KQKD ngành chứng khoán quý IV/2024: 6 công ty lãi nghìn tỷ cả năm
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 21/01/2025 14:07
- Xuân Nghĩa
Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) công bố BCTC quý IV/2024 với doanh thu hoạt động 1.212 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm 47% về 606 tỷ đồng. Doanh thu nghiệp vụ môi giới và doanh thu nghiệp vụ lưu ký giảm 34% và 7%. Ngược chiều, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 20%, đạt 317 tỷ đồng.
Lỗ từ FVTPL và chi phí môi giới chứng khoản giảm lần lượt 4% và 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động vẫn tăng 31% lên 630 tỷ đồng. Điều này đến từ việc quý IV/2023 công ty hoàn nhập chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất, các khoản phải thu khó đòi, lỗ suy giảm trên tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay số tiền 112 tỷ đồng.
Do đó, dù đã thu hẹp 34 - 35% chi phí tài chính và chi phí quản lý, VNDirect vẫn báo lãi sau thuế quý IV/2024 giảm 69% so với cùng kỳ, ghi nhận 251 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 5.324 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.718 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 15% so với thực hiện 2023. Công ty thực hiện 85% so với kế hoạch lãi sau thuế.
Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) báo lãi sau thuế quý IV/2024 đạt 218 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết trong kỳ đã thực hiện hóa một số khoản đầu tư nên doanh thu bán tài sản FVTPL tăng 12%. Bên cạnh đó, ở hoạt động cho vay margin, doanh thu cho vay đạt 252 tỷ đồng tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán VPBank (VPBankS) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với lãi sau thuế 303 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2024, doanh thu hoạt động ở mức hơn 669 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Lãi từ FVTPL đạt hơn 377 tỷ đồng và chiếm 56% doanh thu hoạt động. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt gần 226 tỷ đồng, đóng góp khoảng 34% doanh thu hoạt động. Cả năm 2024, VPBankS ghi nhận 975 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 3% so với thực hiện 2023.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) cũng báo lãi trăm tỷ quý cuối năm. Cụ thể, lãi sau thuế quý IV/2024 đạt 282 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. SHS đánh giá thị trường thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2024, doanh thu hoạt động đạt 551 tỷ đồng, trong khi cũng kỳ năm trước ghi âm 10 tỷ đồng. Lãi từ FVTPL đạt 349 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi âm 231 tỷ đồng. Cả năm, SHS tham gia nhóm báo lãi nghìn tỷ với lãi sau thuế đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 81% so với kết quả năm 2023.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận lãi sau thuế quý IV/2024 giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, về 31 tỷ đồng. KBSV cho biết trong kỳ, thị trường chứng khoán giao dịch với khối lượng và giá giao dịch thấp, các doanh thu từ hoạt động môi giới, lãi HTM, lãi từ kinh doanh giấy tờ có giá đều giảm. Doanh thu hoạt động giảm 29% về 205 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động giảm ít hơn so với doanh thu (giảm 21%). Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng do công ty đang đầu tư vào công nghệ thông tin, quảng cáo, truyền thông cho các ứng dụng giao dịch mới.
Chứng khoán SSI (Mã: SSI) công bố báo cáo tài chính riêng quý IV/2024 với doanh thu hoạt động đạt 2.061 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ FVTPL chiếm 1,042 tỷ đồng (tăng 4%), lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 571 tỷ đồng (tăng 30%), doanh thu môi giới gần 320 tỷ đồng (giảm 14%)…
Chi phí hoạt động quý IV/2024 tăng 24% so với cùng kỳ, ghi nhận 1.111 tỷ đồng. SSI ghi nhận lãi sau thuế 367 tỷ đồng, giảm 25%. Dù vậy, cả năm, công ty mẹ vẫn báo lãi sau thuế tăng 23% so với 2023, đạt 2.680 tỷ đồng.
