Nhiều quỹ đầu tư lỗ sau 6 tháng, chiến thắng VN-Index vẫn là thử thách

VN-Index kết thúc nửa đầu năm 2025 tại 1.376 điểm, tăng 8,6% so với cuối năm 2024. Tuy vậy, chỉ khoảng 15% quỹ đầu tư chủ động trong khảo sát có hiệu suất vượt mức này.

Số ít đánh bại VN-Index nhờ tỷ trọng cao cổ phiếu ngân hàng và nhóm Vingroup

Trong 30 quỹ chủ động được khảo sát, chỉ một số ít vượt VN-Index sau nửa đầu năm. Dẫn đầu là BMFF do MB Capital quản lý, đạt hiệu suất gần 11%. Tiếp theo là MBVF, cũng thuộc MB Capital, đạt 9,8%; DCDS của Dragon Capital đạt 8,9%; và BVFED thuộc Quản lý quỹ Bảo Việt với 8,7%.

Theo báo cáo tháng 5, danh mục của BMFF phân bổ vào nhóm ngân hàng với tỷ trọng 45,2%, kế tiếp là bán lẻ 9,7%, ngành đường 4,5% và ô tô – xe máy 4,3%. 7 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm TCB, ACB, PNJ, VPB, HPG, VIB và VRE, từ 4,6-15%. Trong đó, TCB và VRE là các cổ phiếu tăng tốt hơn hẳn thị trường tính chung, đạt lần lượt 39% và 44% trong 6 tháng.

 Cơ cấu danh mục BMFF tại cuối tháng 5. (Nguồn: MB Capital).

MBVF tại thời điểm cuối tháng 5 cũng cho thấy nhóm ngân hàng chiếm trên 43% danh mục. Các mã có tỷ trọng lớn nhất gồm TCB, ACB, QTP, VRE, HPG, VPB và VIB, từ 4,8-15%.

 Cơ cấu danh mục MBVF tại cuối tháng 5. (Nguồn: MB Capital).

DCDS kết thúc tháng 6 với tỷ trọng lớn nhất dành cho TCB (8,4%), theo sau là STB, CTG, MWG, VHM, MBB, FPT, HPG, VIC và EIB. 10 cổ phiếu này chiếm tổng cộng 54,9% danh mục.

Trong đó, TCB là cổ phiếu đứng đầu tỷ trọng danh mục cả ba quỹ có hiệu suất tốt nhất nêu trên.

Cấu trúc danh mục của các quỹ cho thấy sự trùng lặp đáng kể về cổ phiếu nắm giữ, tập trung vào các mã thuộc nhóm ngân hàng, đặc biệt là TCB và một số doanh nghiệp họ Vingroup như VHM, VIC, VRE – những cổ phiếu có biến động giá tích cực thời gian qua. 

 Top 10 danh mục DCDS tại cuối tháng 6. (Nguồn: Dragon Capital).

Nhóm quỹ âm hiệu suất: Thiếu vắng cổ phiếu mạnh

Ở chiều ngược lại, 13 quỹ ghi nhận hiệu suất âm sau 6 tháng đầu năm, dù VN-Index đã hồi phục đáng kể từ đáy tháng 4.

Điển hìnhQuỹ Đầu tư Tăng trưởng KIM Việt Nam – Hàn Quốc, với mức giảm 5,95% tính đến 9/6. Tại thời điểm 9/4, danh mục quỹ này cho thấy tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng chiếm hơn 41%, với các mã chính gồm CTG, STB, MWG, HPG, VCB, dao động từ 5,4–8,9%.

VDEF của VinaCapital xếp sau với hiệu suất -4,94%. Trong báo cáo tháng 5, nhà quản lý quỹ cho biết tính từ đầu năm đến cuối tháng 5, hiệu suất giảm 9,3%. Nguyên nhân chính là do không nắm giữ cổ phiếu thuộc Tập đoàn Vingroup – nhóm cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index trong giai đoạn này.

Báo cáo cũng nêu rằng nếu loại trừ ảnh hưởng từ nhóm Vingroup, VN-Index thực chất không tăng trong 5 tháng đầu năm. Danh mục của VDEF tính đến cuối tháng 5 gồm MBB, PVI, HPG, FPT, CTG, GMD, PHR, BVH, QNS, STB, với tỷ trọng từ 4,7% đến 7,9%.

Các quỹ khác cũng có hiệu suất âm gồm NTPPF (-4,66%), Vietnam Holding (-4,30%), GFM-VIF (-3,18%), VLGF-SSIAM (-2,16%), KIM – RSP (-2,05%), BVPF (-1,67%), VEOF (-1,56%), PHVSF (-1,41%), VMEEF và VESAF (-1,18%), và UVEEF của UOBAMVN (-0,36%).

Điểm chung của nhóm này là tỷ trọng lớn vào cổ phiếu vốn hóa vừa, hoặc thiếu sự hiện diện của các cổ phiếu có mức tăng mạnh trong quý II với tỷ trọng cao - như nhóm đánh bại VN-Index đã nêu phía trên.

Ngoài hai nhóm chính, còn có một số quỹ ghi nhận hiệu suất dương nhưng thấp hơn VN-Index. DCDE thuộc Dragon Capital đạt 5,27%. Hai quỹ của Quản lý Quỹ Thiên Việt là TVGF3TVGF4 lần lượt đạt 5,14% và 4,93%. VCBF-BCF của VCBF đạt 4,20%, TBLF của SGI Capital đạt 3,72%, còn các quỹ như VCAMDF, PYN Elite Fund, VCAMBF ghi nhận hiệu suất quanh mức 3–3,7%.

 (Nguồn: X.N tổng hợp).

Triển vọng thị thị trường vẫn sáng cửa nhờ các yếu tố nội tại

Bước sang nửa cuối năm, báo cáo tháng 6 của Lumen Vietnam Fund duy trì quan điểm tích cực về kinh tế Việt Nam. Quỹ ngoại dự báo tăng trưởng GDP quý II/2025 có thể đạt 7,6%. Một số chỉ số vĩ mô như xuất khẩu, giải ngân đầu tư công, vốn FDI, tiêu dùng và tín dụng đều tăng trong tháng 5–6. Trong đó, tín dụng vào khu vực doanh nghiệp tư nhân được cho là tăng mạnh nhờ tác động từ chính sách tiền tệ và tài khóa.

Lumen Vietnam nhấn mạnh các cải cách thể chế đang được triển khai từ đầu tháng 7, bao gồm cải tiến thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách thuế và chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng. Theo nhà quản lý quỹ, các thay đổi này có thể cải thiện môi trường đầu tư trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố rủi ro trong ngắn hạn. Trong đó, đáng chú ý là kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, khi thỏa thuận tạm hoãn thuế song phương sẽ hết hiệu lực vào ngày 9/7. 

Về chiến lược, Lumen Vietnam tiếp tục tập trung vào cổ phiếu có nền tảng tài chính lành mạnh, đang trong quá trình chuyển biến và có khả năng hưởng lợi từ các xu hướng chính sách.

Trong bản tin ngày 3/7, VinaCapital cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 15 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ, tương đương hơn 7% GDP.

VinaCapital duy trì đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 chủ yếu đến từ các yếu tố nội tại như giải ngân đầu tư công, phục hồi thị trường bất động sản và cải cách hành chính.

 "Phân hoá hiệu suất đầu tư giữa các quỹ chủ động". (Ảnh minh hoạ: X.N).

CÙNG CHUYÊN MỤC