Tâm điểm vĩ mô 2025: Đồng USD sẽ yếu đi hay mạnh lên?
- 17/01/2025 11:13
- Hạ An
Trong năm 2025, nhiều yếu tố vĩ mô sẽ tác động đến triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam sẽ được thúc đẩy nhờ: Đầu tư công mạnh mẽ khi rào cản pháp lý được tháo gỡ và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tham vọng; Chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ cũng dần được cải thiện nhờ triển vọng hoạt động du lịch mạnh mẽ; Thị trường bất động sản phục hồi; Giá dầu và thép giảm nhưng vàng kỳ vọng tiếp tục tăng và mặt bằng lạm phát hạ nhiệt.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đối diện với một số thách thức, gồm: USD tiếp tục mạnh lên tạo ra mối lo ngại về thị trường ngoại hối; Hiệu suất kinh doanh tại Mỹ cải thiện nhưng chi tiêu tiêu dùng có thể chậm lại và hiệu quả chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc vẫn là dấu hỏi lớn.
Mặc dù những cơn gió ngược của năm 2024 dường như đang dịu bớt, môi trường địa chính trị trong năm 2025 vẫn còn nhiều yếu tố bất định, dẫn đến các dự báo tăng trưởng không đồng nhất từ các tổ chức lớn. Trước bối cảnh bất định trên, nhà đầu tư cần quan tâm đến một số yếu tố vĩ mô:
Sự trở lại của Tổng thống Trump
Theo các nhà phân tích từ VNDirect, trong khi nới lỏng tiền tệ là chủ đề của năm 2024, những bất ổn địa chính trị xung quanh sự trở lại của Trump là một trong những yếu tố chính yếu vào năm 2025.
Thuế quan Trung Quốc tạo cơ hội cho Việt Nam, ông Trump đã tuyên bố áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Sau khi Mỹ tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng ở mức khoảng 25% mỗi năm cho đến năm 2022.
Do đó, các nhà phân tích lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam khi Trung Quốc có nguy cơ bị áp thuế cao hơn. Trump cũng đe dọa áp thuế đối với các quốc gia BRICS nếu họ cố gắng làm suy yếu vị thế của đồng USD.
Mối lo ngại Việt Nam bị áp thuế do thặng dư thương mại với Mỹ cao có lẽ bị thổi phồng. Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ sau Trung Quốc và Mexico, và được dự báo sẽ mở rộng hơn nếu ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc và Mexico.
Tổng thống Trump vẫn chưa đề xuất bất kỳ biện pháp thương mại nào chống lại Việt Nam và ông đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Tổng Bí thư Tô Lâm sau chiến thắng của mình. Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế do có thặng dư thương mại cao với Mỹ, nhưng không có bất kỳ sự xung đột đáng kể nào hiện tại giữa Việt Nam với Mỹ, như Mỹ đối với Trung Quốc và Mexico.
Ảnh hưởng của chính sách mới lên người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ khác nhau. Việc ông Trump đề xuất tăng thuế nhập khẩu sẽ gây áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ tất cả các nước.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể thúc đẩy lợi nhuận và mang lại lợi ích cho các công ty xuất khẩu hàng hóa/dịch vụ sang các doanh nghiệp Mỹ, như máy móc, thiết bị và đồ điện tử hay xuất khẩu phần mềm.
Đồng USD sẽ yếu đi hay mạnh lên?
Một câu hỏi được đặt ra là đồng USD sẽ yếu đi hay mạnh lên trong năm 2025. Trong khi Fed đã bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2024, đáng lý ra đồng USD sẽ phải yếu đi. Tuy nhiên, việc ông Trump đắc cử Tổng thống có thể sẽ thay đổi tất cả.
"Nền kinh tế Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ. Bước sang năm 2025, sự trở lại của ông Trump là một 'quân bài' nằm ngoài dự đoán mà không chỉ Mỹ mà các nền kinh tế khác cần biết cách chơi", báo cáo từ VNDirect nhận định.
Fed đang dần đạt được nhiệm vụ kép. Thị trường lao động mở rộng, với tỷ lệ thất nghiệp 4,2% trong tháng 11. PCE lõi hiện ở mức 2,8% svck. Fed đã bắt đầu xoay trục khi cắt giảm lãi suất điều hành 1%, kết thúc năm 2024 với lãi suất ở mức 4,25-4,50%. Trong khi năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt đối với chính sách tiền tệ của Mỹ, thì triển vọng năm 2025 vẫn còn nhiều bất định.
