'Ngoài nâng hạng TTCK, cần tạo một làn sóng niêm yết mới, thêm hàng hoá cho NĐT nước ngoài đầu tư'
- Cổ phiếu – Cổ phần
- 17/07/2025 11:21
- Hạ An
Bàn về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) tại Hội thảo: "Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 17/7, các chuyên gia cho rằng, nâng hạng TTCK là cột mốc quan trọng nhưng không phải là đích đến mà việc giữ được hạng và phát triển thị trường mới là mục tiêu cần hướng tới.
Nâng hạng TTCK không phải là đích đến

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: BTC).
Thông tin thêm về quá trình nâng hạng TTCK, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cho biết đến thời điểm này, Việt Nam đã đáp ứng được gần hết các yếu tố cần để nâng hạng TTCK nhưng quan trọng nhất vẫn là đánh giá của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
“Một tín hiệu tích cực là gần đây, NĐT nước ngoài quay trở lại mua ròng rất nhiều, hơn 13.000 tỷ trong nửa đầu tháng 7. Đặc biệt là trong vòng 7 - 8 phiên gần đây”, ông Hải cho biết.
Bên cạnh đó, qua trao đổi với UBCK, thời gian qua, NĐT nước ngoài đánh giá rất tích cực về các cải cách của Việt Nam đối với TTCK, nhất là nỗ lực của Chính phủ.
"Họ có đánh giá tích cực với cải cách, cố gắng của Chính phủ. Ví như việc Việt Nam áp dụng cơ chế NPF (Non – Prefunding) cho NĐT nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch", ông Hải nói và cho biết đã có hàng trăm nghìn giao dịch NPF (giao dịch không cần ký quỹ), số lượng NPF chiếm hơn 50% lệnh mua của khối ngoại hiện nay.
Đối với cơ chế xử lý giao dịch thất bại, hàng trăm nghìn giao dịch NPF thực hiện thì chỉ một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý ổn thỏa. Do vậy, kỳ vọng nâng hạng khá lớn, Phó Chủ tịch UBCK đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Hải, câu chuyện nâng hạng TTCK không phải là đích đến của Việt Nam mà còn là việc duy trì xếp hạng và đạt được mục tiêu khác cao hơn. Phải làm sao cải cách TTCK ngày càng công bằng, mình bạch đáp ứng chức năng là kênh thu hút, phân bổ vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Sau khi nâng hạng để duy trì thứ hạng này thì những giải pháp như NPF chỉ là ngắn hạn, dài hạn hơn phải là xây dựng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường.
Hiện UBCK đang phối hợp cùng Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cùng chuẩn bị và công bố lộ trình xây dựng CCP cho thị trường. Dự kiến, UBCK sẽ mất 1 – 1,5 năm để xây dựng cơ chế CCP, ông Hải cho biết.
Cần thêm hàng hoá cho thị trường
Vấn đề thứ hai theo ông Hải là khi TTCK đã được nâng hạng, mở cửa thì có gì để NĐT nước ngoài đầu tư?
Theo Phó Chủ tịch UBCK, để việc nâng hạng TTCK mang lại hiệu quả thì cần minh bạch hoá công bố thông tin, có các sản phẩm xanh, ESG và phù hợp với các tiêu chí của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã hỗ trợ rất nhiều trong việc cải cách thủ tục hành chính để NĐT nước ngoài ngày càng thuận lợi hơn trong việc giao dịch trên TTCK Việt Nam. “Đặc biệt là để đáp ứng tiêu chuẩn của MSCI, Việt Nam cần có thị trường ngoại hối sôi động, phát triển, nói nôm na là khi họ đầu tư vào Việt Nam cần có công cụ phòng ngừa rủi ro”, ông Hải cho biết.
Một vấn đề nữa là tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. Quy định về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài của Việt Nam đang cực kỳ phức tạp. Trên TTCK Việt Nam hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nước ngoài bằng 0, theo quy định.
Vì vậy, thị trường mở ra nhưng không có room cho NĐT nước ngoài thì họ sẽ không đầu tư được. Nguyên nhân là có nhiều ngành không thực sự cần thiết hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhưng hiện vẫn đang bị hạn chế tỷ lệ này. Đây không chỉ là rào cản cho đầu tư gián tiếp mà còn cả với đầu tư trực tiếp.
Rất nhiều NĐT trực tiếp muốn mở nhà máy, đầu tư vào Việt Nam nhưng không thể làm được do quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài.
Nguyên nhân thứ hai là các doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề, có doanh nghiệp đăng ký đến 200 ngành, lĩnh vực nhưng thực tế phần lớn là không kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ cần một ngành nghề nằm trong quy định hạn chế tỷ lệ đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư ngoại sẽ không thể đầu tư nào nữa. Vì vậy, chính các doanh nghiệp cũng cần phải rà soát lại ngành nghề đăng ký kinh doanh của mình.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Hạ An).
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết để nâng cao sản phẩm cho thị trường chứng khoán.
TTCK Việt Nam được nâng hạng nhưng sản phẩm không đủ hấp dẫn với NĐT nước ngoài thì cũng không thể khai thác hết hiệu quả của nỗ lực này.
Từ góc độ công ty quản lý quỹ, bà Nga cho rằng, số lượng cổ phiếu niêm yết mới trong thời gian gần đây rất ít ỏi. Hiện tại, các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản chiếm tới 50 – 60% số lượng cổ phiếu nên sẽ hạn chế tính đa dạng của các quỹ.
Vì vậy, đại diện VCBF kiến nghị Chính phủ nên có ưu đãi về thuế, phí cho các doanh nghiệp niêm yết mới, tạo ra làn sóng về doanh nghiệp niêm yết mới, cũng như đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước để thêm hàng hoá cho TTCK sau khi được nâng hạng.
“Nếu tạo được một làn sóng niêm yết mới cùng với sự kiện nâng hạng sẽ tạo ra bức tranh rất khác cho TTCK Việt Nam”, bà Nga chỉ ra.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, đại diện VCBF cũng nhấn mạnh quy định về thủ tục phát hành trái phiếu ra công chúng vẫn còn phức tạp, thời gian kéo dài. Nhà đầu tư rất dễ chuyển đổi từ tiền gửi ngân hàng sang trái phiếu. Tuy nhiên, các quỹ hiện không có nhiều sản phẩm trái phiếu phát hành ra công chúng để mà đầu tư.
Khi ban hành các thủ tục, quy định chặt chẽ về phát hành trái phiếu ra công chúng như hiện nay, cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ lọc được các doanh nghiệp tốt để NĐT cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, thực tế hiện tại là các doanh nghiệp tốt họ có thể vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chứ không phát hành ra công chúng vì thủ tục phức tạp và thời gian kéo dài.
Do đó, Tổng Giám đốc VCBF đề xuất các thủ tục sẽ được rút ngắn cũng như ưu đãi thuế, phí để doanh nghiệp tích cực tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Với thị trường tiền tệ, bà Nga cũng nhấn mạnh cần xây dựng trung tâm hoặc sàn giao dịch chứng chỉ tiện tệ tập trung để phát triển thị trường này.