Sông Công sắp lên đô thị loại II: Chia 8 vùng phát triển, quy hoạch mới khu liên hợp thể thao và công viên gần 80 ha ở trung tâm

HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công là đô thị loại II.

 Một góc TP Sông Công. (Ảnh: Báo Đấu thầu).

Theo Cổng TTĐT Thái Nguyên, tại Kỳ họp thứ 11 khóa XIV diễn ra ngày 24/3, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết về việc Thông qua Đề án đề nghị công nhận TP Sông Công là đô thị loại II.

Sau cuộc họp, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo tờ trình của Sở Xây dựng và UBND tỉnh Thái Nguyên, Sông Công là đô thị công nghiệp, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật khu vực phía nam của tỉnh. Thành phố này có vị trí thuận lợi khi nằm trong vùng Thủ đô, cách Hà Nội 65 km về phía bắc, cách trung tâm TP Thái Nguyên 20 km về phía nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 45 km, là đầu mối giao lưu phát triển kinh tế, có tác động hỗ trợ và thúc đấy tăng trưởng chung cho tỉnh Thái Nguyên và toàn vùng Hà Nội - Thái Nguyên - Băc Kạn - Cao Bằng.

Sau 38 năm xây dựng, phát triển thành phố đã từng bước điều hỉnh và hoàn thiện các đơn vị hành chính trực thuộc. Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP Sông Công đã cơ bản hoàn thiện, diện mạo đô thị đã có bước thay đồi đáng kể.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, đối chiếu với 5 tiêu chí, 63 tiêu chuẩn của đô thị loại II, về cơ bản Sông Công đã hội tụ đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại II. Do đó, việc lập đề án trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Sông Công là đô thị loại II là cần thiết.

Theo đề án, phạm vi lập đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Sông Công với 10 đơn vị hành chính (gồm 7 phường nội thành là Bách Quang, Cải Đan, Châu Sơn, Lương Sơn, Mỏ Chè, Phố Cò, Thắng Lợi và ba xã ngoại thành là Bá Xuyên, Bình Sơn, Tân Quang).

Tổng diện tích của Sông Công là 9.730,56 ha, dân số toàn đô thị năm 2022 là 128.357 người.

Theo chương trình phát triển đô thị TP Sông Công giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các khu vực phát triển đô thị tại Sông Công sẽ theo quy hoạch chung đã được phê duyệt. Toàn TP Sông Công được xác định 8 khu vực phát triển.

 Bản đồ hành chính TP Sông Công. (Nguồn: Báo cáo đề án)

 Sơ đồ các khu vực phát triển đô thị thành phố Sông Công. (Nguồn: Báo cáo đề án) 

Khu vực I là khu đô thị trung tâm với diện tích 942,53 ha; dân số đến năm 2030 là 54.993 người, đến năm 2040 đạt 78.635 người. Khu vực này gồm 4 đơn vị ở.

Khu đô thị trung tâm với các chức năng hành chính - chính trị, văn hóa thể thao, dịch vụ trên cơ sở đã có các công trình hiện hữu như: Trụ sở Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, trung tâm văn hóa, khu thể thao thành phố, Trường cao đẳng công nghiệp Việt Đức và các khu dân cư hiện có, đã hình thành ổn định, cần chỉnh trang theo hướng xanh, hiện đại tiết kiệm năng lượng.

Định hướng quy hoạch bổ sung Khu liên hợp thể thao văn hóa 57,54 ha, công viên thành phố diện tích khoảng 21,8 ha, khu trung tâm thương mại tại khu vực đô thị mở rộng về phía đông và dọc trục đường Trần Phú; quy hoạch mở rộng bổ sung một trường cấp III, chợ và bệnh viện phục vụ cho khu đô thị phát triển mới. Hình thành và phát triển các trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp trung tâm dịch vụ tổng hợp cao tầng và các khu phố mua sắm, khu văn hóa thể thao của thành phố.

