Kinh tế trưởng SSI phân tích tác động thuế quan Mỹ và lời khuyên cho nhà đầu tư thời điểm này
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 03/04/2025 10:17
- Xuân Nghĩa
46% chưa phải mức thuế áp dụng chính thức
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế nhập khẩu lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc nhóm cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được ông Trump ký ngày 2/4 (giờ Mỹ).
Theo ông Hưng, những thông tin ban đầu vẫn chưa rõ ràng. Ví dụ như thời điểm áp dụng, mức thuế cơ bản 10% từ ngày 5/4, thuế đối ứng theo thông tin là ngày 9/4, nghĩa là 1-2 tuần nữa mới diễn ra. Danh sách mặt hàng cũng chưa chi tiết.
Về tính bất ngờ, vị chuyên gia này cho rằng là không. Cách đây vài ngày, đại diện thương mại Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá ước tính thương mại quốc gia, trong đó đã liệt kê khoảng 60 quốc gia trên thế giới, cùng các rào cản thuế quan, phi thuế quan của họ. Từ đó, thị trường đã nắm được số lượng các quốc gia chịu tác động của đợt áp thuế quan mới.
Nếu tính một cách đơn giản, con số ảnh hưởng đến Việt Nam là khoảng 1-1,5% GDP. Ông Hưng cho rằng mức này sẽ cao hơn. Tuy nhiên, con số không quá ý nghĩa, do vấn đề thuế không chỉ ảnh hưởng đến 60 quốc gia, bao gồm Việt Nam, mà cả thế giới. Từ đó, suy thoái kinh tế là khó tránh khỏi. Việc tính toán cần nhìn ở góc độ rộng hơn.
"Mức ảnh hưởng có thể so sánh với các đợt suy thoái kinh tế thế giới trong quá khứ hay giai đoạn dịch COVID-19", ông Hưng nhận định.
Con số 46% đối với Việt Nam hay 54% đối với Trung Quốc là mức trần để đàm phán với Mỹ về các chính sách, sau đó có thể giảm xuống. Điều này có nghĩa các con số này không phải là mức thuế sẽ áp dụng mãi mãi.
Việt Nam là một trong những quốc gia thời gian qua đã tích cực làm việc, thể hiện thiện chí trong việc xử lý mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mức thuế với Việt Nam có thể không phải 46%, mà thấp hơn, thậm chí chỉ 10%. Tổng quan, ảnh hưởng đến Việt Nam là thấp. Và giống như những cuộc chiến tranh thương mại trước, Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi sau cùng.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, chia sẻ nhận định về việc Mỹ áp thuế Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).
Khối ngoại có thể xem xét giải ngân trở lại
Ở góc độ nhà đầu tư, qua trao đổi với một số nhà đầu tư nước ngoài, ông Hưng cho biết thời gian qua họ vẫn đang trong tâm thế chờ đợi. Khi rủi ro về thuế quan đã thể hiện, có phần tiêu cực, thì khối này đã bắt đầu xem xét đầu tư lại vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan sát thị trường, nếu cổ phiếu về vùng giá phù hợp họ sẽ giải ngân.
So với thời điểm chiến tranh thương mại 2018, P/E có lúc 23-24 lần thì bây giờ chỉ bằng một nửa. Ở góc độ nhà đầu tư dài hạn, họ sẽ đánh giá lại định giá của Việt Nam.
Một cách trùng hợp, ngày 8-9/4 là thời điểm FTSE Russell công bố đánh giá nâng hạng thị trường Việt Nam.
Tác động đến các nhóm ngành
Bàn về các nhóm ngành chịu ảnh hưởng, ông Hưng cho biết thủy hải sản đang bị hai vấn đề cùng lúc. Mức thuế quan lên cao không khác gì thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, các lựa chọn khác để nhập khẩu của Mỹ cũng không quá nhiều.
Các mặt hàng của Việt Nam cũng không phải cao cấp, độ co giãn của cầu không lớn. Do đó, ảnh hưởng đến thủy hải sản không quá cao.
Tổng quan, tác động của thuế quan chưa rõ ràng, hoặc có thể chỉ ngắn hạn trong tháng 4, qua tháng 5 tình hình có thể khác.
Nếu Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách kích cầu nội địa và tăng đầu tư công, tăng trưởng GDP năm nay đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài, mức ảnh hưởng đến doanh thu các doanh nghiệp niêm yết từ câu chuyện thuế có thể chỉ khoảng 20%.
Fed có thể chậm cắt giảm lãi suất
Một vấn đề quan trọng nữa trong bối cảnh hiện tại là Fed có thể chậm việc cắt giảm lãi suất.
Theo ông Hưng phân tích, từ việc áp thuế, giá cả có thể phản ánh vào lạm phát. GDP của Mỹ có khả năng cao sẽ âm trong quý I. Rủi ro suy thoái của nước này là hiện hữu. Đây là điều chính quyền ông Trump không mong muốn.
Về phía Việt Nam, việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá lúc này khá khó. Tuy nhiên, ông kỳ vọng vẫn còn dư địa để sử dụng.
Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?
Bàn về đầu tư, ở thời điểm hiện tại, ông Hưng nhận định trên thế giới sẽ có chung xu hướng, đó là thay vì tăng trưởng, sẽ chọn yếu tố giá trị để mua cổ phiếu và chờ đợi. Giá trị ở đây liên quan đến định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế tăng hay giảm...
Theo đó, nhà đầu tư có thể mua các cổ phiếu này và chờ đợi câu chuyện tăng trưởng trở lại, sau khi câu chuyện thuế quan kết thúc.
Điều này có nghĩa xu hướng đầu tư quay về phòng thủ nhiều hơn, cổ phiếu ít biến động hơn từ các chính sách.