Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.

(Thiết kế: Xuân Nghĩa).

Việt Nam cán mốc 9 triệu tài khoản chứng khoán

Theo dữ liệu Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đến cuối tháng 10 đạt 9,02 triệu đơn vị. Con số này tiếp tục tăng trong tháng 11, lên 9,16 triệu đơn vị, trong đó cá nhân trong nước chiếm 9,09 triệu đơn vị.

Tuy số lượng tài khoản đạt hơn 9 triệu đơn vị, một số nhà phân tích cho biết tỷ lệ hoạt động (active) thực tế vẫn thấp. Vào cuối năm 2023, thị trường từng chứng kiến VSDC giảm hàng trăm ngàn tài khoản do một số công ty chứng khoán thực hiện rà soát, chủ động đóng tài khoản mở mới mà không có giao dịch.

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Chính phủ thông qua, mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đạt 9 triệu đơn vị vào năm 2025 và 11 triệu đơn vị vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Mức tăng/giảm tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước. (Nguồn: Xuân Nghĩa tổng hợp từ VSDC).

Dù thị trường chưa bùng nổ, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) vẫn gia tăng trong năm 2024. Theo dữ liệu Chứng khoán BIDV (BSC) tổng hợp, cho vay margin tại cuối quý III đạt trên 224.000 tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD), tăng hơn 2% so với cuối quý II, đồng thời lập đỉnh cao mới.

Dư nợ cho vay margin tiếp tục tăng trong quý III nhưng thanh khoản trên thị trường chưa thực sự sôi động cho thấy phần tăng thêm chưa đi vào vòng quay giao dịch trên thị trường.

Mặt khác, làn sóng tăng vốn ồ ạt của các công ty chứng khoán làm cho dư địa cho vay margin được nới rộng đáng kể.

(Nguồn: BSC).

Khối ngoại bán ròng kỷ lục

Khối ngoại đánh dấu một năm bán ròng lớn nhất lịch sử 24 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị bán ròng lũy kế 11 tháng đầu năm đã gần 90.000 tỷ đồng (hơn 3,5 tỷ USD), và tiếp tục gia tăng trong tháng 12. 

Theo các nhà phân tích, việc mạnh tay bán ròng của khối ngoại đến từ nhiều nguyên nhân chính như yếu tố tỷ giá, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, dòng tiền chảy về các thị trường phát triển, quỹ thay đổi khẩu vị đầu tư… Áp lực của khối ngoại góp phần ghìm đà tăng của thị trường, cũng như tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

 

VN-Index liên tục thách thức mốc 1.300 điểm

VN-Index tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp. Tính đến hết tháng 11, chỉ số đã tăng gần 11% so với cuối 2023. Tuy vậy, câu chuyện đáng nói là VN-Index vẫn chưa chinh phục thành công mốc 1.300 điểm thành công, dù rất nhiều lần tiến lên khu vực 1.290 - 1.300 điểm.

Đợt duy nhất chỉ số tiến lên trên 1.300 điểm rơi vào giữa năm, song cũng chỉ “trụ” đúng hai phiên (12/6 và 13/6). Tính đến hết 20/12, chỉ số đang ở 1.257,5 điểm, tương đương với vốn hóa sàn HOSE đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng.

VNDirect bị hacker quốc tế tấn công khiến hệ thống tê liệt một tuần

Lần đầu tiên một công ty chứng khoán top đầu tại Việt Nam bị tấn công khiến hệ thống không thể hoạt động cả tuần lễ. Cụ thể, 10h sáng ngày 24/3, hệ thống của VNDirect (Mã: VND) đã bị hacker quốc tế tấn công theo hình thức ransomware, nhà đầu tư không thể đăng nhập và giao dịch.

Ngay sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã tạm ngắt kết nối giao dịch của công ty chứng khoán này. Phải đến 1/4, tức sau một tuần, hệ thống của VNDirect mới bắt đầu hoạt động trở lại.

Chúng tôi thiệt hại thật sự rất lớn cả về kinh tế lẫn uy tín. Nhưng nó không lãng phí, vì chúng tôi đã học ra được rất nhiều bài học quý báu trong quá trình này.”, Chủ tịch VNDirect Phạm Minh Hương chia sẻ tại tâm thư sau sự cố.

Ransomware (tấn công mã hóa dữ liệu) là hình thức tấn công mạng không mới nhưng rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều thời gian mới có thể làm sạch các dữ liệu, khôi phục hoàn toàn hệ thống, đưa các hoạt động bình thường trở lại. Sự cố tấn công mạng vào VNDirect một lần nữa cho thấy mức độ nguy hiểm của ransomware. 

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lên cao

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), áp lực đáo hạn vào năm 2024 - 2025 là tương đối lớn khi nhiều trái phiếu đáo hạn vào 2023 được gia hạn thêm 1 - 2 năm. Từ đầu năm 2023, khoảng 36.915 tỷ đồng trái phiếu đã được kéo dài thời gian đáo hạn sang giai đoạn 2024 - 2025.

Giá trị trái phiếu đến hạn vào năm 2024 và 2025 lần lượt là 278.210 tỷ đồng và 294.436 tỷ đồng, trong đó có khoảng 40% là trái phiếu bất động sản. 2024 cũng là năm mà một số điều thuộc Nghị định 08 hết hiệu lực và áp dụng trở lại Nghị định 65, hoạt động phát hành để đảo nợ có thể sẽ gặp khó khăn khi các quy định về phát hành trở nên chặt chẽ hơn.