Khu vực đường Trần Phú và đường Cách Mạng Tháng Mười định hướng quy hoạch các khu chức năng xây dựng công trình hỗn hợp, khuyến khích việc kết hợp các khu đất thành khu đất lớn hơn để xây dựng công trình hợp khối đồng bộ. Khuyến khích tổ chức các công trình dịch vụ hai bên tuyến phố, mật độ cao và khuyến khích công trình xây dựng có khoảng lùi tạo không gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ngoài trời, tăng tính sôi động, sầm uất cho tuyến phố.

Khu vực II là khu đô thị phía Nam có diện tích 754 ha, dân số 37.535 người (năm 2030), 44.190 người (năm 2040) gồm ba đơn vị ở.

Khu cửa ngõ phía nam của thành phố kết nối với TP Phổ Yên có giao thông đi qua gồm đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường quốc lộ 3.

Khu vực này có các khu chức năng: di tích Đền Mẫu, Bệnh viện C, Trường cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp Thái Nguyên, các khu dân cư hiện hữu phát triển tại ngã ba Phố Cò và dọc đường Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên và đường Cách Mạng Tháng Tám, cụm công nghiệp (Nguyên Gon, Khuynh Thạch), nghĩa trang tập chung thành phố với diện tích khoảng 21,8 ha.

Các khu dân cư cũ, khu vực ngã ba Phố Cò và dọc đường quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên và đường Cách Mạng Tháng Tám, có mật độ xây dựng cao khuyến khích tăng diện tích cây xanh, diện tích dành cho giao thông.

Khu vực này phát triển khu đô thị mới để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các khu, cụm công nghiệp do có vị trí thuận lợi gần Khu công nghiệp Điềm Thụy 350 ha và Khu công nghiệp Yên Bình 400 ha.

Khu vực III là khu phía đông có diện tích 909 ha, dân số 52.037 người, gồm ba đơn vị ở.

Khu phía đông thuộc địa giới hành chính của phường Cải Đan, Bách Quang và một phần phường Lương Sơn, khu vực này có vị trí giao thông thuận lợi gồm đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Quốc lộ 3, đường ĐT 266 kết nối quốc lộ 37, đường quốc lộ 3 đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Ga Lương Sơn.

Khu vực này có các khu chức năng: Khu công nghiệp Sông Công I, Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp, Trường cao đẳng Công nghệ và Thương mại, trường Văn hóa - Cục Đào tạo - Bộ Công an, các khu dân cư hiện hữu phát triển dọc đường Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, đường Cách Mạng Tháng Mười. Đây là một lợi thế rất lớn để hình thành và phát triển các chức năng dịch vụ thương mại, giáo dục đào tạo và các khu, cụm công nghiệp phía Đông thành phố Sông Công.

Tại đây phát triển các khu, cụm công nghiệp; hình thành và phát triển khu logistic (giao vận, trung chuyển hàng hóa,...); phát triển khu đô thị mới hiện đại, các trung tâm thương mại, mua sắm, bán lẻ, chợ, siêu thị, nhằm gắn kết với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 3, cùng với đó phát triển khu nhà ở xã hội.

Khu vực đường Thắng Lợi định hướng quy hoạch các khu chức năng xây dựng công trình hỗn hợp nhằm tạo điểm nhấn không gian cho toàn đô thị, khuyến khích việc kết hợp các khu đất thành khu đất lớn hơn để xây dựng công trình hợp khối đồng bộ.

Khu vực IV là khu đô thị sinh thái phường Lương Sơn với diện tích 1.382,20 ha; dân số 26.741 người (năm 2030), 21.393 người (năm 2040), gồm hai đơn vị ở.

