Thông tin quy hoạch nên biết khi mua nhà đất tại TP Nha Trang, Khánh Hòa

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa, là một trong ba vùng động lực phát triển, nằm trong hai hành lang kinh tế của tỉnh. Cùng điểm qua những thông tin quy hoạch nổi bật tại TP Nha Trang.

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Thành phố này nằm ở phía đông tỉnh Khánh Hòa, có vị trí địa lý phía bắc giáp thị xã Ninh Hòa; phía nam giáp huyện Cam Lâm; phía tây giáp huyện Diên Khánh; phía đông giáp Biển Đông.

TP Nha Trang có 27 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 19 phường gồm Lộc Thọ, Ngọc Hiệp, Phước Hải, Phước Hòa, Phước Long, Phước Tân, Phước Tiến, Phương Sài, Phương Sơn, Tân Lập, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Xương Huân và 8 xã Phước Đồng, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung

 Một góc TP Nha Trang hiện nay. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Là vùng động lực phát triển của Khánh Hòa, nằm trong hai hành lang kinh tế

Theo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nha Trang là một trong ba vùng động lực phát triển của tỉnh này. 

Quy hoạch sẽ phát triển TP Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trường quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Cùng với đó, thành phố còn nằm trên hai hành lang kinh tế của tỉnh Khánh Hòa là hành lang kinh tế Bắc - Nam và hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh.

Trong đó, hành lang kinh tế Bắc - Nam là một bộ phận của hành lang kinh tế Bắc - Nam của quốc gia. Đây là hành lang kinh tế chủ đạo của tỉnh Khánh Hòa, gắn với trục giao thông Bắc - Nam, kết nối ba vùng động lực phát triển, kết nối chuỗi đô thị ven biển, các hạ tầng cửa ngõ như cảng biển, cảng hàng không...

Hành lang Nha Trang - Diên Khánh - Khánh Vĩnh (trên cơ sở QL 27C và cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng), hành lang này tăng cường hiệu ứng lan tỏa phát triển từ TP Nha Trang; kết nối tổng hợp cả về đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; kết nối khu vực Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với tỉnh Lâm Đồng.

TP Nha Trang có diện tích tự nhiên là 251 km2 và dân số theo cập nhật mới nhất là 535.000 người.

Mở rộng thêm 1.300 ha

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040 được phê duyệt hồi cuối tháng 3 vừa qua, khoảng 1.300 ha từ huyện Diên Khánh sẽ được sáp nhập vào TP Nha Trang.

Theo đó sau khi sáp nhập một phần đất của huyện Diên Khánh, thành phố có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.700 ha. Dân số Nha Trang dự báo đến năm 2040 khoảng 750.000 - 780.000 người.

Về đất đai, đến năm 2030 đất xây dựng toàn đô thị gần 10.000 ha (trung bình 156 m2/người), năm 2040 đạt khoảng 11.792 ha (trung bình 151 m2/người).

TP Nha Trang sẽ là trung tâm, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế, dịch vụ cảng biển du lịch, thương mại - tài chính của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Khánh Hòa; có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

Thành phố được định hướng phát triển gồm 14 khu vực như trung tâm ven biển và phía nam sông Cái, sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận, Khu đô thị ven biển, phía đông đường sắt - từ bắc sông Cái đến mũi Kê Gà...

Loạt dự án hạ tầng trong nội thành TP Nha Trang

Hồi trong năm 2023, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã đề xuất chủ trương đầu tư ba dự án gồm cải tạo, tổ chức giao thông nút giao đường vành đai 2 và đường Tố Hữu, kết hợp mở rộng cầu Quán Trường; đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Xiển; đường D25 và kênh thoát lũ Vĩnh Trung.

Tổng mức đầu tư ba dự án này khoảng 2.450 tỷ đồng. Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh, có tính cấp bách cần sớm được đầu tư để đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cùng năm, báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư các công trình xây dựng TP Nha Trang cho biết, cầu Phú Kiểng mới sẽ được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép ngay tại vị trí cầu gỗ Phú Kiểng hiện nay. Cầu có chiều dài 280 m, ngang 16 m.

 Cầu gỗ Phú Kiểng hiện tại. (Ảnh: Báo Khánh Hòa).

UBND TP Nha Trang đã thông qua chủ trương đầu tư cầu Phú Kiểng để thay thế cầu gỗ hiện hữu. Theo đó, cầu Phú Kiểng sẽ được xây dựng hoàn thiện với các tuyến đường kết nối vào cầu theo quy hoạch được duyệt. Tổng mức đầu tư khoảng 477 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp khoảng 300 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác.

Bên cạnh các dự án hạ tầng trong nội thành, TP Nha Trang cũng được hưởng lợi từ loạt cao tốc như cao tốc Vân Phong - Nha Trang; cao tốc Nha Trang - Cam Lâm; cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Nha Trang - Liên Khương.

Trong đó, có hai tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Đối với ba tuyến cao tốc còn lại, cao tốc Vân Phong - Nha Trang đi qua huyện Vạn Ninh, TX Ninh Hòa, huyện Khánh Vĩnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư trên 11.808 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án 83,35 km. Tuyến cao tốc này được khởi công vào 1/1/2023, dự kiến hoàn thành sau 34 tháng.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (phần Khánh Hòa thực hiện) có điểm đầu từ nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1 thuộc khu vực Cảng Nam Vân Phong (TX Ninh Hòa); điểm cuối tại Km32 + 000 thuộc địa phận xã Ninh Tây (TX Ninh Hòa).

Quy mô đầu tư cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h; tổng mức đầu tư của dự án khoảng 5.632 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này được dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cuối cùng là cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) (CT 25)  có tổng chiều dài khoảng 103 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 48 km, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 36.200 tỷ đồng, dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến 2028.