Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định

Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho ý kiến thống nhất về phương án tuyến đối với cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 . Đồng thời, xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép dự án được thực hiện đầu tư theo loại hợp đồng BOT.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 bằng vốn ngân sách trung ương.  

Bản đồ hướng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang. (Ảnh: Báo Chính phủ). 

Bộ GTVT cũng đã đồng ý với kiến nghị đề xuất của tỉnh về hướng tuyến, loại hình hợp đồng theo hình thức BOT và phương án tài chính 70 - 30; trong đó vốn trung ương và địa phương 70%, vốn nhà đầu tư 30%. Tuyến cao tốc này có chiều dài 39 km tổng mức đầu tư 11.556 tỷ đồng. 

Hà Nội sẽ làm Vành đai 3 qua huyện Đông Anh với gần 7.700 tỷ đồng 

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Đông Anh đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh.

Tuyến có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội, cụ thể gồm xã Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh, Tiên Dương, Vân Nội, Dục Tú, Bắc Hồng, Nam Hồng. Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 7.690 tỷ đồng. Về tiến độ, tuyến đường này được dự kiến khởi công vào quý IV/2025, dự kiến hoàn thành quý III/2028.

Duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh 

Theo VnExpress, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa qua đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cam Ranh đến năm 2045.

Cam Ranh được định hướng trở thành khu đô thị du lịch - logistics và trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật của khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa.

 Một góc TP Cam Ranh. (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ).

Đến năm 2045, dân số của thành phố khoảng 823.000 người. Đất xây dựng toàn đô thị trên 14.600 ha, bình quân 124,5 m2 một người.

Hơn 7.237 tỷ đồng mở rộng 7 km quốc lộ 91 tại Cần Thơ

UBND TP Cần Thơ vừa qua đã có Quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7), do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư.

Điểm đầu nằm tại nút giao đường Cách mạng Tháng 8 - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi, thuộc địa phận quận Ninh Kiều. Điểm cuối kết nối với đoạn Km7+00 Km14+000 (do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện) đang khai thác, thuộc địa phận quận Bình Thủy.

Bản đồ hướng tuyến dự án nâng cập, mở rộng quốc lộ 91. (Ảnh chụp từ văn bản ĐTM dự án).

Về quy mô dự án, tổng chiều dài tuyến khoảng 7 km, bao gồm phần cầu Bình Thủy có chiều dài khoảng 145 m (chiều dài cầu chính), với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 7.237 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

TP Nam Định được mở rộng gấp 2,6 lần

Theo VnExpress, ngày 23/7, với 100% đại biểu có mặt đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của ba tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.

Theo đề án của tỉnh Nam Định, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Mỹ Lộc được nhập vào TP Nam Định. Huyện Mỹ Lộc hiện rộng 74 km2, dân số 84.000 với 11 đơn vị hành chính cấp xã.

TP Nam Định rộng 46 km2, 280.000 dân, có 22 phường và 3 xã. Sau sáp nhập, TP Nam Định sẽ rộng hơn 120 km2, gần 365.000 người, gồm 13 xã, 22 phường và một thị trấn.

Bổ sung thêm 6.300 tỷ đồng vốn cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án đường cao tốc do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và tiến độ giải ngân, bố trí vốn cho các dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 8.680 tỷ đồng bổ sung từ nguồn tăng thu Ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án trọng điểm của Bộ GTVT, trong đó chủ yếu bổ sung cho các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là 6.300 tỷ đồng để tiếp tục triển khai.

Các Bộ đang hoàn chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được bố trí trong tháng 8. Nếu tính cả nguồn được phân bổ thêm, tổng kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao năm nay là 71.280 tỷ đồng.

Đề xuất đầu tư 4 nút giao lớn ở TP HCM

Theo VnExpress, Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa qua đề xuất UBND thành phố ưu tiên nhóm dự án trọng điểm giai đoạn 2024 - 2028. Kinh phí cho mỗi công trình khoảng 400 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Loạt dự án này bao gồm ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 3, 10); ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 5, 10);  cầu vượt giảm kẹt ở nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp và nút giao quốc lộ 1 - đường số 7 - 8 (quận Bình Tân).