Với tính chất là một phường nội thị, Lương Sơn có đặc trưng cảnh quan dân cư phân bố trên các vùng địa hình gò đồi, tạo thành các cụm làng xóm đan xen với vùng đất nông nghiệp và các ao, hồ nhỏ. Đặc điểm này rất thuận lợi để phát triển mô hình đô thị sinh thái vườn. Tại đây sẽ xây dựng các khu nhà ở cao cấp, khách sạn, nhà hàng ven sông, trung tâm mua sắm, nghỉ ngơi thư giãn và khai thác dịch vụ vui chơi giải trí trên sông Cầu.

Khu vực V là khu đô thị dịch vụ công nghiệp, tiện ích với diện tích 1.647,73 ha; dân số 21.624 người (năm 2030), 22.599 người (năm 2040) gồm hai đơn vị ở.

Là khu vực đô thị phía bắc thành phố Sông Công, tại đây đã và đang triển khai nhiều dự án như: Khu công nghiệp Sông Công II, Cụm công nghiệp Bá Xuyên, Khu đô thị dịch vụ tiện ích Khu công nghiệp Sông Công II,...

Định hướng quy hoạch đối với khu vực này là xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích kèm theo, khu nhà ở ở xã hội phục vụ khu công nghiệp.

Qua đánh giá các điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Sông Công sẽ nâng cấp hai xã Tân Quang và Bá Xuyên lên thành phường.

Do vậy trong tương lai, cần nâng cấp hệ thống giao thông và hạ tầng đạt tiêu chuẩn phường; đặc biệt cần bổ sung và nâng cấp các tuyến đường kết nối với trung tâm thành phố, tổ chức các không gian tiện ích và dịch vụ đô thị để thu hút nguồn lao động công nghệ cao, tăng mật độ dân cư cho khu vực.

Quy hoạch trục đường giao thông có bề rộng 25,5-36 m theo hướng đông tây, điểm đầu quốc lộ 3 điểm cuối hồ Núi Cốc, dọc tuyến đường này phát triển các khu chức năng: trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục, y tế, thương mại tạo động lực phát triển kinh tế xã hội khu vực. 

Khu vực VI là khu đô thị sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khu này có diện tích 1.011,40 ha; dân số 14.494 người (năm 2030), 10.736 người (năm 2040) gồm một đơn vị ở.

Khu vực có đặc trưng cảnh quan dân cư phân bố trên các vùng địa hình gò đồi, tạo thành các cụm làng xóm đan xen với vùng đất nông nghiệp và các ao, hồ nhỏ. Đặc điểm này rất thuận lợi để phát triển mô hình đô thị sinh thái vườn, một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp sạch với các hoạt động du lịch sinh thái.

Khu vực VII là khu dân cư nông thôn đô thị hóa kết hợp với phát triển nông nghiệp sinh thái với diện tích 1.131,89 ha; dân số 7.298 người (năm 2030), 7.442 người (năm 2040) gồm một đơn vị ở.

Khu vực này hiện đang là khu vực dân cư làng xóm đan xen đất nông nghiệp. Một số quỹ đất nông nghiệp có quy mô lớn, phân bố giữa các cụm làng xóm và ven sông Công, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất và xây dựng các mô hình trang trại.

Tại đây sẽ quy hoạch các khu vực dịch vụ khai thác cảnh quan ven Sông Công; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao tại những khu vực thuận lợi về quỹ đất.

Khu vực VIII là khu dân cư nông thôn đô thị hóa kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái thể thao Hồ Ghềnh Chè. Khu vực này có diện tích 494,85 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 21.730 người.

Tại đây sẽ khai thác cảnh quan thiên nhiên Hồ Ghềnh Chè, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, thể dục thể thao, sân golf.

Xây dựng nông thôn mới gắn với việc hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn; ưu tiên phát triển chức năng dịch vụ - du lịch - giải trí gắn với cảnh quan đồi chè, cảnh quan hồ Ghềnh Chè.

Khu vực này hạn chế mở rộng hoặc hình thành thêm các điểm dân cư nông thôn nhỏ lẻ, phân tán.