Lịch họp cổ đông tuần 21-27/4: Cao điểm Vingroup, Vietcombank, BIDV, Sacombank, MWG, Vinamilk, Novaland

Tuần này là cao điểm họp với sự xuất hiện của một số đơn vị tên tuổi như nhóm Vingroup, nhóm ngân hàng top đầu, dầu khí, bất động sản, nhóm bán lẻ Masan và MWG, ngành điện PV Power, Vinamilk, Sabeco, Novaland...

Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 bước vào đỉnh điểm trong tuần 21-27/4 khi có khoảng 450 doanh nghiệp tiến hành, ở hầu hết nhóm ngành quan trọng từ ngân hàng, bất động sản đến bán lẻ, xuất khẩu, chứng khoán...

Mở đầu tuần là phiên họp của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Mã: MSB) tại Hà Nôi. Nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 16% trong năm nay lên mức kỷ lục 8.000 tỷ đồng;

Đại hội còn lấy ý kiến về việc chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 31.200 tỷ đồng, thoái vốn công ty tài chính TNEX Finance, đầu tư sở hữu công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ...

Đại hội của công ty xây dựng Vinaconex (Mã: VCG) cũng thu hút ánh nhìn khi doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công; tổng giá trị hợp đồng trúng thầu và ký mới của trong năm 2024 đạt hơn 11.600 tỷ đồng.

Vinaconex lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất đạt 15.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 8% so với kết quả năm ngoái. 

Một số cuộc họp đáng chú ý trong ngày đầu tuần còn có nhà sản xuất bánh keo Bibica (Mã: BBC) theo hình thức trực tuyến, công ty nước giải khát Chương Dương (Mã: SCD), Dược Việt Nam (Mã: DVN) hay nhà phát triển bất động sản Hodeco (Mã: HDC). 

Một số cuộc họp nổi bật trong ngày 21-23/4. Nguồn: HL tổng hợp.    

Sau đó một ngày, PV Power (Mã: POW) sẽ tiến hành phiên họp quan trọng nhất trong năm tại đầu cầu Hà Nội. Doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ chiến lược đầu tư nguồn điện dài hạn của Chính phủ.  

Tổng công ty đặt kế hoạch đạt tổng doanh thu 38.185 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế 493 tỷ và sau thuế đạt 439 tỷ đồng, đều giảm 67% so với cùng kỳ. Con số thận trọng này có thể do khấu hao nhà máy Nhơn Trạch 3&4 mới hoạt động và lỗ tỷ giá. 

Vincom Retail (Mã: VRE) cũng ra quân trong cùng ngày. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 4.700 tỷ đồng, tăng gần 15% so với thực hiện 2024, mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. 

Công ty dự kiến khai trương 3 trung tâm thương mại mới, gồm Vincom Mega Mall Ocean City, Vincom Mega Mall Royal Island và Vincom Plaza Vinh, đưa vào thị trường gần 120.000m2 mặt sàn bán lẻ. 

Một số cuộc họp đáng chú ý khác là Chứng khoán HSC (Mã: HCM), Yeah1 (Mã: YEG) với kế hoạch phát triển các chương trình nghệ thuật mới, SAM Holdings (Mã: SAM) bàn về các khoản đầu tư, hai ngân hàng OCB và SHB, hai nhà khai khoáng là Khoáng sản TKV (Mã: KSV) và Masan High-Tech Materials (Mã: MSR)...

Ngày 23/4 tâm điểm thuộc về nhà phát triển bất động sản Vinhomes (Mã: VHM). Công ty địa ốc lớn nhất nước sẽ tiếp tục phát triển các khu đô thị kiểu mẫu lớn tại các tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Long An… 

Mục tiêu doanh thu là 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 42.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 20% so với năm 2024. Nếu đạt được, đây tiếp tục là một kỷ lục mới của Vinhomes. 

