Lượng cổ đông ACV cao kỷ lục trước thềm chia cổ tức, hơn 10.000 nhà đầu tư chia nhau 4% cổ phần

ACV ghi nhận lượng cổ đông cao kỷ lục trước thềm chia cổ tức đột biến, trong đó có hơn 10.600 cổ đông nhỏ lẻ chia nhau nắm số lượng 81,3 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ thiểu số 3,74%.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ( Vietnam Airport - Mã: ACV) vừa lấy xong ý kiến cổ đông bằng văn bản  về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối 2023 (số dư 21.192 tỷ đồng). 

Phương án này đã được thông qua khi có đến 78 cổ đông đồng thuận, tỷ lệ tán thành chiếm đến 96,465% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Ngoài ra còn có 6 phiếu không ý kiến (tỷ lệ 0,062%) và không có phản đối. 

Như vây, ACV được quyền phân phối 7.130 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển, còn khoảng 14.000 tỷ đồng còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.     

Tỷ lệ phát hành dự kiến là 64,58%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 64,58 cổ phiếu mới (phần cổ phiếu lẻ bị huỷ bỏ). Số lượng phát hành là khoảng 1,4 tỷ cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 21.771 tỷ lên 35.830 tỷ đồng, trở thành số ít doanh nghiệp có vốn điều lệ thuộc nhóm tỷ USD. 

Đây là mức cổ tức cao nhất từ khi ACV cổ phần hoá và giao dịch trên thị trường chứng khoán vào năm 2016. Trong 3 năm đầu, doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn bằng tiền với tỷ lệ 6-9%, sau đó dừng chi trả cho cổ đông từ 2019 đến nay.  

ACV hiện quản lý và vận hành 22 sân bay trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế. Đây cũng là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng.  

Số lượng nhà đầu tư vào ACV lần đầu tiên vượt con số 10.000 cổ đông. Nguồn: Huy Lê tổng hợp

Công ty đang có gần 2,18 tỷ cổ phiếu đang lưu hành với giá trị vốn hóa khoảng 215.000 tỷ đồng, thường xuyên nằm trong top 10 vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo biên bản kiểm phiếu, tính đến ngày 7/5, ACV ghi nhận lượng cổ đông cao kỷ lục 10.653 đơn vị (không tính đến 222.800 cổ phiếu quỹ). 

Trong đó, Bộ Tài chính là cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 2,08 tỷ cổ phiếu ACV, chiếm tỷ lệ đến 95,4%. Công đoàn Vietnam Airport cũng sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu.

Một số nhà đầu tư lớn như Vietnam Enterprise Limited, Vietnam Investment Limited, Vietnam Ventures, Vietnam Investment Property, Asia Value, Albizia Asean Tenggara, Utilico Emerging, Vietnam Stock Mother Fund, Bualang Vietnam, Lionglobal Vietnam, K Vietnam, Previor Renaissance Vietnam đều sở hữu hàng trăm nghìn cổ phần trở lên. Tổng sở hữu của các tổ chức này gần 18,7 triệu cổ phiếu ACV, chiếm tỷ lệ 0,85%.

Như vậy, số lượng còn lại (10.638 cổ đông nhỏ lẻ) chỉ sở hữu khoảng 81,3 triệu cổ phiếu ACV, tương đương với 3,74% trên tổng số cổ phần đang lưu hành có quyền biểu quyết. 

Tổng công ty mới đây thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 29/5 để thực hiện quyền tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Ngày họp dự kiến vào cuối tháng 6.

Các nội dung chính gồm báo cáo kết quả 2024 và định hướng hoạt động năm 2025, phương án trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận, tờ trình về lương và thù lao, phê duyệt đơn vị kiểm toán... 

Theo báo cáo kinh doanh quý đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 13% đạt mốc kỷ lục 6.350 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.120 tỷ đồng, cao hơn 7% so với cùng kỳ và là con số lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử.  

Năm nay, nhà quản lý sân bay này đặt mục tiêu 21.782 tỷ đồng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 10.713 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp thực hiện được 36% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau một quý.   

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.