Huyện ngoại thành Hà Nội thu gần 700 tỷ từ 3 phiên đấu giá đất

Buổi đấu giá 40 thửa đất mới đây ở huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đã thu về gần 125 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, sau 3 phiên chợ đất trên địa bàn, tổng số tiền huyện này thu về cho ngân sách khoảng 694 tỷ đồng.

Phiên đấu giá 40 thửa đất ngày 21/10. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Thường Tín). 

Ngày 21/10 vừa qua đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng 40 thửa đất ở tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Các thửa này có diện tích 128 - 265 m2/thửa, giá khởi điểm gần 3,9 triệu đồng/m2, tiền đặt trước khoảng 97 - 205 triệu đồng/thửa. 

Theo Cổng Thông tin điện tử huyện Thường Tín, phiên đấu giá có sự tham gia của 199 khách hàng. UBND huyện đã hoàn thành đấu giá được 19/40 thửa đất với diện tích khoảng 3.028/6.530 m2.

Buổi làm việc kéo dài 16 tiếng với 15 vòng đấu, giúp địa phương thu về cho Nhà nước gần 125 tỷ đồng. Tổng số tiền thu chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu thực của 19/40 thửa đất là hơn 112,6 tỷ đồng.   

Tính từ đầu năm đến ngày 22/10, sau 3 phiên tổ chức đấu giá đất ở (tại các xã Tô Hiệu, Dũng Tiến, Vạn Điểm và thị trấn Thường Tín), tổng số tiền huyện này thu về cho ngân sách khoảng 694 tỷ đồng. 

Trước đó vào ngày 2/8, phiên đấu giá 13 thửa đất tại các xã Dũng Tiến và Tô Hiệu của huyện Thường Tín ghi nhận giá trúng cao nhất ở mức 39,2 triệu đồng/m2.

Theo tìm hiểu của người viết, mức giá này thuộc về thửa đất ký hiệu A1, có vị trí góc, diện tích 107,1 m2 ở thôn Cổ Chất, xã Dũng Tiến. Như vậy, thửa này được đấu trúng với giá gần 4,2 tỷ đồng, vượt hơn 170% so với giá ban đầu.   

Giá trúng thấp nhất đạt 24,6 triệu đồng/m2, thuộc về thửa đất số 1 (rộng 150,6 m2) ở khu Ao Vuông, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, tức hơn 3,7 tỷ đồng. 

Phiên đấu diễn ra bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp theo phương thức trả giá lên. Các thửa có diện tích khoảng 90,4 - 177,2 m2. Tiền đặt trước dao động 260 - 553 triệu đồng/thửa.  

Có mặt tại Trung tâm Văn hoá thông tin và thể thao huyện Thường Tín ngày 2/8, môi giới T. nói với người viết: "Một vài thửa trong số này trước đây đã từng được đem ra đấu giá, tuy nhiên sau đó bị người đấu trúng bỏ cọc. Với mặt bằng giá trúng phần lớn vượt 30 triệu/m2, thậm chí có thửa gần 40 triệu/m2 thì tôi thấy quá cao so với giá trị thực". 

Chị H., người dân địa phương đến xem đấu giá đất chia sẻ: "Tôi thấy khu vực đấu giá ở nơi dân cư khá thưa thớt, không mấy tấp nập, xung quanh chủ yếu là đồng ruộng, chưa có nhiều hạ tầng tiện tích. Đầu tư thì khó ra hàng, còn nếu để ở sinh hoạt thì cũng không tiện. Đất ngõ trong thôn làng thôi mà giá trúng nhiều lô đã quanh ngưỡng 4 tỷ là quá cao.

Luật mới được áp dụng từ ngày 1/8 đã siết chặt hơn các hoạt động phân lô, tách thửa. Các thửa đấu đều có diện tích lớn (trên 90 m2), nếu chia nhỏ để bán cho dễ mua thì vướng thủ tục, không đảm bảo diện tích tối thiểu sau khi tách. Còn nếu để cả thửa thì lại khó giao dịch".     

Dưới góc độ chuyên gia, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận trong quý III, câu chuyện đấu giá đất trở nên “nóng" hơn bao giờ hết. Mức giá trúng cao kỷ lục, ngang ngửa đất dự án đã được đầu tư hạ tầng bài bản.

Theo bà Miền, khi luật mới quy định siết phân lô bán nền, các sản phẩm đất nền đang dần khan hiếm. Dự báo thời gian tới, đất đấu giá tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân do pháp lý đảm bảo và mức giá khởi điểm thấp.