Kế hoạch niêm yết thập kỷ tại Âu Lạc của doanh nhân Ngô Thu Thúy
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 02/09/2024 09:25
- Hoàng Linh
Âu Lạc kinh doanh ra sao?
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, CTCP Âu Lạc trở thành công ty đại chúng từ ngày 6/8/2007. Tuy nhiên, công ty không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán. Với hành vi trên, công ty vừa bị xử phạt với số tiền nêu trên.
Mặc dù chưa niêm yết, công ty do nữ doanh nhân Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị không còn xa lạ với nhà đầu tư chứng khoán với khẩu vị ưa thích nhóm ngân hàng.
Theo dõi hoạt động cho thấy, Âu Lạc từng rót hàng trăm tỷ đồng đầu tư cổ phiếu ACB, EIB. Thông qua pháp nhân này và một số đầu mối khác, nhóm đại diện là bà Ngô Thu Thúy từng là cổ đông lớn của Eximbank.
Chưa hết, hai nhân sự từng liên quan đến Âu Lạc như ông Lê Minh Quốc, ông Nguyễn Thanh Tùng đã tham gia HĐQT của Eximbank. Trong khi đó bà Ngô Thu Thúy làm cố vấn cấp cao HĐQT của ngân hàng trên vào năm 2015.
Ở mảng chứng khoán, đơn vị này là cổ đông sáng lập của Chứng khoán Âu Lạc (tiền thân của Chứng khoán Phú Hưng) khi góp vốn 5 tỷ đồng, chiếm 10% vốn. Sau đó Chứng khoán Âu Lạc tăng vốn lên và đổi tên thành Chứng khoán Phú Hưng, Âu Lạc không tham gia kế hoạch tăng vốn do đánh giá hoạt động của cả công ty chứng khoán hiệu quả không cao.
Tuy nhiên, cập nhật đến cuối tháng 6/2024, Âu Lạc đã tất toán toàn bộ danh mục đầu tư sau khi bán hết cổ phần của ngân hàng ACB nửa đầu năm. Quyết định chốt lời ACB đem lại lợi nhuận cho công ty khoảng 9 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào công ty chứng khoán cũng không còn ghi nhận trên báo cáo tài chính.
Kinh doanh khởi sắc nửa đầu năm, cộng với thanh lý, bán tài sản, tất toán danh mục đầu tư chứng khoán giúp Âu Lạc có lượng tiền mặt gần 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, khoản mục tiền và tương đương tiền ghi nhận tại ngày 30/6 là 984,7 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản của hãng vận tải biển này.
Điểm qua về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2024 Âu Lạc ghi nhận doanh thu hoạt động gần 796 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí, công ty báo lãi trước thuế 213,6 tỷ đồng, tăng 83,2%. Kết quả này đã vượt xa kế hoạch lãi trước thuế 187 tỷ đồng được cổ đông thông qua.
Vì sao Âu Lạc trì hoãn lên sàn dù cổ đông liên tiếp ý kiến?
Trở lại với câu chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán của Âu Lạc, công ty hiện có 777 cổ đông. Trong đó lượng lớn cổ phần được sở hữu bởi các cổ đông lớn.
Bà Ngô Thu Thúy cùng chồng là ông Nguyễn Đức Hinh không sở hữu cổ phần tại Âu Lạc nhưng hai con là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny sở hữu lần lượt 12,81% và 9,82% vốn cổ phần công ty. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cũng góp vốn vào Âu Lạc với tỷ lệ sở hữu 3,3%.
Sau khi đại chúng hóa thành công, Âu Lạc từng có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Song, kế hoạch này bị trì hoãn nhiều năm qua và trở thành chủ đề nóng trong hơn 10 năm qua mỗi khi công ty tổ chức đại hội đồng cổ đông.
Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức tháng 7/2012, lãnh đạo Âu Lạc trả lời cổ đông sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán niêm yết trong ngay trong năm.
Ở đại hội 2014, công ty cho biết việc chậm đưa cổ phiếu lên sàn do HĐQT nghiên cứu tất cả yếu tố khách quan và chủ quan cho thấy 2013 chưa thuận lợi và phải có thời gian chuẩn bị tổ chức bộ máy cho thích hợp để lên sàn. Theo đánh giá, 2014 là thời điểm thích hợp để lên sàn.
Tới đại hội 2016, cổ đông lại đưa chủ đề này ra chất vấn. Lãnh đạo Âu Lạc nhận định thời điểm đó không thích hợp để niêm yết HOSE, HNX. Thời điểm đó, các công ty cùng ngành với vốn lớn hơn Âu Lạc nhưng lợi nhuận thấp, cổ tức thấp. Công ty sẽ cân nhắc lên sàn khi tiềm lực đủ mạnh về tài sản, nhân sự và quản lý sao cho có lợi nhất.
Một năm sau đó, tại đại hội đồng cổ đông, kế hoạch niêm yết được lãnh đạo chia sẻ cụ thể hơn. Công ty chưa niêm yết trong năm 2016 do đang từng bước thực hiện chiến lược lên sàn sao cho khi niêm yết phải thu hút được nhiều nhà đầu tư và đạt được kỳ vọng của thị trường. Lãnh đạo Âu Lạc đánh giá vốn chưa đạt được mức cao.
“Trong năm 2016, tài sản công ty được nâng lên hơn 2.100 tỷ đồng. Xin cổ đông kiên nhẫn thêm một thời gian để khi lên sàn công ty được xếp vào hạng bluechip. Việc lên sàn là mong muốn chung của các cổ đông cũng như HĐQT, hiện nay HĐQT đã đi được 2/3 quãng đường, tạo lợi nhuận ổn định, tạo tài chính tốt”, biên bản đại hội đồng cổ đông năm 2017 ghi.
4 năm sau đó, giải trình về kế hoạch niêm yết tại đại hội cổ đông 2021 tổ chức vào giữa năm, lãnh đạo Âu Lạc cho biết công ty cần các nhà đầu tư lớn tham gia vào. Với mục đích lên sàn để giá cổ phiếu được nâng cao thì công ty cần cân nhắc việc lên sàn hay không. HĐQT cho biết đã cân nhắc khó khăn lớn khi đó là sự cố AFT và đại dịch COVID-19.
Nói thêm, công ty chia sẻ đang phát triển một số ngành xoay quanh các dự án chiến lược, khi đó lên sàn có sức bật lớn và đem lại giá trị cho cổ đông tốt hơn.
Sang năm 2022, việc niêm yết bị trì hoãn do công ty đánh giá vừa trải qua giai đoạn khó khăn sau sự cố tàu Aulac Fortune và đang có chiến lược phát triển. Âu Lạc sẽ chọn thời điểm thích hợp để niêm yết và thuận lợi nhất để thực hiện, song không hướng đến một mốc thời gian cụ thể. Đồng nghĩa rằng, cổ đông vẫn chưa biết khi nào công ty sẽ niêm yết.