Guotai Junan: Tỷ lệ nội địa hóa quyết định lợi thế cổ phiếu sản xuất sau thỏa thuận thuế quan

Yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa trong thỏa thuận thuế quan Việt – Mỹ có thể trở thành yếu tố phân hóa đáng kể trong triển vọng của các nhóm ngành xuất khẩu.

Tối ngày 2/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua mạng xã hội Trust Media cho biết, sau cuộc hội đàm hết sức tích cực với Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã đi đến thống nhất vấn đề thuế quan.

Theo CTCP Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam (Mã: IVS), Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ.

Rào cản nội địa hóa: Thách thức không nhỏ cho ngành xuất khẩu

Theo Guotai Junan, một yếu tố đáng chú ý trong thỏa thuận này là tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa theo yêu cầu của Mỹ. Báo cáo cho biết: “Hiện có tin đồn về việc Mỹ đang yêu cầu phía Ấn Độ đạt hàm lượng nội địa ít nhất 60% để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Ấn Độ, trong khi phía Ấn Độ đang đàm phán mức nội địa hóa 35%”.

Cũng trong báo cáo, đơn vị này dẫn lại số liệu của OECD cho thấy tỷ lệ nội địa hóa của một số nhóm ngành tại Việt Nam hiện dao động ở nhiều mức khác nhau: nông nghiệp đạt 65%, máy tính và thiết bị điện tử ở mức 50%, gỗ, giấy và hóa chất là 48%, trong khi may mặc và da giày chỉ đạt 45%.

Guotai Junan cho rằng, yếu tố liên quan đến tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa theo yêu cầu của Mỹ có thể mở ra cơ hội thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào hoạt động sản xuất tại Việt Nam thay vì chỉ tranship (chuyển tải) như trước đây. Bên cạnh đó, yếu tố này cũng tạo cơ hội cho lao động nội tham gia vào chuỗi sản xuất, gia tăng thu nhập và củng cố ngành tiêu dùng nội địa trong dài hạn.

Ngành cá tra hưởng lợi, ngành gỗ đối mặt rủi ro

Guotai Junan chỉ ra rằng ngành cá tra đông lạnh tiếp tục duy trì được lợi thế tại thị trường Mỹ. Theo thông báo mới nhất trong tháng 6/2025 của Bộ Thương mại Mỹ, kết quả kỳ rà soát lần thứ 20 (POR20) cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ được áp dụng mức thuế chống bán phá giá 0%.

Danh sách này bao gồm Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ, Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH MTV Hải sản Đông Á, Công ty Cổ phần Hùng Cá 6, Công ty Nam Việt và Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) không thuộc diện rà soát lần này và vẫn được hưởng mức thuế 0%.

Ngược lại, ngành gỗ của Việt Nam lại đối mặt với rủi ro gia tăng. Guotai Junan dẫn lại thông báo của Bộ Thương mại Mỹ đầu tháng 6/2025, cho biết cơ quan này đang xem xét điều tra chống bán phá giá đối với gỗ dán từ Việt Nam. Hơn 130 doanh nghiệp được cho là có nguy cơ bị áp thuế, với biên độ phá giá bị cáo buộc từ 112,33% đến 133,72%.

Áp lực từ xe SUV Mỹ và bài toán chiến lược chính sách

Ngoài ra, Guotai Junan cảnh báo về khả năng Việt Nam sẽ phải ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc liên minh thuế quan với Mỹ để tránh nguy cơ các ưu đãi thuế dành cho Mỹ phải được mở rộng cho các quốc gia thành viên WTO khác theo nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN).

Báo cáo cũng lưu ý, việc ông Trump nhấn mạnh đến khả năng xe SUV của Mỹ thâm nhập vào thị trường Việt Nam có thể gây áp lực cho ngành công nghiệp ô tô còn khá non trẻ của Việt Nam, với một số doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn chịu chi phí khấu hao cao và lỗ ròng lớn.

Guotai Junan kết luận, “thỏa thuận thuế quan mới là một thành tựu đáng khen ngợi, phản ánh nỗ lực của chính phủ Việt Nam và mở ra triển vọng tích cực cho nhiều ngành”. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ còn nhiều biến động và đi kèm các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp để thích ứng. Việc tận dụng cơ hội từ thỏa thuận và lập kế hoạch chiến lược phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp duy trì sự tăng trưởng bền vững và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

CÙNG CHUYÊN MỤC