(Nguồn: VBMA).

Thay tên đổi chủ tại nhiều công ty chứng khoán

Hoạt động chuyển nhượng vốn của cổ đông lớn các công ty chứng khoán diễn ra sôi nổi trong 2024. Chứng khoán Thủ Đô, Chứng khoán RHB, Chứng khoán Sen Vàng, Chứng khoán Việt Tín, Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia, Chứng khoán SaigonBank Berjaya đều đã đổi chủ.

Để phù hợp với định hướng hoạt động mới, nhiều đơn vị đã hoặc đang thực hiện thay tên thương hiệu.

Ví dụ, Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia đổi tên thành Chứng khoán UP (UPS). UPS nêu việc đổi thương hiệu nằm trong chiến lược phát triển dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ nhà đầu tư mới, hướng đến các giải pháp tài chính đầu tư cá nhân dành cho giới trẻ.

Chứng khoán Sen Vàng đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC), với bóng dáng của Xuân Thiện Group. Chứng khoán Việt Tín đổi tên thành Chứng khoán VTG.

Song song với đổi chủ, thay tên, một số đơn vị cũng thực hiện cơ cấu lại nhân sự cấp cao, đổi trụ sở, hay lên kế hoạch tăng vốn… từ đó báo hiệu những chuyển động mới của hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Loạt doanh nghiệp tên tuổi bị hủy niêm yết

Năm 2024 đánh dấu việc nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX. Một số trường hợp nổi bật kể đến như Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), Hoàng Anh Gia Lai Agrico (Mã: HNG), Thiên Nam Group (Mã: TNA), Thép Pomina (Mã: POM), Chiếu xạ An Phú (Mã: APC), Nước giải khát Chương Dương (Mã: SCD), Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF), Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS)…

Các nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ, lỗ liên tiếp ba năm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang gặp nguy cơ hủy niêm yết thời gian tới kể đến Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) hay Vietnam Airlines (Mã: HVN).

Nguyên do của DLG là báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, công ty này có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến tương tự. Với Vietnam Airlines, 2023 đã là năm thứ 4 liên tiếp hãng hàng không báo lỗ, với con số lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ trên 5.800 tỷ đồng. Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối 2023 là 40.957 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, năm 2024 ghi nhận các trường hợp niêm yết mới đáng chú ý như Chứng khoán DSC (Mã: DSC), Chứng khoán DNSE (Mã: DSE), Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI), Gelex Electric (Mã: GEE), Mộc Châu Milk (Mã: MCM), Royal Invest (Mã: RYG), Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR)…

Thương vụ mua lại cổ phiếu lịch sử của Vinhomes

Vinhomes đã đăng ký mua lại 370 triệu cổ phiếu và đã thực hiện gần 247 triệu cổ phiếu, từ ngày 23/10 đến 21/11. Với giá bình quân là hơn 42.444 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền mà công ty đã chi ra để thực hiện giao dịch này lên tới 10.482 tỷ đồng - lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mục đích của việc mua lại cổ phiếu quỹ là nhằm bảo vệ lợi ích cho cổ đông, khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị của công ty.

Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thông báo hủy đăng ký lượng cổ phiếu mua lại vào ngày 17/12. Sau khi thực hiện việc giảm vốn, tổng khối lượng cổ phiếu VHM còn lại đạt hơn 4,1 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ hơn 41.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vinhomes).

Thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi

Ngày 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong Luật Chứng khoán sửa đổi lần này, một số các điều luật và quy định đáng chú ý được bổ sung nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả cũng như là tăng cường công tác giám sát các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.

Bên cạnh đó, bộ Luật cũng quy định thêm về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài, và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân sẽ được tham gia vào một số trường hợp cụ thể. Luật Chứng khoán sửa đổi đồng thời cũng tập trung tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, hướng tới mục tiêu được nâng hạng thị trường.

Tháo gỡ Pre-funding cho nhà đầu tư nước ngoài

Từ 2/11, Thông tư 68 do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực. Thông tư này đóng vai trò quan trọng trong việc bãi bỏ yêu cầu ký quỹ toàn bộ đối với các tổ chức đầu tư nước ngoài (Non Pre-funding). Các thay đổi về cơ chế giao dịch này có thể mở đường cho việc triển khai các hệ thống giao dịch phức tạp hơn, như hệ thống giao dịch KRX và cơ chế đối tác thanh toán trung tâm (CCP).

Thông tư 68 cùng với Luật Chứng khoán sửa đổi đang cải thiện sự bình đẳng và minh bạch thông tin cho các nhà đầu tư, vốn là tiêu chí mà thị trường chứng khoán Việt Nam thường bị các tổ chức đánh giá thấp.

Với các quy định nghiêm ngặt hơn về công bố thông tin và việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc mở tài khoản giao dịch, cùng với việc loại bỏ các tiêu chí tham gia thị trường trái phiếu, Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút dòng tiền ngoại tiềm năng. Điều này giúp nâng cao vị thế và chất lượng của thị trường vốn, tiến tới mục tiêu nâng hạng.

CÙNG CHUYÊN MỤC