Hà Nội sẽ đưa sân bay phía nam vào quy hoạch, kiên định mục tiêu phát triển hai thành phố

Nhiều nội dung về quy hoạch Hà Nội đã được đưa ra tại Hội nghị thứ 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.

Sân bay mới ở phía nam sẽ kết nối thuận lợi với các cao tốc

Theo Cổng TTĐT Hà Nội, tại Hội nghị thứ 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố diễn ra sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã giải trình về các ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, có 57 ý kiến tham gia đóng góp vào các nội dung Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung đại biểu góp ý để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh quy hoạch.

Trong đó, thành phố sẽ rà soát tính toán cụ thể hơn về dự báo quy mô dân số, bao gồm cả tính toán số lượng sinh viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động không đăng ký tạm trú trên địa bàn...

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, làm sâu sắc hơn những nét đặc trưng văn hiến, văn minh, hiện đại; nghiên cứu tiếp trong chương trình phát triển đô thị đối với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; làm rõ 5 trục không gian phát triển chính của Thủ đô. 

 Một góc sa bàn mô phỏng quy hoạch Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Đối với việc nghiên cứu sân bay thứ hai, ông Dương Đức Tuấn cho biết, sở dĩ quy hoạch đưa vào nội dung này vì Quy hoạch cảng hàng không sân bay toàn quốc có xác định Hà Nội là thủ đô lớn, mà thủ đô lớn thì có hai sân bay được bố trí theo trục bắc - nam.
 
Vì vậy, sân bay thứ hai sẽ được nghiên cứu ở khu vực phía nam thành phố. Đây cũng là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.
 
Đối với các trục phát triển, thành phố nhất trí với ý kiến đại biểu cho rằng trục sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo tồn vừa phát triển, nhất là có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện nội dung trục phát triển bảo đảm thống nhất với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 

Kiên định với mục tiêu hai thành phố

 
Phát biểu kết luận tại hội nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), trên cơ sở kết quả thảo luận tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản thống nhất với định hướng nghiên cứu.
 
Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của đồ án, Bí thư Thành ủy đề nghị cần lưu ý 4 nhóm nội dung quan trọng gồm: Việc thống nhất thời hạn của đồ án; yêu cầu bám sát các nghị quyết, kết luận của trung ương; bảo đảm định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô và 5 trục phát triển.
 
Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy cho biết, hội nghị cơ bản tán thành với nội dung Đề cương.
 
Trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học dưới các hình thức, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương theo quy định, đặc biệt là công bố công khai để lấy ý kiến của nhân dân Thủ đô.
 

Hai thành phố tại phía bắc và phía tây

Trước đó, dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đưa ra lấy ý kiến hồi cuối năm 2022 có nhận định việc xây dựng mô hình thành phố trong thành phố là cần thiết.

Dự thảo đề xuất rà soát đánh giá lại hệ thống đô thị toàn quốc, chiến lược phát triển trong các giai đoạn để có các đề xuất cho mô hình đô thị Hà Nội trong mối quan hệ chung với hệ thống đô thị toàn quốc và khu vực.

Quy hoạch sẽ nghiên cứu mô hình phát triển “thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía bắc, kết nối với hai thành phố lân cận phía bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) để hình thành “trung tâm của ba trung tâm” - ba cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng Quy hoạch vùng Thủ đô (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Ninh).

Đồng thời, nghiên cứu mô hình phát triển “thành phố thuộc Thủ đô” tại khu vực phía tây. Tại khu vực đô thị Hòa Lạc, cùng với các đô thị vệ tinh khác (Sơn Tây, Xuân Mai) được phát triển theo hướng hình thành chuỗi đô thị tuyến tính theo đường 21 có tính chất văn hóa (Sơn Tây), giáo dục và đào tạo (Hòa Lạc, Xuân Mai).

Đô thị Hòa Lạc kết nối với đô thị Xuân Mai và khu vực để hình thành định hướng phát triển thành phố phía Tây Thủ đô có tính chất Khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và dịch vụ.

Nghiên cứu mô hình phát triển các huyện thành quận, các xã thành phường theo tính chất hệ sinh thái, đặc điểm kinh tế - xã hội, hình thái tự nhiên và đặc thù riêng của thành phố.

Lấy trục sông Hồng làm trung tâm phát triển, mở rộng đô thị trung tâm ra hướng tây

Liên quan đến các trục phát triển, dự thảo đề xuất nghiên cứu lấy trục sông Hồng là trục xanh, làm trung tâm phát triển, phát triển cân đối không gian đô thị hai bên bắc - nam sông Hồng; phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển và hoàn chỉnh đô thị trung tâm.

Định hướng cơ bản khu vực hành lang xanh sông Hồng, sông Đuống là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục hồ Tây - Cổ Loa, tạo trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội.

Dự thảo cũng đề xuất nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Nghiên cứu định hướng phát triển mở rộng khu vực đô thị trung tâm để phát huy hiệu quả sử dụng đất hai bên tuyến Vành đai 4 (mở rộng thêm sang phía Tây), và các tuyến cao tốc. Tại đây sẽ ưu tiên quỹ đất (mở rộng) nêu trên để bổ sung cho sự thiếu hụt về hạ tầng đầu mối (giao thông, bến bãi xe, nhà ga ĐSĐT, nơi áp dụng mô hình TOD.... đầu mối, điểm/tuyến cao tốc và các nút dọc Vành đai 4, Vành đai 5), tăng không gian xanh, công cộng (sở hữu công), dịch vụ - thương mại ngầm, nổi (sở hữu tư).

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất đánh giá tiềm năng của một số huyện (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh) của Hà Nội gắn với định hướng phát triển thành quận trong giai đoạn tới.