Chứng khoán VIX (Mã: VIX) ghi nhận lãi sau thuế quý IV/2024 của công ty mẹ giảm 41% so với cùng kỳ về 112 tỷ đồng. Theo VIX, thị trường chứng khoán quý cuối năm chưa có sự chuyển biến tích cực, thanh khoản giảm, dẫn đến hoạt động tự doanh bị ảnh hưởng đáng kể (lãi đóng góp của hoạt động tự doanh trong quý IV/2024 giảm 93% so với cùng kỳ).
CTCP Chứng khoán BIDV (BSC - Mã: BSI) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu hoạt động đạt 315,7 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ FVTPL đạt 93,1 tỷ đồng, tăng 81%, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 126,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý IV/2023.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của BSC đạt 1.410 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu lãi FVTPL đạt 494 tỷ đồng, tăng 13%; doanh thu từ các khoản cho vay và phải thu đạt 505 tỷ đồng, tăng 13%; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 299 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lãi trước thuế đạt 515,7 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện 2023.
Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC - Mã: HCM) ghi nhận doanh thu quý IV/2024 tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1.182 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 473 tỷ đồng, tăng 37%; lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng 59% lên 510 tỷ đồng; doanh thu môi giới cũng tăng 6% lên 187 tỷ đồng.Chi phí hoạt động quý IV/2024 gấp rưỡi lên 793 tỷ đồng.
Theo đó, HSC ghi nhận lãi sau thuế 227 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.Lãi trước thuế và lãi sau thuế cả năm đạt 1.296 tỷ đồng và 1.040 tỷ đồng, 54% so với thực hiện 2023.
Con số lãi tương đối sát với Tổng Giám đốc HSC Trịnh Hoài Giang dự phóng tại cuộc họp cổ đông bất thường hồi đầu tháng 12/2024 (lãi trước thuế trên 1.300 tỷ đồng).
Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) công bố báo cáo tài chính riêng quý IV/2024 với lãi sau thuế 71 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả này phần lớn đến từ mảng tự doanh và thu nhập hoạt động khác tăng.Một công ty trong hệ sinh thái của ngân hàng khác là VCBS cũng vừa công bố kết quả kinh doanh. Cụ thể, lãi sau thuế quý IV/2024 giảm 11% so với cùng kỳ về 90 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lãi từ tài sản FVTPL.
Chứng khoán Thành Công (TCSC - Mã: TCI) ghi nhận lỗ sau thuế 880 triệu đồng trong quý cuối năm 2024, trong khi cũng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Theo giải trình, tổng doanh thu tăng 17% nhưng tổng chi phí tăng đến 69%. Cả năm 2024, TCSC báo lãi sau thuế 45 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2023.
Chứng khoán SBB (SBBS) báo lỗ hơn 2,1 tỷ đồng quý cuối năm, sâu hơn mức 1,4 tỷ đồng của quý IV/2023. Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 44% đến từ thu hẹp doanh thu cho vay margin và doanh thu môi giới. Như vậy, SBBS đã quay lại lỗ sau hai quý có lãi. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2024 gần 263 tỷ đồng.
Chứng khoán APEC (Mã: APS) cũng lỗ quý cuối năm. Cụ thể, lỗ sau thuế quý IV/2024 ghi nhận trên 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 12 tỷ đồng. Như vậy, công ty này quay lại lỗ sau ba quý liên tiếp có lãi.
APEC cho biết nguyên nhân chủ yếu từ ảnh hưởng chung của thị trường chứng khoán trong quý IV/2024 khiến doanh thu tự doanh giảm 43%, lỗ từ FVTPL tăng 130% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu hoạt động giảm 37% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty còn tăng trích lập dự phòng các khoản đầu tư khiến chi phí hoạt động tăng mạnh.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) ghi nhận lãi sau thuế quý IV/2024 gần 24 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết doanh thu hoạt động môi giới giảm 21%, lãi từ các khoản HTM giảm 56%. Trong khi đó, chi phí hoạt động môi giới giảm 18%.
Một đơn vị vốn ngoại khác là Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng vừa công bố kết quả kinh doanh. Trong đó, doanh thu hoạt động quý IV/2024 đi ngang ở 149 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí quản lý tăng lần lượt 12% và 29%. Công ty giải trình trong kỳ đã đẩy mạnh hoạt động môi giới và giao dịch ký quỹ dẫn đến chi phí môi giới tăng. Từ đó, lãi sau thuế giảm 48% so với cùng kỳ về gần 16 tỷ đồng.
