Thị trường cổ phiếu phân hóa mạnh nửa đầu 2025: Bộ đôi VIC, VHM gấp đôi; BCG, TCD rớt hơn 50%

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận mức tăng điểm ấn tượng, nhưng bên trong lại là bức tranh phân hóa rõ rệt. Trong khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn phục hồi mạnh, đặc biệt là VIC, VHM, GEX, thì không ít mã từng hút dòng tiền như BCG, TCD lại giảm sâu, mất hơn một nửa giá trị.

VN-Index kết thúc nửa đầu năm với mức tăng 8,6%, dẫn đầu khu vực về hiệu suất. Diễn biến tích cực này đến trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro thương mại, đặc biệt là thuế đối ứng có thể lên tới 46%. Tuy vậy, kỳ vọng vào tiến trình giảm thuế, cải cách nâng hạng thị trường và sự phục hồi từ nhóm cổ phiếu trụ đã góp phần duy trì tâm lý tích cực.

Dù vậy, đà tăng không lan tỏa đồng đều. Trên từng thị trường giao dịch, các cổ phiếu tăng mạnh và giảm sâu cùng lúc xuất hiện, thể hiện rõ xu hướng chọn lọc và tâm lý giao dịch phân hóa trong giai đoạn nửa đầu năm. 

"Cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất nửa đầu năm". (Ảnh minh hoạ: X.N).

Tại sàn HOSE, cổ phiếu GEE ghi nhận mức tăng ấn tượng nhất với 249% sau 6 tháng giao dịch. Theo sát phía sau là VIC với mức tăng 136%. GEX xếp thứ ba khi tăng 109%, còn HHS cũng vượt mốc ba chữ số với mức tăng 106%.

Nhóm cổ phiếu có mức tăng đáng kể tiếp theo gồm VHM tăng 92%, APG tăng 80%. Các mã SBT, LDG, CRC và LGL cũng lần lượt tăng từ 59% đến 66%. Top tăng giá trên HOSE ghi nhận sự áp đảo của ngành bất động sản.

Trong đó, VIC và VHM với vốn hoá lớn đã hỗ trợ tốt nhất cho đà tăng của VN-Index. Hai mã “họ Vin” tăng tích cực trong bối cảnh nhiều dự án của tập đoàn có những chuyển biến mới, hay việc Vinpearl (VPL) niêm yết thành công lên HOSE vào tháng 5.

Chiều ngược lại, TCD là cổ phiếu giảm mạnh nhất HOSE khi mất 58% giá trị trong nửa đầu năm. BCG xếp sau với mức giảm 54%. Bộ đôi “họ Bamboo Capital” lao dốc từ tháng 3 trước thông tin bất lợi về việc một số lãnh đạo trong hệ sinh thái bị khởi tố.

Các mã NO1 và ORS lần lượt giảm 35% và 34%. Ngoài ra, danh sách giảm giá còn ghi nhận các mã như VPG, FUCTVGF5, TCO, VPH, YEG và TCM, đều giảm trên 26%.

  (Nguồn: X.N tổng hợp).

Trên sàn HNX, cổ phiếu NFC dẫn đầu đà tăng với 240%, theo sau là BKC tăng 182%. NFC có cú lột xác từ cuối tháng 4, khi thanh khoản cải thiện lên vài chục ngàn đến cao nhất hơn 100.000 đơn vị khớp lệnh. Cổ phiếu phân bón này đã xuất hiện những phiên tăng trần liên tiếp.

Với BKC, đà tăng chủ yếu diễn ra vào hai tháng đầu năm, với hàng chục phiên trần, đồng pha với sóng cổ phiếu khai thác khoáng sản. Thị giá BKC sau khi đạt đỉnh trên 93.000 đồng/cp vào cuối tháng 2 đã dần điều chỉnh về dưới 40.000 đồng/cp kết thúc tháng 6.

Hai vị trí tiếp theo thuộc về KHS tăng 170% (thực phẩm) và PRC tăng 144% (logistics). Một số mã khác như L40, THS, VTV, CMC, VC6 và DL1 cũng có mức tăng đáng kể, dao động từ 69% đến 132%.

