Sắp làm một đoạn của trục đường quy hoạch nối tỉnh lộ 538B đến trụ sở UBND huyện Đô Lương, Nghệ An
Đô Lương là huyện trung tâm của tỉnh Nghệ An, là địa bàn tiếp nối giữa vùng đồng bằng ven biển và vùng miền núi phía tây của tỉnh. Trên địa bàn có các trục giao thông quan trọng như QL 7A, QL 7B, QL 7C, QL 15A, QL 46B, QL 46C và QL 48E có điều kiện thuận lợi trong giao lưu, quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa phương trong, ngoài tỉnh và nước bạn Lào.
Theo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ có hai thị xã bao gồm TX Diễn Châu và TX Đô Lương. Do đó, Nghệ An hiện đang đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng giao thông cho huyện Đô Lương để phục vụ cho mục tiêu lên thị xã.
Vừa qua, UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã công bố văn bản liên quan đến dự án xây dựng tuyến đường đường N5 giai đoạn 2. Tuyến đường này được UBND huyện chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 9/7/2023.
Tuyến đường này đi qua các địa phương bao gồm xã Yên Sơn, xã Thịnh Sơn và xã Văn Sơn. Chiều dài tuyến khoảng 2,3 km. Chủ đầu tư của dự án là UBND huyện Đô Lương. Đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA ĐTXD huyện Đô Lương.
Điểm đầu tuyến nối với tuyến đường từ QL 7 - QL 7C (đường N5) (giai đoạn 1, lý trình Km1+000 - Km2+500). Điểm cuối (Km4+743) nằm giao với đường 538B.
Hướng tuyến của dự án này đi song song với một đoạn QL 7. Theo bản đồ quy hoạch, đoạn đường này nằm trên trục đường có lộ trình nối tỉnh lộ 538B đi qua trụ sở UBND huyện Đô Lương.
Về hiện trạng, địa hình hai bên tuyến đường đi qua chủ yếu là rộng trồng lúa nước. Với hiện trạng ngập lụt, đoạn tuyến đi qua vùng đồng bằng, địa hình thay đổi từ 15 - 30 m.
Toàn tuyến có tổng diện tích sử dụng đất khoảng hơn 8 ha. Trong đó, đất trồng lúa hơn 6,8 ha; đất thủy lợi khoảng 0,1 ha và đất giao thông hơn 1 ha.
Tuyến dự án cách khu dân cư xóm 3, xã Thịnh Sơn khoảng 185 m về phía nam và khu dân cư xóm Đại Đồng, xã Thịnh Sơn khoảng 380 m về phía bắc.
Dọc hai bên tuyến dự án chủ yếu là đất trồng lúa hai vụ. Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hai vụ khoảng 6,8 ha thuộc thẩm quyền chuyển đổi của HĐND cấp tỉnh.
Về quy mô, toàn tuyến có chiều dài khoảng 2,3 km. Đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị, nền đường rộng 12 m, mặt đường 9 m, lề đường 2 x 1,5 = 3 m. Kết cấu mặt đường Bê tông nhựa cấp cao loại A1, công trình trên tuyến thiết kế vĩnh cửu. Tổng mức đầu tư của tuyến đường này là 300 tỷ đồng.
Trên tuyến có các nút giao thông giao với các đường hiện trạng và các đường Quy hoạch, các nút giao được thiết kế dạng cùng mức: Thiết kế vuốt nối giữa các tuyến đường trong nút giao theo tiêu chuẩn hình học hiện tại, đảm bảo độ êm thuận cho xe lên xuống. Bán kính vuốt nối 5 - 15 m.
Về tiến độ, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2023 - 2026, từ tháng 01/2024 - 12/2026: Thi công các hạng mục tuyến và các công trình trên tuyến. Tuyến sẽ thi công theo hình thức cuốn chiếu, giải phóng mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Thực hiện đào, đắp, xây dựng nền đường chính, cống, rãnh thoát nước; xây dựng mặt đường, hoàn thiện dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Loạt hạ tầng bổ trợ cho tiến trình lên thị xã của huyện Đô Lương
Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với hạ tầng giao thông của huyện Đô Lương, tỉnh sẽ nâng cấp, cải tạo 7 tuyến quốc lộ đạt chuẩn cấp tối thiểu gồm QL 7A; QL 7B, QL 7C, QL 15, QL 46B, QL 46C và QL 48E.
Nâng cấp cải tạo 5 tuyến đường tỉnh (ĐT 533, ĐT 533B, ĐT 534, ĐT 538 và ĐT 538B). Cùng với đó, bổ sung 4 tuyến đường quan trọng của tỉnh gồm Thịnh - Bài - Giang; Khuôn - Đại Sơn; Quang Nhân và đường dọc sông Đào.
Nâng cấp tất cả các tuyến đường huyện tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng. Làm mới ba tuyến đường huyện gồm đường nối QL 7 đi xã Bắc Sơn, đường nối QL 15 đi xã Đại Sơn, đường nối QL 15 đến QL 7.
Xây dựng các tuyến đường đô thị trong danh mục ưu tiên như đường Tràng Minh, đường trục chính nối QL 7 đi QL 46, đường giao thông từ Bưu điện đến cầu Ba Ra,...
Đối với hệ thống đường sắt, Nghệ An sẽ đưa tuyến đường sắt Phủ Diễn - Đô Lương - Tân Kỳ vào sử dụng. Đường thủy nội địa sẽ quy hoạch thêm một bến thuỷ nội địa Đền Quả Sơn trên Sông Lam tại địa phận xã Bồi Sơn.