Quý IV/2024, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) ghi nhận 933 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết thúc năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.802 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2023, vượt 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nhờ thị phần mở rộng, mảng môi giới và lưu ký chứng khoán của TCBS đã ghi nhận những kết quả đi lên trong quý cuối năm, với thu nhập thuần đạt 68 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả năm 2024, thu nhập thuần từ mảng này đạt 211 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Chứng khoán LPBank (LPBS) đạt hơn 40 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý cuối năm 2024, bỏ xa con số chưa đến 3 tỷ đồng của cùng kỳ (gấp 15 lần). Theo giải trình, công ty cho biết đã hoàn tất tăng vốn vào tháng 4 năm trước, qua đó hỗ trợ doanh thu hoạt động quý IV tăng mạnh, trong khi chi phí tăng chậm hơn.
FPTS (Mã: FTS) có lãi quý IV/2024 gấp 4 lần cùng kỳ, đạt 160 tỷ đồng. Nguyên do chủ yếu là đánh giá lại tài sản tài chính (cụ thể là cổ phiếu MSH).
Chứng khoán Everest (Mã: EVS) đạt 13 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý cuối năm, bỏ xa con số chỉ 81 triệu đồng của quý IV/2023. Tương tự, công ty này cũng ghi nhận trong quý IV/2024, giá cổ phiếu trong danh mục tự doanh tăng đến đến hiệu quả đi lên.
PineTree cũng là một đơn vị tăng lãi bằng lần. Cụ thể, lãi sau thuế quý IV/2024 đạt gần 14 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc ghi nhận doanh thu tăng 42% đến từ sự ổn định của thị trường và những chính sách hỗ trợ kinh doanh (của công ty). Chi phí tăng chậm hơn, ở mức 23%.
Chứng khoán Agriseco (Mã: AGR) ghi nhận lãi sau thuế quý IV/2024 trên 43 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình, lãi tăng đến từ kết quả tự doanh cổ phiếu khởi sắc, đồng thời tăng thu hồi nợ xấu.
Chứng khoán Smart Invest (Mã: AAS) báo lãi quý IV/2024 tăng 82% so với cùng kỳ, đạt trên 7 tỷ đồng, đến từ thu hẹp đáng lỗ các khoản đầu tư FVTPL, từ 70 tỷ đồng về 9 tỷ đồng.
Chứng khoán Kafi công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu 340 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chiếm 216 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay và phải thu 95 tỷ đồng. Theo Kafi, doanh thu tăng đến từ việc mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư tài chính sau các đợt tăng vốn trong ba năm qua.
Công ty báo lãi sau thuế trên 86 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là quý có kết quả tốt nhất lịch sử hoạt động. Cộng với 9 tháng đầu, Kafi ghi nhận lãi sau thuế năm 2024. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục của Kafi.
Lợi nhuận quý IV/2024 của VietinBank Securities (Mã: CTS) đạt 58 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đến từ giảm chi phí hoạt động. Trong đó chi phí nghiệp vụ môi giới giảm 32%. Ngoài ra, công ty còn thực hiện hoàn nhập chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản cho vay gần 13 tỷ đồng.
Cả năm 2024, VietinBank Securities đạt lãi sau thuế 231 tỷ đồng, cao hơn 24% so với cùng năm 2023.
Quý IV/2024, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC - Mã: BVS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 34 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Theo BVSC, do diễn biến thị trường không thuận lợi, giá trị giao dịch toàn thị trường giảm làm doanh thu và lợi nhuận đi xuống.
Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế quý IV/2024 lần lượt 17 tỷ đồng và gần 4 tỷ đồng, giảm lần lượt 33% và 61% so với cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết thị trường chứng khoán có nhiều biến động, nhà đầu tư còn e ngại trong việc đưa ra quyết định đầu tư, mảng tự doanh cũng hạn chế hơn dẫn đến doanh thu giảm so với quý IV.2023.
