nhân tài, đồng thời tăng cường hoạt động đào tạo, xây dựng văn hoá nội bộ và thiết lập chương trình phát triển năng lực cá nhân phù hợp từng vị trí công việc.

Ở trụ cột chuyển đổi số, ông Phan Phương Anh cho biết: "Chúng tôi đã triển khai chiến lược 5 năm nhằm đưa MBS trở thành công ty chứng khoán có nền tảng số và dịch vụ tư vấn hàng đầu Việt Nam." Năm 2024, mảng kinh doanh số tăng trưởng mạnh với thị phần đạt 1,43% (tăng 28%), dư nợ số đạt 1.362 tỷ đồng, doanh thu đạt 277 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 75 tỷ đồng. Năm 2025, MBS đặt mục tiêu thị phần mảng số tăng lên 2,2%, lượng khách hàng giao dịch chủ động đạt 145.000 tài khoản.

Các tờ trình quan trọng tại đại hội được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Cụ thể, các báo cáo phương hướng 2025, kế hoạch phân phối lợi nhuận, lựa chọn đơn vị kiểm toán, các chính sách về cổ tức, ESOP và niêm yết trái phiếu đều được phê duyệt với tỷ lệ tán thành trên 99,9%.

Phát biểu bế mạc, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh: "Năm 2025 là thời điểm để MBS tăng tốc và bứt phá, tận dụng nền tảng sẵn có để đạt tăng trưởng bền vững, hiệu quả và khẳng định vị thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam."

CÙNG CHUYÊN MỤC