Chiều giảm ghi nhận PGN là cổ phiếu mất giá mạnh nhất trên HNX, giảm 61% trong nửa đầu năm. PGN từng tăng giá đáng kể trong 4 tháng cuối 2024, nhưng đã đánh bay toàn bộ thành quả sau đó, thị giá rơi về dưới 6.000 đồng/cp.

TBX giảm 55%, TIG mất 47% và SDA giảm 42%, nằm trong nhóm có biên độ điều chỉnh sâu nhất. Các cổ phiếu như CTP, NHC, SGH, CAN, TTL và TTC cũng ghi nhận mức giảm khá lớn, từ 35% đến gần 40%.

  (Nguồn: X.N tổng hợp).

Trên thị trường UPCoM, cổ phiếu DNN tăng 550%, cao nhất trong toàn bộ thống kê. Từ vùng giá 200 đồng/cp vào cuối năm 2024, mã này đã tăng vọt lên 1.300 đồng/cp vào ngày 30/6, tương đương mức tăng 550%. DNN bất ngờ có thanh khoản trở lại trong hai tháng gần đây – trùng với giai đoạn giá tăng mạnh, tuy nhiên khối lượng khớp lệnh một phiên cao nhất cũng chỉ đạt 300 cổ phiếu.

Các mã VES và TIN cũng lần lượt tăng 407% và 275%, đứng vị trí thứ hai và ba. STH tăng 186%, xếp thứ tư trong nhóm tăng mạnh nhất.

Tình hình kinh doanh của Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (TIN) có phần khởi sắc trong quý I, sau năm 2024 thua lỗ. Công ty ghi nhận thu nhập lãi thuần 412 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng – cũng là quý thứ hai liên tiếp có lãi.

Ngoài ra, danh sách tăng giá còn có các cổ phiếu như MGC, PLE, DLT, AGX, TOS và CMM – ghi nhận mức tăng từ 122% đến 174%, phản ánh sự chuyển động mạnh ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên thị trường này.

Ở chiều giảm, VTQ là mã giảm giá sâu nhất trên UPCoM và toàn thị trường, mất 72% giá trị sau 6 tháng. Sau nhiều năm gần như trắng thanh khoản, VTQ bất ngờ xuất hiện giao dịch. Cổ phiếu này rơi thẳng đứng trong tháng 5 với nhiều phiên sàn. Tuy nhiên, thanh khoản một phiên cao nhất chưa vượt mức 13.000 đơn vị.

Giảm trên 60% có GER giảm 63%, BCR giảm 62% và VE8 giảm 61%. Trong đó, BCR cũng thuộc “họ Bamboo Capital” và chịu áp lực từ tháng 3.

Danh sách còn có các cổ phiếu HES, HTP, L35, PXA, PEG và L45 với mức giảm từ 48% đến 60%, tạo nên nhóm giảm sâu rõ rệt trên UPCoM trong nửa đầu năm.

(Nguồn: X.N tổng hợp).

Ở góc độ đầu tư, nếu mua cổ phiếu GEE và nắm giữ đến hết tháng 6, giá trị khoản đầu tư có thể gấp 3,5 lần. Trường hợp tương tự với VIC, mức lãi đạt hơn 130%. Trên thị trường UPCoM, việc nắm giữ DNN từ đầu năm mang lại tỷ suất đến 550% (gấp 6,5 lần).

Ngược lại, nếu nhà đầu tư mua TCD đầu năm và không bán, khoản đầu tư có thể mất gần 60% giá trị. Cổ phiếu VTQ giảm tới 72%, tức tài khoản đầu tư có thể còn chưa đến 1/3 giá trị ban đầu. Những trường hợp như BCG, PGN hay GER cũng ghi nhận mức lỗ từ 50–63%.

Sự chênh lệch này thể hiện mức độ phân hóa cao giữa các cổ phiếu trên thị trường trong nửa đầu năm 2025, với nhiều trường hợp biến động vượt xa chỉ số chung.

CÙNG CHUYÊN MỤC