AseanSc công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với lãi sau thuế 56 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Theo giải trình, tổng doanh thu và thu nhập trong kỳ giảm 9% do giảm lãi từ các khoản đầu tư HTM. Trong khi đó, tổng chi phí chỉ giảm 6%, chủ yếu từ chênh lệch đánh giá lại FVTPL.
Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam (PBSV) tiếp tục báo lỗ trong quý cuối năm 2024, với hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 216 triệu đồng. Nguyên do là doanh thu không đủ bù chi phí. Trong đó, chi phí quản lý chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 4 tỷ đồng trong quý IV/2024. Cả năm, công ty này lỗ gần 6 tỷ đồng.
Chứng khoán Phú Hưng (Mã: PHS) lỗ quý thứ ba liên tiếp, với 1,3 tỷ đồng trong quý IV/2024. Nguyên do đến từ tổng doanh thu giảm 38%, trong khi tổng chi phí giảm 27%. Tuy vậy, nhờ đầu năm, công ty vẫn báo lãi sau thuế 2024 trên 100 triệu đồng.
Tham gia danh sách báo lỗ còn có Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV). Công ty ghi lỗ sau thuế 317 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 7 tỷ đồng. Kết quả tiêu cực này do lãi khoản HTM và doanh thu hoạt động cho vay giảm. Trong khi đó, chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí quản lý tăng 36% do công ty có sự thay đổi về nhân sự và đang trong quá trình đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất mới.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC - Mã: VDS) công bố báo cáo tài chính riêng quý IV/2024 với lỗ sau thuế gần 21 tỷ đồng. Theo công ty giải trình, thanh khoản bình quân phiên trong quý cuối năm chỉ đạt 16.742 tỷ đồng, thấp nhất trong 4 quý và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Những biến động bất lợi của thị trường đã tác động đến doanh thu ở hầu hết các mảng kinh doanh của VDSC, nhất là ở tự doanh và môi giới. Việc thực hiện đánh giá lại lại các khoản đầu tư cuối kỳ đã làm giảm doanh thu và tăng chi phí dự phòng. Đây lã nguyên nhân chính khiến công ty lỗ quý IV/2024.
Chứng khoán VPS có kết quả đột biến trọng quý cuối năm. Cụ thể, doanh thu hoat động đạt 1.544 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với 1.589 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu hoạt động, mảng môi giới hoạt động đạt 618,3 tỷ đồng, giảm so với mức 808 tỷ đồng cùng kỳ do thanh khoản của thị trường sụt giảm. Ở chiều ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng từ 335,9 tỷ đồng lên 458,2 tỷ đồng.
Ở mảng tự doanh, lãi từ FVTPL là 278,2 giảm 10% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh doanh thu hoạt động giảm nhẹ, chi phí hoạt động của VPS thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 603,9 tỷ đồng, trong khi quý IV/2023 là 1.052 tỷ đồng. Nguyên nhân là lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL giảm từ gần 298 tỷ đồng còn hơn 3 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cấu trúc chi phí là chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán, ghi nhận gần 525 tỷ đồng.
Kết quả từ nguồn thu đột biến và chi phí hoạt động giảm sâu, VPS báo lãi trước thuế 1.052 tỷ đồng quý vừa qua, gấp hơn 4 lần kết quả quý III/2024. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục của VPS ghi nhận trong một quý.
Sau khi trừ đi thuế thu nhập doanh nghiệp, VPS báo lãi ròng 837,3 tỷ đồng, tăng 329% so với cùng kỳ 2024. Lũy kế cả năm 2024, VPS ghi nhận lãi trước thuế đạt 3.156,6 tỷ đồng, tăng 278,6% so với năm 2023.
CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu hoạt động 758 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng cho vay và phải thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 268 tỷ đồng, tăng 22%. Doanh thu nghiệp vụ môi giới giảm 23% về 131 tỷ đồng.