Hai cuộc họp trực tuyến đáng chú ý đến từ công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và công ty nông nghiệp The PAN Group (Mã: PAN); ngoài ra còn có công ty dầu khí PV Drilling (Mã: PVD), Viettel Post (Mã: VTP) chăn nuôi BAF Việt Nam (Mã: BAF), thủy sản Sao Mai (Mã: ASM).

Các cuộc họp nổi bật 24-27/4. Nguồn: HL tổng hợp.  

Tập đoàn tư nhân lớn nhất nước Vingroup (Mã: VIC) khởi động vào ngày 24/4. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu kỷ lục 300.000 tỷ đồng (tăng 60%) và lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng (gần gấp đôi năm ngoái). 

Chiến lược 2025 xoay quanh 3 trụ cột quen thuộc gồm ô tô điện (VinFast) mở rộng ra quốc tế, bất động sản (Vinhomes) tiếp tục phát triển đại đô thị ở vị trí chiến lược, du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl) với kế hoạch IPO. 

Nhóm ngân hàng cũng rầm rộ xuất hiện với TPBank (Mã: TPB), HDBank (Mã: HDB), PGBank (Mã: PGB), Saigonbank (Mã: SGB) và ngân hàng Bản Việt (Mã: BVB). 

Các doanh nghiệp lớn khác còn có nhà sản xuất bia Sabeco (Mã: SAB), bất động sản Novaland (Mã: NVL), Dược Hậu Giang (Mã: DHG), Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), cá tra Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), vận tải Vinasun (Mã: VNS), VietinBank Securities (Mã: CTS).

Ngày 25/4 cũng nhộn nhịp với ngân hàng top đầu BIDV (Mã: BID) và Sacombank (Mã: STB). Trong đó, BIDV định hướng tăng trưởng tín dụng 15-16% và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%. Sacombank muốn tăng lợi nhuận 15% lên 14.650 tỷ đồng, vẫn đang chờ để được chia cổ tức.  

Nhóm bán lẻ cũng ra quan với đại diện Masan Group (Mã: MSN). Tập đoàn này đề ra kế hoạch doanh thu 80.000 - 85.500 tỷ, tăng trưởng 7-14%. Lợi nhuận sau thuế tăng 14-52% khoảng 4.875 - 6.500 tỷ đồng. FPT Retail (Mã: FRT) và Digiworld (Mã: DGW) họp cùng ngày.   

Các doanh nghiệp lớn khác còn có Vinamilk (Mã: VNM), bán lẻ xăng dầu Petrolimex (Mã: PLX) và PV OIL (Mã: OIL), nông nghiệp HAGL Agrico (Mã: HNG), xi măng Hà Tiên (Mã: HT1), Thép Nam Kim (Mã: NKG), xây lắp điện PC1, cảng biển Viconship (Mã: VSC), xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), khu công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) hay Idico (Mã: IDC)...

Ngày thứ Bảy có 5 ngân hàng tổ chức. Trong đó tâm điểm đổ dồn về Vietcombank (Mã: VCB) với chỉ tiêu lợi nhuận cao nhất hệ thống 44.300 tỷ đồng, tăng trưởng 5%. Bên cạnh đó là Techcombank (Mã: TCB), MB (Mã: MBB), VietABank (Mã: VAB), VietBank (Mã: VBB).

Các tên tuổi lớn khác bao gồm tập đoàn bán lẻ Thế Giới Di Động (Mã: MWG), các nhà phát triển bất động sản Nam Long (Mã: NLG), Hải Phát (Mã: HPX) hay Tập đoàn Sunshine (Mã: KSF), May Sông Hồng (Mã: MSH), Lizen (Mã: LCG). 

Ngày chủ nhật đáng chú ý là ngân hàng LPBank (Mã: LPB) họp tại Ninh Bình, nhằm thông qua kế hoạch tăng 22% lợi nhuận lên 14.868 tỷ đồng. Ngoài ra còn có Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) hay Big Invest Group (Mã: BIG)...