NHNN bơm ròng gần 9.500 tỷ trong tuần qua, lãi suất tín phiếu ổn định 3,5%/năm
- 07/07/2025 07:04
- Minh Nguyệt
Trong tuần 30/6 - 4/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho các thành viên vay tổng cộng hơn 62.424 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cùng thời gian trên, khối lượng đáo hạn lên tới gần 58.133 tỷ đồng. Như vậy, tổng bơm ròng qua kênh là 4.291 tỷ đồng.
Trên kênh tín phiếu, ngân hàng đã phát hành 17.400 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất 3,5% trong tuần 30/6 - 4/7, tuy nhiên có 22.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, do đó lượng bơm ròng qua kênh này khoảng 5.100 tỷ đồng.
Theo đó, tổng cộng trong tuần qua (từ 30/6 đến 4/7) NHNN đã bơm ròng hơn 9.391 tỷ đồng.

Trong tuần qua (từ 30/6 đến 4/7) NHNN đã bơm ròng hơn 9.391 tỷ đồng. (Nguồn: Wichart)
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm có xu hướng giảm trong tuần qua, giảm từ mốc 6,45% vào đầu tuần về mức 3,81% vào phiên 2/7, sau đó phục hồi nhẹ lên 3,91% trong phiên 3/7.
Trong khi đó lãi suất các kỳ hạn từ một tuần tới ba tháng tại phiên 3/7 hiện dao động từ 4,03% - 3,82%,so với phiên đầu tuần, lãi suất giảm tại các kỳ hạn.
Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) của Mỹ và lãi suất qua đêm của tại Việt Nam ở phiên 3/7 là 0,49 điểm %.

(Nguồn: Wichart)
Đối với tỷ giá, dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên sáng 4/7, nhà điều hành công bố tỷ giá trung tâm tại 25.116 đồng, tăng mạnh 25 đồng so với mức niêm yết hôm trước và tăng 774 đồng so với đầu năm.
Theo báo cáo chuyên đề của Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường Toàn cầu, Ngân hàng UOB, nhóm phân tích cho rằng tỷ giá VND sẽ duy trì quanh vùng giá yếu trong biên độ giao dịch so với USD trong quý III/2025.
Tuy nhiên, từ quý IV/2025 trở đi, VND có thể bắt đầu lấy lại đà phục hồi, hòa nhịp cùng xu hướng cải thiện chung của các đồng tiền châu Á khi bất ổn thương mại dần lắng dịu. UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở khoảng 26.400 VND trong quý III/2025, 26.200 VND trong quý IV/2025, 26.000 VND trong quý I/2026 và 25.800 trong quý II/2026.
Chia sẻ về áp lực tỷ giá tại Talkshow Cập nhập thuế quan & tỷ giá - Đánh giá toàn diện về cơ hội đầu tư cuối năm 2025 do TTTĐTTH VietnamBiz phát sóng ngày 3/7, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu & Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết điều này phụ thuộc rất nhiều vào chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Bên cạnh đó, các biến số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát cũng đang là một bài toán lớn.
"Chúng ta nên nhớ rằng nếu tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ chưa bị ảnh hưởng rõ rệt thì Fed vẫn sẽ tiếp tục chú trọng vào kiểm soát lạm phát. Do đó, Fed chưa có lý do gì để vội vàng cắt giảm lãi suất", ông Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, bức tranh có thể thay đổi nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ chững lại, kéo theo suy giảm việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Khi đó, Fed sẽ phải cân nhắc điều chỉnh chính sách, với khả năng cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến.
Chuyên gia cho biết theo dữ liệu từ CME Group, thị trường đang kỳ vọng một đến hai đợt hạ lãi suất vào tháng 9 hoặc tháng 11/2025. Nếu kịch bản này xảy ra, đó có thể là thời điểm để áp lực tỷ giá tại Việt Nam bắt đầu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng Việt Nam có lý do để giải thích cho việc tỷ giá đang ở mức cao, đó là do mức chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia.
"Kỳ vọng rằng trong quý III hoặc cuối quý III và đầu quý IV năm nay, áp lực tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt. Khi đó, những căng thẳng về dòng vốn cũng sẽ dịu lại và nhà đầu tư sẽ bắt đầu tìm kiếm cơ hội trở lại thị trường Việt Nam", ông Minh cho hay.