Thanh khoản trên thị trường chứng khoán mất hút

VN-Index kết phiên sáng 21/11 tại 1.217,75 điểm, tăng 1,21 điểm so với phiên trước. Giá trị giao dịch chỉ đạt trên 3.400 tỷ đồng.

Sau phiên hồi phục vào thứ Tư, thị trường chứng khoán khởi đầu phiên 21/11 khá thận trọng. VN-Index giằng co quanh tham chiếu phần lớn thời gian phiên sáng, tạm dừng tại 1.217,75 điểm, nhỉnh hơn 1,21 điểm, tương đương tăng 0,1% so với phiên trước.

Thị trường ghi nhận phân hóa giữa các nhóm ngành cho đến từng mã trong ngành. Trên HOSE, 166 mã tăng, 153 mã giảm giá và 91 mã đi ngang. Rổ VN30 có 14 mã tăng, 7 mã giảm và 9 mã đi ngang, trong đó biên độ tăng/giảm lớn nhất không quá 1,4%.

 Diễn biến VN-Index qua một quý (đến sáng 21/11). (Biểu đồ: TRadingView).

Về cổ phiếu ảnh hưởng, top 10 mã kéo tăng chỉ số nhất phiên sáng đã số thuộc nhóm ngân hàng, gồm VCB, BID, HPG, GAS, VNM, VTP, VRE, STB, VPB, TPB. Phía đối diện, 10 mã FPT, BCM, CTG, EIB, GVR, SSI, SSB, GMD, VJC, KBC đóng vai trò ghìm chân chỉ số nhiều nhất.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 663 tỷ đồng trên sàn HOSE, tương ứng với 21 triệu cp. Các mã bị bán ròng với giá trị lớn nhất gồm VHM (207 tỷ đồng), HPG (73 tỷ đồng), SSI (68 tỷ đồng), FPT (53 tỷ đồng, KBC (44 tỷ đồng)…

Dòng tiền sụt giảm đáng kể. Tính hết phiên sáng, HOSE mới ghi nhận giá trị khớp lệnh đạt 3.077 tỷ đồng, tương ứng với 132 triệu đơn vị. Giao dịch thỏa thuận cũng ảm đạm với giá trị gần 343 tỷ đồng, tương ứng với gần 14 triệu đơn vị.

Tính chung, giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt 3.420 tỷ đồng, chưa bằng 20% của phiên trước (hơn 17.800 tỷ đồng phiên 20/11).

Thanh khoản chứng khoán vẫn duy trì thấp trong những tháng qua. Gần nhất, giá trị giao dịch sàn HOSE có lúc về dưới 11.000 tỷ đồng tại các phiên 28/10 và 5/11.

Theo T.S Nguyễn Hữu Huân chia sẻ tại một talkshow gần đây, diễn biến này có thể đến từ nhiều yếu tố. Fed đã giảm lãi suất, song xu hướng giảm lãi suất của Mỹ vẫn chưa rõ nét. Thị trường Việt Nam vẫn đang chờ đợi dòng vốn ngoại trở lại. Việt Nam đang có dòng vốn nội ổn định nhưng dòng tiền từ những nhà đầu tư mới chưa đáng kể.

Chứng khoán cũng gặp sự chia sẻ dòng tiền cho các kênh khác như bất động sản, vàng… Báo cáo tài chính quý III có tăng trưởng nhưng chưa thực sự đủ để tạo một cú hích cho thị trường chứng khoán. Mặt khác, thị trường đang thiếu vắng những hàng hóa mới để nhà đầu tư lựa chọn, trong khi các cổ phiếu tốt gần như đã tăng giá.

CÙNG CHUYÊN MỤC