ĐHĐCĐ Vietcap: Quý I lãi khoảng 400 tỷ đồng, không tham gia thương vụ Sacombank
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 01/04/2025 16:50
- Xuân Nghĩa
Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào chiều ngày 1/4, tại Quận 1, TP HCM. Cuộc họp ghi nhận phiên thảo luận sôi nổi, ban lãnh đạo đã trả lời hàng chục câu hỏi từ phía cổ đông, tập trung vào tình hình hoạt động kinh doanh.
Thảo luận
Công ty có tham gia vào hoạt động đấu giá cổ phần Sacombank (Mã: STB)?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng: Vietcap khẳng định không tham gia vào thương vụ này.
Chia sẻ về tình hình kết quả kinh doanh sơ bộ quý I?
CEO Tô Hải: Do tiền huy động tháng 11/2024 công ty mới nhận về nên phản ánh hơi chậm. Lợi nhuận trước thuế quý I đạt khoảng 400 tỷ đồng.
Dự định gì với mảng tự doanh?
CEO Tô Hải: Hoạt động tự doanh vẫn khả quan. Quý I có lẽ không biến động đáng kể do thị trường chứng khoán không có xu hướng rõ ràng.

CEO Vietcap Tô Hải trả lời chất vấn của cổ đông. (Ảnh: X.N).
Công ty có cân nhắc thoái vốn IDP?
CEO Tô Hải: Đây là khoản đầu tư lâu dài. Tuy nhiên nếu có người mua phù hợp, công ty sẵn sàng làm việc.
Cập nhật tình hình mảng IB?
CEO Tô Hải: Mảng IB gồm IPO và M&A. Hai năm trở lại kể cả trong khu vực và Trung Quốc cũng không có nhiều thương vụ IPO quy mô đáng kể, nếu có vẫn không lớn bằng những năm trước. Một tín hiệu tích cực là luật lệ các nước đã thay đổi để nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn. Kỳ vọng từ giờ đến cuối năm thị trường IPO sẽ trở lại.
M&A đi cùng với IPO. Việt Nam gần đây không có thương vụ lớn. Kỳ vọng khi kinh tế Việt Nam khởi sắc thì mảng M&A sẽ tốt hơn.
Vietcap có tiếp tục tăng vốn?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng: Năm 2024 đã có ba đợt tăng vốn. HĐQT cân nhắc việc phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu để đạt vốn điều lệ lên khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty sẽ xin ý kiến cổ đông sau (nếu cần).
Vietcap có ý định gì về tài sản số?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng: Trước mắt là phải có sàn giao dịch, liên quan đến khung pháp lý trước. Sau đó, Vietcap sẽ tính toán đến việc tham gia ở mức độ nào. Bây giờ nói thì còn quá sớm.
Tinh thần của công ty là luôn đổi mới, sáng tạo, bắt kịp thị trường nhưng vẫn đảm bảo quy định.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: X.N).
Công ty làm gì để đón sóng nâng hạng thị trường?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng: Khi nâng hạng, độ mở, minh bạch sẽ rất khác. Dòng vốn nước ngoài sẽ thay đổi, đổ vào Việt Nam. Các công ty chứng khoán như Vietcap cũng đã điều chỉnh, bổ sung các nghiệp vụ, sản phẩm để phục vụ nhà đầu tư. Công ty là một trong nhưng đơn vị tiên phong đón đầu xu hướng này.
Trung tâm tài chính đem về lợi thế gì cho công ty?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng: Trung tâm tài chính mà chúng ta nghe không chỉ là một khu vực tập trung như New York hay Singapore. Tôi nghĩ rằng phải có một khu vực mà có các sàn giao dịch, tụ sở các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, và đặc biệt là các công ty hỗ trợ lĩnh vực tài chính chứng khoán… Nghĩa là cả "phần cứng và phần mềm".
Dù có trung tâm tài chính hay không, Vietcap vẫn góp mặt trong top đầu, gìn giữ vị thế trong lĩnh vực hoạt động.
Mảng nào đem doanh thu lớn năm nay?
CEO Tô Hải: Quý I, cơ cấu tự doanh giảm nhẹ trong khi cho vay margin tăng lên.
Năm 2024 tôi kỳ vọng mảng tư vấn khởi sắc năm 2024 nhưng thực tế không như kỳ vọng, có thể kéo dài đến tháng 9/2025.
Về kinh tế chung, các lĩnh vực chính như bán lẻ, tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc nhiều. Nói về thị trường là rất khó đoán.
Với tốc độ cải cách như hiện tại, nền tảng kinh tế Việt Nam sẽ tốt, đặc biệt là tín hiệu hạ lãi suất thì mảng IB sẽ quay lại. Một số hợp đồng đã ký từ 2023 vẫn chưa thực hiện được, kỳ vọng nếu một quý đạt thì có thể đem về doanh số bằng cả năm trước cộng lại.
Tổng quan, kế hoạch kinh doanh năm 2025 khá thận trọng, khả năng hoàn thành "trong tầm tay" nếu VN-Index không rớt quá sâu.
Sau khi thay đổi chiến lược, hướng vào nhà đầu tư cá nhân hơn từ 2023, công ty đã đạt một số thành quả. Liệu công ty có những kế hoạch gì để phát huy?
CEO Tô Hải: Sau Covid-19, tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư tổ chức giảm sâu. Vietcap đã thay đổi chiến lược, hướng hơn vào nhà đầu tư cá nhân, nhưng vẫn hơi chậm. Vietcap tiếp tục đầu tư cho dịch vụ nhà đầu tư cá nhân. Công ty. kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng hiệu quả sử dụng vốn.
Hiện tại, nhìn vào báo cáo tài chính các công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường, tuy doanh thu môi giới lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận không cao, thậm chí lỗ.
Cơ cấu lợi nhuận năm 2025 như thế nào?
Đại diện Vietcap: Môi giới chiếm 15%, IB tuỳ tình hình thực tế khoảng 10-20%, cho vay margin khoảng 25%, còn lại là mảng đầu tư.
Công ty quản trị rủi ro cho vay có tốt không?
CEO Tô Hải: Từ 2012 trở đi, công ty chưa mất đồng nào từ hoạt động cho vay margin. Xu hướng này kỳ vọng sẽ tiếp diễn. Quy mô cho vay của công ty cũng không quá đáng kể.

