Ngành ngân hàng quý I: Tăng trưởng tín dụng phân hóa, rủi ro nợ xấu hiện hữu

Bước sang năm 2025, các ngân hàng lớn được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng nhờ lợi thế chi phí vốn và bộ đệm tốt. Tuy nhiên, biên lãi ròng (NIM) toàn ngành dự kiến tiếp tục thu hẹp, trong khi rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu.

Tăng trưởng tín dụng phân hóa, Big4 dư địa lớn

Nhìn lại năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 15,1%, song chỉ có khoảng 8/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng trên 20%, trong đó ba ngân hàng vượt mốc 27% gồm MB, HDBank và NCB.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank ghi nhận tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức bình quân, phản ánh chiến lược thận trọng hoặc câu chuyện nội tại.

So với năm 2023, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại ở nhiều ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng tăng mạnh năm trước như HDBank, MB, VPBank. Tuy nhiên, một số ngân hàng như VIB, LPBank, ACB, SHB vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán Tiền Phong (TPS), trong quý I/2025, nhóm ngân hàng quốc doanh cùng các nhà băng tư nhân quy mô lớn như Techcombank, VPBank, MB và ACB sẽ có nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng sớm và nhanh hơn phần còn lại, nhờ lợi thế về lãi suất cho vay, chi phí vốn và bộ đệm vốn tốt.

Lãi suất ở vùng thấp, NIM thu hẹp

Bước sang năm 2025, Chính phủ đã thể hiện rất rõ quan điểm về ưu tiên tăng trưởng kinh tế, nới lỏng mức chấp nhận lạm phát lên 4,5-5% (so với 4-4,5% của 2024) và hướng tới giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng. 

Tính đến hiện tại, lãi suất cho vay dài hạn tại các ngân hàng cơ bản đi ngang so với cuối năm 2024 và đã giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai các chương trình cho vay mua/sửa nhà với lãi suất ưu đãi, nhằm kích cầu tín dụng.

Ở chiều huy động, lãi suất kỳ hạn 6–12 tháng dao động trong khoảng 4,5%–5,4% tính đến cuối tháng 2/2025 – tăng nhẹ 0,1–0,2 điểm % so với cuối năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn từ 0,2–0,8 điểm % so với cùng kỳ 2023.

Bên cạnh đó, thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì mức độ sôi động, với lãi suất qua đêm ổn định quanh mức trên 4%/năm. Diễn biến này cho thấy nhiều ngân hàng đã chuyển một phần nhu cầu vốn từ kênh huy động sang thị trường liên ngân hàng nhằm tối ưu chi phí.

 (Nguồn: TPS)

TPS đánh giá năm 2025 làthời điểm các ngân hàng sẽ nỗ lực tái cơ cấu về hoạt động để tối ưu hiệu quả hoạt động trong khi vẫn giữ mặt bằng lãi suất thấp.

"Mặc dù có áp lực lên tình hình huy động nhưng do giữ lãi suất cho vay thấp, các ngân hàng cũng giữ lãi suất huy động thấp để bảo vệ NIM", báo cáo cho hay. 

Tuy nhiên, NIM toàn ngành dự kiến vẫn chịu áp lực thu hẹp bởi  lãi suất huy động có thể tăng để đảm bảo tỷ lệ LDR và vốn cho vay trung dài hạn; lãi suất điều hành và liên ngân hàng khó giảm sâu, thậm chí có thể tăng nhẹ do áp lực tỷ giá và lãi suất cho vay tiếp tục giảm vì cạnh tranh và định hướng hỗ trợ tăng trưởng ở các lĩnh vực ưu tiên.

Dù vậy, một số nhà băng có tỷ lệ LDR thấp và CASA tốt như PGBank, TPBank, OCB, MSB và ACB có thể duy trì hoặc cải thiện nhẹ NIM trong nửa đầu năm 2025.

Rủi ro nợ xấu còn hiện hữu, kỳ vọng bất động sản hồi phục

Các chuyên gia TPS cảnh báo rủi ro nợ xấu tiềm ẩn vẫn hiện diện, đặc biệt khi các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hiện chiếm gần 5% quy mô GDP.

Dù Thông tư 02 (quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ) đã hết hiệu lực từ tháng 1/2025, song nhóm phân tích đánh giá rủi ro từ dư nợ tái cơ cấu không lớn do các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng. Tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 chỉ còn khoảng 126.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,8% tổng dư nợ hệ thống.

Tuy nhiên, bộ đệm dự phòng rủi ro của ngành đã mỏng dần, hiện trở về mức tương đương trước đại dịch COVID-19. Trong đó, các chuyên gia TPS đánh giá các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô nhỏ với bộ đệm vốn yếu hơn sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí dự phòng cao trong năm nay.

Đáng chú ý, rủi ro nợ xấu cũng gắn liền với diễn biến của thị trường bất động sản. Theo TPS, nếu thị trường bất động sản hồi phục trong nửa cuối năm 2025 như kỳ vọng, điều này có thể góp phần cải thiện bức tranh nợ xấu và tăng cường bộ đệm vốn cho toàn hệ thống ngân hàng.

  (Nguồn: TPS)