NĐT cá nhân trở lại mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng tuần VN-Index vượt mốc 1.125 điểm, tập trung NVL, VNM, CII
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 25/06/2023 19:01
- Linh Chi
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch phục hồi với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành và chỉ chững lại sau khi tiệm cận khu vực đỉnh cũ quanh 1.125. Thanh khoản trong những phiên phục hồi vẫn được duy trì ở mức trung bình 10 phiên cho thấy nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng vào nhịp tăng điểm của thị trường trong ngắn hạn.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index nối tiếp đà giảm điểm từ tuần trước và chịu áp lực điều chỉnh ngay từ phiên đầu tuần, khiến chỉ số chung lùi về sát khu vực 1.100. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy liên tục xuất hiện ngay khi thị trường chạm mốc hỗ trợ đã giúp cho chỉ số chung có được ba phiên phục hồi liên tiếp và tiệm cận lại khu vực đỉnh cũ quanh 1.125.
Trong phiên cuối tuần, sự giằng co, cân bằng được thể hiện rõ ràng khiến VN-Index liên tục biến động và chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự mạnh của thị trường. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.129,38 tăng 14,16 điểm, tương đương với 1,27% so với tuần trước.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, lực cầu chủ yếu tìm đến nhóm cổ phiếu hóa chất và thép giúp cho hai nhóm này phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trên 5%. Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư thay đổi khi NĐT cá nhân trở lại là bên mua ròng duy nhất, trong khi khối ngoại, tự doanh và tổ chức trong nước là các bên bán ròng.
NĐT cá nhân chuyển hướng mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng, dòng tiền tập trung ở nhóm ngân hàng
Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 2.304 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 1.507 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 11/18 nhóm ngành. Cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 733 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm bất động sản (602 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (306 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (232 tỷ đồng), bảo hiểm (146 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (109 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm bất động sản với quy mô 604 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm dịch vụ tài chính, bán lẻ, dầu khí, hóa chất, ô tô & phụ tùng, y tế với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu NVL của Novaland ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 606 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại và tổ chức trong nước.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến VNM của Vinamilk với giá trị 297 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu bất động sản, ngân hàng như CII (265 tỷ đồng), VPB (241 tỷ đồng), TPB (154 tỷ đồng), VCB (129 tỷ đồng), VIC (116 tỷ đồng), NLG (92 tỷ đôngg), KDH (89 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất tiếp tục ở HPG với 558 tỷ đồng. Đây cũng là mã bị rút ròng mạnh nhất trong hai tuần trước đó.
Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng các cổ phiếu như KBC (132 tỷ đồng), SSI (119 tỷ đồng), VHM (116 tỷ đồng), VCI (104 tỷ đồng), DXG (104 tỷ đồng). Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng như FRT, HHV, PVD, SBT.
Tổ chức nội quay đầu bán ròng hơn 450 tỷ đồng, tâm điểm CII, NVL
Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 454 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 209 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 11/18 ngành, giá trị lớn nhất là xây dựng & vật liệu với 226 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu bất động sản (194 tỷ đồng), bảo hiểm (53 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (50 tỷ đồng), …
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu tài nguyên cơ bản và ngân hàng với quy mô vào ròng lần lượt là 282 tỷ và 79 tỷ đồng.
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 254 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 90 tỷ đồng mã VCB.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn rổ VN30 như KBC (89 tỷ đồng), HHV (85 tỷ đồng), SSI (84 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 271 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu NVL và KDH của cũng bị bán ròng lần lượt 219 tỷ đồng và 107 tỷ đồng. Danh mục top 5 rút ròng cũng có sự góp mặt của REE (65 tỷ đồng), PC1 (61 tỷ đồng).