Trong khi Quy tắc Taylor, một trong những mô hình dự báo đáng tin cậy, chỉ ra ít nhất hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025, khả năng dự đoán của mô hình đã giảm đáng kể bởi những cú sốc không lường trước được, chẳng hạn như đại dịch. Điều này thể hiện những sai số trong dự báo lãi suất trước các sự kiện không lường trước được, bao gồm cả những thay đổi tiềm tàng trong bối cảnh chính trị với chiến thắng của ông Trump.
Tuy nhiên, đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của ông Trump xuống 15% thường sẽ thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ nhưng thuế quan có thể làm gia tăng lạm phát. Các biện pháp này có thể kích thích tăng trưởng Mỹ, song không loại trừ khả năng ông Trump ban hành các chính sách hạn chế thương mại hà khắc hơn.
Mức thuế thực tế của ông Trump có thể làm chệch hướng lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed, trong đó trường hợp xấu nhất là Fed không giảm lãi suất năm 2025.
Ở kịch bản này, đồng USD sẽ neo cao, và đây là một rủi ro đáng lo ngại nhất. Một kịch bản như vậy cuối cùng sẽ gây tổn hại không chỉ cho nền kinh tế toàn cầu mà còn cả nền kinh tế Mỹ và cần được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, ở kịch bản cơ sở, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng và lạm phát gia tăng dưới thời Trump 2.0.
Triển vọng này có thể định hình lập trường chính sách tiền tệ khá thận trọng của Fed vào năm 2025, nói cách khác, neo lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” để giảm thiểu áp lực lạm phát.
Các nhà phân tích VNDirect kỳ vọng đồng VND sẽ mất giá 2-3% so với USD trong 6 tháng đầu năm 2025 do đà tăng tiếp diễn của USD. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể thực hiện các biện pháp tương tự như kể từ quý II/2024, bao gồm bơm và rút ròng linh hoạt qua kênh OMO để duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức đủ cao nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn như tăng lãi suất repo đảo ngược và bán dự trữ ngoại hối cũng có thể được thực hiện.
Trong nửa cuối năm 2025, đồng VND có thể mạnh lên khi đồng USD suy yếu, cho phép NHNN tăng cường dự trữ ngoại hối và bơm thêm thanh khoản vào thị trường. Điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách thương mại của Mỹ và diễn biến chỉ số DXY. Các yếu tố khác hỗ trợ tỷ giá hối đoái bao gồm dòng vốn FDI mạnh, thặng dư thương mại cao và lượng kiều hối dồi dào.
Không nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ
Trong khi tất cả các nền kinh tế ASEAN, ngoại trừ Malaysia và Singapore, được dự đoán sẽ duy trì hoặc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP vào năm 2025, Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực.
IMF dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,1% vào năm 2025 nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ, đầu tư tư nhân và đầu tư công tăng nhanh. Còn Chính phủ hiện đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%.
Tuy nhiên, dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN có thể bị hạn chế, đặc biệt là khi chỉ số DXY có thể duy trì “cao hơn trong thời gian dài hơn” do các chính sách dự kiến của ông Trump. Đặc biệt khi các ngân hàng trung ương khác trong khu vực đang theo xu hướng cắt giảm lãi suất điều hành, việc mặt bằng lãi suất huy động tăng lên sẽ tiếp diễn trong năm 2025, mặc dù ở mức độ vừa phải.
Bất chấp những trở ngại bên ngoài trong năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng trong năm 2025. Do đó, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao 14% so với cùng kỳ trong năm 2025, báo cáo từ VNDirect dự báo.
Nhu cầu tín dụng cao sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng thương mại. Vì vậy, lãi suất huy động bình quân 12 tháng có thể tăng khoảng 0,5 điểm % trong năm 2025, đạt khoảng 5,4 - 5,6%/năm vào cuối năm 2025.
Nhìn chung, lãi suất huy động bình quân năm tới sẽ tăng lên, song vẫn thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước dịch COVID-19 (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân khoảng 6,8-7%/năm). Điều này sẽ giúp duy trì môi trường lãi suất cho vay thấp, khuyến khích người dân mở rộng kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2025.