Hà Nội chi gần 700 tỷ đồng mở rộng tuyến đường nối Thạch Thất - Quốc Oai

Tỉnh lộ 446 nối Thạch Thất - Quốc Oai được Hà Nội chi gần 700 tỷ để nâng cấp, mở rộng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

 Một góc huyện Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ).  

Vừa qua, Bản Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Thạch Thất (UBND huyện Thạch Thất) đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 446 (TL 446) (đoạn Km0 + 00 - Km10 + 800).

Theo đó, Hà Nội đã đầu tư cải tạo TL 446 từ Km0+00-Km15+300 trên địa bàn huyện Thạch Thất, Quốc Oai theo tiêu chuẩn đường cấp V, rộng 7,5 m.

Đến nay, sau gần 10 năm đưa tuyến vào khai thác đã phát huy được hiệu quả đầu tư, song mặt đường còn nhỏ hẹp, nhiều vị trí đã xuống cấp, dọc tuyến chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống rãnh thoát nước dọc và hệ thống điện chiếu sáng..

Kết nối hai huyện Thạch Thất - Quốc Oai

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Thạch Thất (chủ đầu tư), chiều dài dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 446 (đoạn Km0+00 - Km10+800 huyện Thạch Thất) khoảng 10,8 km.

Điểm đầu nằm tại vị trí ranh giới Hà Nội - Hòa Bình, trên địa bàn xã Yên Trung, huyện Thạch Thất và điểm cuối nằm tại Km10+800 TL 446, vị trí ranh giới huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai, trên địa phận xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.

Về tổng diện tích sử dụng đất, dự án sẽ thực hiện công tác thu hồi vĩnh viển khoảng 14 ha đất thuộc địa phận các xã Tiên Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Thạch Thất. Trong đó, đất thổ cư khoảng 1 ha; đất phi nông nghiệp 4 ha; đất nông nghiệp 1,7 ha.

 Hướng tuyến dự án. (Ảnh chụp từ bản đồ Google vệ tinh).

Về hiện trạng, trong khu vực có địa hình bằng phẳng chủ yếu là vùng đất sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, hoa màu, ao, kênh mương và một số nhà dân.

Cùng với đó, khoảng 1,7 km đầu, tuyến đường chạy qua khu dân cư của xã Yên Trung. Hiện trạng mặt đường đoạn đầu tuyến đã xuống cấp, xuất hiện nứt nẻ, bong tróc, ổ gà, nhiều đoạn mặt đường có hiện trượng lão hóa.  

950 m tiếp theo, đoạn tuyến đi qua khu vực một bên dân, một bên ruộng đồng. Mặt đường bê tông nhựa, bề rộng mặt đường đường hiện trạng rộng 6,5 m.

Tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027

Về quy mô xây dựng, đây là công trình giao thông cấp III. Dự án nhóm B; cấp thiết kế đường cấp III. Tốc độ thiết kế 60 km/h (châm chước một số đoạn hạn chế ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng giảm tốc độ 40 km/h).

Đoạn đi ngoài khu vực phát triển đô thị từ Km0+00 đến khoảng Km6+350 (giao với đường Hồ Chí Minh quy hoạch) dài khoảng 6,3 km, chiều rộng mặt cắt ngang 21 m. Tốc độ thiết kế 80 km/h (châm chước một số đoạn hạn chế ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng giảm tốc độ 60 km/h).

Đoạn đi trong khu vực phát triển đô thị từ Km6+350 đến khoảng Km9+750 dài khoảng 3,4 km (giao với đường chính đô thị mới quy hoạch 50 m ), chiều rộng mặt cắt ngang 13 m. Tốc độ thiết kế 40 km/h. 

Đoạn đi trong khu vực phát triển đô thị từ Km9+750 đến Km10+800 dài khoảng 1,05 km, cải tạo chỉnh trang trên cơ sở chiều rộng mặt cắt hiện trạng trung bình rộng 7,5 m (đảm bảo hai làn xe). Tốc độ thiết kế 40 km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án này gần 700 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội. Về tiến độ, dự án sẽ thực hện bồi thường, hỗ trợ GPMB và thực hiện đầu tư từ quý II/2024 - 2026; bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2027.

Đón quy hoạch thành phố phía tây

Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, huyện Thạch Thất nằm trong khu vực quy hoạch thành phố phía tây Hà Nội.

Thành phố phía tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai. Trong đó, đô thị Hòa Lạc nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Thành phố này dự kiến được nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Tổng diện tích thành phố khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.

Cũng theo dự thảo trên, đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số khoảng 1,08 triệu người;  khu vực ngoại thị khoảng 116 km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Đơn vị hành chính bao gồm 16 phường và 8 xã.

Đô thị Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, có các trường đại học, có khu công nghệ cao, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ...

Quy hoạch hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội được xây dựng dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như QL 21, đường Hồ Chí Minh.

Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ nhân dân thủ đô và vùng phụ cận. Cùng với đó, khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như Núi Thoong, sông Tích, sông Bùi, hồ Đồng Sương, hồ Văn Sơn,... kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.