Ở mảng tự doanh, lãi từ FVTPL chiếm 298 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Tuy vậy, chi phí hoạt động quý cuối năm gấp đôi cùng kỳ lên 331 tỷ đồng. Mức tăng này chủ yếu từ tăng lỗ tài sản FVTPL (gấp 7 lần cùng kỳ). Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí quản lý cũng tăng 31% và 11%.
MBS ghi nhận lãi trước thuế 207 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi chưa thực hiện gần 9 tỷ đồng và lợi nhuận đã thực hiện 198 tỷ đồng. Lãi sau thuế giảm 4% so với quý IV/2023 về 165 tỷ đồng.
Cả năm 2024, MBS đạt doanh thu hoạt động 3.120 tỷ đồng và lãi sau thuế 743 tỷ đồng, tăng lần lượt 72% và 27% so với kết quả năm trước.
Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, Chứng khoán UP (UPS) công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024 với doanh thu hoạt động gần 12 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Sự chuyển biến này chủ yếu từ doanh thu nghiệp vụ môi giới và lãi từ các tài sản ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đều gấp ba lần cùng kỳ, đạt lần lượt 7,6 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động gấp rưỡi cùng kỳ lên 3,8 tỷ đồng, phần lớn từ chi phí mảng môi giới và tư vấn tài chính. UPS báo lãi sau thuế quý IV/2024 hơn 1,5 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ cùng kỳ và cải thiện đáng kể so với quý III/2024 liền trước - lỗ 4,6 tỷ đồng.
Cả năm, lãi sau thuế của UPS đạt 9 tỷ đồng, bỏ xa con số 628 triệu đồng đạt được vào 2023 (gấp 14 lần) và cao nhất kể từ khi công bố thông tin báo cáo tài chính (2007).
Kết quả này chủ yếu đến từ việc thực hiện hoàn nhập chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ khác trong quý II/2024, với số tiền 11 tỷ đồng. Lãi sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2024 của UPS đạt trên 24 tỷ đồng.
Tăng trưởng lãi trong quý IV/2024 còn có DongASecurities, với mức tăng lợi nhuận 44% so với cùng kỳ năm trước, lên 360 triệu đồng. Dù vậy, lũy kế cả năm, công ty báo lãi giảm 41% về dưới 3 tỷ đồng.
Một số trường hợp chuyển lỗ sang lãi như Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) và Chứng khoán ASAM. Tăng trưởng của JBSV đến từ lãi các khoản phải thu và cho vay. Trong khi đó, lợi nhuận quý IV/2024 của ASAM khởi sắc đến từ việc không phát sinh lỗ bán tài sản tài chính hay khoản trích lập dự phòng như cùng kỳ.
Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam (GTJA) và Chứng khoán Nhật Bản (JSI) báo lãi sau thuế quý cuối năm giảm 40 -45%, do doanh thu giảm.
Hai trường hợp báo lỗ đầu tiên là Chứng khoán CV (CVS) và Chứng khoán Vina (VNSC).
CVS tiếp tục ghi nhận bức tranh kinh doanh ảm đạm khi lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý IV/2024, nâng con số lũy kế cả năm lên 27 tỷ đồng.
CVS công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu hoạt động 4,8 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động chủ yếu là lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đén ngày đáo hạn (HTM) (4,1 tỷ đồng) và doanh thu nghiệp vụ môi giới hơn 400 triệu đồng.
Tuy vậy, chi phí hoạt động ghi nhận hơn 6 tỷ đồng (gần như toàn bộ là chi phí môi giới), trong khi cùng kỳ chỉ 280 triệu đồng. Do đó, công ty báo lỗ gần 4 tỷ đồng, cũng là quý lỗ thứ 10 liên tiếp.
Lũy kế cả năm, CVS báo lỗ sau thuế hơn 27 tỷ đồng, trong khi năm 2023 lỗ 13 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế đến thời điểm cuối 2024 gần 122 tỷ đồng.
VNSC báo lỗ hơn 5 tỷ đồng quý cuối năm 2024, trong khi quý IV/2023 lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng. Theo giải trình, kết quả lỗ đến từ chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Công ty cho biết số lượng khách hàng đang tăng, nên vẫn tiếp tục phân bổ nguồn lực để phục vụ.