Đông đảo cổ đông Vietcap tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2025. (Ảnh: X.N).
Hướng tới doanh thu kỷ lục
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT Vietcap, cho biết theo Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.
Đồng thời đó phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp tục tăng trưởng về quy mô và nâng hạng TTCK Việt Nam, trong năm 2024, HĐQT Vietcap đã hoàn thành việc tăng quy mô vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của Vietcap thông qua các đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán riêng lẻ, từ đó tạo nền tảng tài chính và cơ cấu vốn bền vững phù hợp cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Trong năm 2025, dựa trên nền tảng mở rộng vốn đã đạt được trong năm 2024, HĐQT định hướng Vietcap sẽ tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư vào hệ thống công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phát triển mở rộng thị phần môi giới (bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức), mục tiêu hướng tiếp tục duy trì vững chắc vị thế Top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE nói chung, và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị phần môi giới khách hàng tổ chức nói riêng.
Song song với mục tiêu mở rộng thị phần là tăng quy mô hoạt động cho vay ký quỹ và các hoạt động đầu tư chứng khoán nhằm tối ưu hóa nguồn vốn và đem lại hiệu quả kinh doanh cao cho công ty.
HĐQT đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2025 dựa trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam dự kiến vẫn còn nhiều biến số và tiếp tục diễn biến phức tạp, và VN-Index được dự báo dao động quanh 1.400 điểm vào cuối năm 2025.
HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu 4.325 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ở mức 1.420 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 30% so với thực hiện 2024.
Nếu hoàn thành Vietcap sẽ đạt doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động. Mức lợi nhuận trước thuế cũng chỉ thấp hơn năm 2021 (1.821 tỷ đồng), tức cao nhất trong 4 năm 2022 - 2025 (dự kiến).

(Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).
Theo ông Tô Hải, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcap, HĐQT đề xuất kế hoạch kinh doanh dựa trên đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực, khung pháp lý dần được hoàn thiện, khả năng nâng hạng thị trường, lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp và định giá doanh nghiệp đã rơi vào vùng hấp dẫn trong dài hạn.
VN-Index, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán, được dự báo dao động quanh 1.400 điểm vào cuối năm 2025.
Về phân phối lợi nhuận, công ty có kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 5 - 10%. Năm 2024, Vietcap đã tạm ứng hai lần cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ đạt 6,5% (mỗi cổ phiếu nhận 650 đồng).
Trước đó, Vietcap có năm 2024 kinh doanh tương đối tích cực. Doanh thu hoạt động đạt hơn 3.695 tỷ đồng, tăng 49% và lợi nhuận sau thuế tăng 85% so với 2023 lên gần 911 tỷ đồng.
Phát hành hơn 4,5 triệu cp ESOP
HĐQT cũng trình thông qua phương án phát hành hơn 4,5 triệu cp theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2025, tương đương với 0,627% vốn điều lệ hiện tại. Phương án dự kiến được triển khai trong năm 2025.
Theo công ty, người lao động tham gia mua ESOP sẽ ý thức rõ hơn việc công ty ghi nhận kết quả đóng góp của mình, từ đó có động lực gắn kết hơn, làm việc hiệu quả và tinh thân trách nhiệm cao hơn, cam kết đồng hành lâu dài.
ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, tương ứng ngày kết thúc việc thu tiền mua cổ phiếu của người lao động. Với giá phát hành 12.000 đồng/cp, công ty dự thu về hơn 54 tỷ đồng, toàn bộ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay.
Phiên họp kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.