Nhận định thị trường chứng khoán 8/4: Xu hướng điều chỉnh vẫn còn hiện hữu

Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, tâm lý bắt đáy đã xuất hiện sau phiên hoảng loạn trước đó. Tuy nhiên trong những phiên tới, diễn biến VN-Index sẽ vẫn khó lường; biên độ dao động cần thu hẹp để hình thành nền giá chặt chẽ.

Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên 4/4 

Trong phiên thứ Sáu cuối tuần (4/4), VN-Index tiếp tục mở cửa với gap sâu gần 70 điểm trong phiên sáng. Lực cầu bắt đáy mạnh mẽ trong vùng 1.150 – 1.160 điểm giúp chỉ số lội dòng ngoạn mục và trở lại đóng cửa tại mốc 1.210,67 điểm, thu hẹp đà giảm còn gần 20 điểm so với phiên trước đó.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 18/18 ngành giảm điểm. Về giao dịch của khối ngoại, họ tiếp tục bán ròng gần 3.000 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng trên sàn HNX.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 8/4

Nhận định chứng khoán cơ sở

Chứng khoán BIDV (BSC)

Tâm lý bắt đáy đã xuất hiện sau phiên hoảng loạn trước đó. Tuy nhiên trong những phiên tới, diễn biến VN-Index sẽ vẫn khó lường; biên độ dao động cần thu hẹp để hình thành nền giá chặt chẽ.

Chứng khoán SSI

Đà giảm của VN-Index chững lại đáng kể khi lực cầu giá thấp đẩy mạnh nhập cuộc. Vùng hỗ trợ quan trọng 1.180 – 1.200 đang phát huy vai trò nâng đỡ, nhất là khi độ rộng trong phiên đã thu hẹp về vùng thấp nhất một năm.

Các nhịp rung lắc kiểm định lại khu vực trên sẽ cung cấp tín hiệu tin cậy hơn về khả năng cân bằng ngắn hạn và định hình xu hướng sắp tới. Trong kịch bản hồi phục, vùng kháng cự tiếp theo của chỉ số xác định tại 1.220 – 1.230 điểm.

Chứng khoán ACB (ACBS)

Trong ngày 4/4, VN-Index mở cửa với điểm số tiếp tục sụt giảm mạnh gần 72 điểm, tuy nhiên, lực mua bắt đáy đã tham gia mạnh vào thị trường, hỗ trợ VN-Index hồi phục trên 50 điểm so với mức đáy trong phiên. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vượt trội hơn so với phiên giảm sâu trước đó, cho thấy dòng tiền mua khá mạnh mẽ trong phiên giao dịch này.

Lực mua trong phiên được phân bổ phần nhiều tại cổ phiếu VIC và một số mã cổ phiếu ngành Ngân hàng. Trong thời gian tới, với kỳ hạn 9/4 trong tuần tới để Việt Nam và Mỹ có thể đạt được các thỏa thuận về thuế quan, dự kiến VN-Index sẽ còn có các phiên biến động khó lường. 

Chứng khoán TPBank (TPS) 

Trong phiên phiên cuối tuần, thị trường tiếp tục mở cửa trong sự hoảng loạn của nhà đầu tư, đợt bán tháo cổ phiếu trong đầu phiên đã khiến VN-Index và VN30 lần lượt chạm mức hỗ trợ dài hạn tại quanh 1.166 điểm và 1.228 điểm.

Nhờ vào lực cầu tốt nên thị trường đã thu hẹp đáng kể đà giảm trong phiên, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30, TPS lực cầu xuất hiện một các có chọn lọc khi đổ dồn về nhóm cổ phiếu "họ Vin" và một số cổ phiếu không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan từ Mỹ như VNM, FPT và nhóm ngân hàng.

Mặc dù lực cầu tốt đã giúp thị trường thu hẹp đáng kể đà giảm trong phiên phiên cuối tuần từ mức thấp nhất 1.158 lên mức 1.211 điểm. Theo quán tính, chỉ số có khả năng hồi về mức 1.228 điểm (+/-) ở phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, TPS cũng không loại trừ khả năng đây là mức phục hồi kỹ thuật trong ngắn hạn và chỉ số vẫn có khả năng kiểm định lại mức hỗ trợ dài hạn quanh 1.166 điểm.

Nhận định chứng khoán phái sinh 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
 
VN30F2504 hồi phục về lại gần biên trên dải Bollinger tương ứng quanh 1.272 - 1.275 điểm. Đồng thời, đồ thị giá có thể tiếp tục hồi phục với nhịp tăng giảm đan xen. Vùng 1.253 - 1.256 điểm đang là hỗ trợ gần nhất. Theo mẫu hình sóng Elliott, HĐ này có thể đang ở sóng 4 hồi phục nên cần lưu ý nhịp giảm có thể quay lại từ 1.370 - 1.375 điểm.
 
Xu hướng ngắn hạn trên khung Daily của VN30F2504 duy trì mức giảm với trailing stoploss tại 1.315 điểm. Nhà đầu tư xem xét chiến lược mua (long) gần tại 1.256 điểm, dừng lỗ 1.252 điểm và chốt lời 1.270 điểm.
Chứng khoán MB (MBS)

Trong tuần giao dịch với cú sốc áp thuế từ tổng thống Mỹ khiến phái sinh giảm điểm cực mạnh, đóng cửa giảm -98 điểm về 1.267,1 điểm, nếu tính từ mức cao nhất đến thấp nhất phái sinh giảm -172 điểm trong tuần. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh hơn 5.500 hợp đồng trong tuần.

Biến động giảm điểm mạnh của thị trường thế giới vẫn chưa chấm dứt, Basis phiên cuối tuần mở rộng -13,43 điểm cùng với thanh khoản giao dịch tăng cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan, rủi ro giảm điểm mạnh vẫn còn hiện hữu.

Chiến lược giao dịch mua (long) tại vùng 1.240 – 1.245, cắt lỗ khi giảm qua 1.235 điểm. Chiến lược giao dịch bán (short) tại vùng cản 1.265– 1.275 điểm, cắt lỗ khi vượt qua 1.281 điểm.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trường.

CÙNG CHUYÊN MỤC