Góc nhìn chuyên gia: Thị trường kém sôi động là lúc xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư với định giá hấp dẫn

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), trong bối cảnh thanh khoản thị trường thấp như hiện nay cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện ở 3 nhóm công ty.

Nhiều giải pháp được đưa ra hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian gần đây như việc giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy nhà ở xã hội, đề xuất giảm thuế, đề xuất giãn hoãn nợ, cơ cấu lại các nhóm nợ, … được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, qua đó thúc đẩy dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, cũng từ đó sẽ giải quyết bài toán thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Tại Talkshow “Phố Tài chính”, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đã có những đánh giá về tác động của loạt chính sách thời gian gần đây tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Những áp lực bên trong và bên ngoài đã và đang tác động đến nền kinh tế và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế cũng đang bị thu hẹp. Chuyên ra đánh giá ra sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF). (Ảnh chụp màn hình).

Ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF): Cho đến thời điểm hiện tại thanh khoản của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều. Đồng USD đã suy giảm sau khi lạm phát bên Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, thặng dư thương mại cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài khả quan, Ngân hàng Nhà nước trong quý I vừa qua đã mua khoảng 4 tỷ USD từ đó gia tăng nguồn cung tiền Việt Nam đồng trong nền kinh tế.

Gần đây ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất điều hành và trước đó là cấp room tín dụng mới cho các ngân hàng. Mặc dù thanh khoản đã tốt hơn nhiều, nhưng chi phí vốn nhìn chung vẫn ở mức cao. Lãi suất huy động 12 tháng dao động trong khoảng 7,2 – 9% tùy ngân hàng do đó lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao.

Bên cạnh đó do điều kiện vi mô còn nhiều thách thức nên một số ngân hàng tỏ ra rất thận trọng trong việc giải ngân cho vay. Vì vậy các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay hơn trước đây và điều này được phản ánh qua tăng trưởng tín dụng thấp 2% trong quý I năm nay.

Trong thời gian gần đây nhiều chính sách đã được đưa ra để hỗ trợ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp như giảm lãi suất thúc đẩy đầu tư công hay thúc đẩy nhà ở xã hội, giảm thuế. Tuy nhiên vì sao dòng tiền trên thị trường chưa được cải thiện?

Chính phủ đang tập trung vào hai vấn đề lớn. Thứ nhất là hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế GDP trong quý I của Việt Nam tăng trưởng ở mức khá khiêm tốn 3,32% và chủ yếu được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ hồi phục của khu vực dịch vụ.

Tôi cho rằng các chính sách giảm lãi suất và thúc đẩy đầu tư công sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là đầu tư công. Vì nếu chúng ta có một cơ sở hạ tầng tốt hơn thì điều đó sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút vốn FDI trung và dài hạn.

Thứ hai là tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đối với thị trường bất động sản việc tháo gỡ nút thắt pháp lý rất quan trọng và điều đó sẽ thúc đẩy luân chuyển vốn trong nền kinh tế. Một dự án chưa đủ điều kiện pháp lý thì doanh nghiệp không thể mở bán, nhà đầu tư không thể mua và ngân hàng không thể giải ngân cho vay.

Bên cạnh đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đón nhận nhiều tin tích cực trong giai đoạn vừa qua. Sau khi Nghị định 08 về phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp được ban hành vào ngày 5/3 thì một số tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận với các chủ sở hữu để kéo dài kỳ hạn hoặc thanh toán gốc và lãi trái phiếu bằng bất động sản.

Trong số những chính sách đó thì chính sách nhà đầu tư đang rất quan tâm đó là dự thảo thông tư quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của Ngân hàng Nhà nước. Vậy theo các ông nếu thông tư được thông qua sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế và sự luân chuyển của dòng tiền?

Theo đánh giá của tôi, có một số mặt tích cực có thể nhìn thấy. Đối với ngân hàng thương mại, các đơn vụ này sẽ không phải trích lập dự phòng nợ xấu.

Đối với các doanh nghiệp, sẽ có hai tác động. Thứ nhất việc không nhảy nhóm nợ sẽ giúp cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn khi doanh nghiệp có nhu cầu cũng như dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hơn.

Thứ hai đối với doanh nghiệp là được giãn nợ, giúp cho doanh nghiệp chưa phải trả nợ trong giai đoạn dòng tiền đang khó khăn cũng như việc kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện tại. Như vậy theo đánh giá của tôi đây là một trong những mấu chốt mà có thể nhà đầu tư sẽ phải rất chú ý trong thời gian tới.

Các nhà đầu tư nên có phương án như thế nào trong bối cảnh thanh khoản duy trì ở mức thấp?

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng những lúc thị trường kém sôi động là lúc chúng ta có nhiều cơ hội để đầu tư vào các công ty tốt với mức định giá hấp dẫn, ban lãnh đạo giỏi, trung thực và có vay nợ ít.

Tôi nhận thấy cơ hội đầu tư tốt ở một số nhóm công ty. Nhóm thứ nhất là nhóm công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thậm chí có thể tăng trưởng doanh thu như công nghệ thông tin hoặc ngân hàng có chất lượng tài sản cao và rủi ro thấp.

Nhóm thứ hai là nhóm công ty bị ảnh hưởng bởi cầu tiêu dùng thấp trong thời gian vừa qua như bán lẻ, phân phối bất động sản, xây dựng và các doanh nghiệp dệt may với định giá của các đơn vị này đã giảm nhiều. Nếu tìm được các công ty mà chúng ta tin rằng doanh thu và lợi nhuận của họ sẽ hồi phục thậm chí tăng trưởng mạnh hơn khi kinh tế vĩ mô ổn định thì đây là cơ hội rất tốt.

Nhóm cuối cùng là các doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng gần đây bao gồm xu hướng đầu tư công và hồi phục của ngành du lịch.

CÙNG CHUYÊN MỤC