Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (28/12 - 3/1): Duyệt quy hoạch TP HCM, làm 95 km đường gom cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Duyệt quy hoạch TP HCM; 2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Cà Mau; Đồng Nai đề xuất làm đường trên cao dọc QL 51; Bình Phước chuẩn bị làm 95 km đường gom cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.

Duyệt quy hoạch TP HCM

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về kinh tế, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD.

 TP HCM hiện nay. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Về xã hội, dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của Thành phố đến năm 2030 là khoảng 11,0 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; chỉ số phát triển con người HDI trên 0,85. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%.

2.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay Cà Mau

Vừa qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP đã công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau.

 Khu vực làm sân bay Cà Mau. (Ảnh chụp từ văn bản).

Diện tích khu đất sau khi mở rộng, nâng cấp giai đoạn đến năm 2030 là hơn 184 ha. Tiến độ thực hiện dự án  dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2025, hoàn thành sau 12 tháng thi công.  Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 2.400 tỷ đồng.

Đồng Nai đề xuất làm đường trên cao dọc QL 51

Ngày 2/1, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì buổi làm việc để nghe CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM báo cáo đề xuất ý tưởng dự án đường trên cao dọc tuyến quốc lộ 51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11. 

Theo đề xuất của doanh nghiệp, đường trên cao dọc tuyến quốc lộ 51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11 gồm có ba hạng mục. Trong đó, đối với hạng mục xây dựng đường trên cao dọc tuyến quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 5,5km. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng.

Hà Nội duyệt hạng mục quan trọng nhất cầu Thượng Cát

Ngày 31/12, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định Phê duyệt Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.

 Khu vực dự kiến xây cầu Thượng Cát. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ). 

Tổng chiều dài cầu và hai đầu cầu là 5,226 km, chiều dài đường dẫn 1,321 km, chiều dài cầu 3,9046 km, chiều dài cầu chính 0,78 km; chiều rộng cầu đảm bảo 8 làn xe (6 làn cơ giới và 2 làn thô sơ); chiều rộng cầu chính 35 m, chiều rộng cầu dẫn 31 m. Tổng kinh phí đầu tư 7.302 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến 2027.

Bình Phước sẽ làm 95 km đường gom cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước đã công bố Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

 Hướng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thể hiện bản đồ Google vệ tinh. 

Về quy mô xây dựng, phần đường gom dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường có bề rộng từ 5 - 7 m, tổng chiều dài khoảng 95 km, cụ thể, huyện Bù Đăng có chiều dài khoảng 40,3 km (trái tuyến 24 km, phải tuyến 16,28 km). Tổng mức đầu tư đề nghị thẩm định, phê duyệt là 951 tỷ đồng.

Duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua đã ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Về tính chất đô thị, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Dự báo phát triển, về dân số, đến năm 2030 dự kiến là 12 triệu người (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%; đến năm 2045 là 14,6 triệu người (trong đó thường trú khoảng 13 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.

Mở rộng TP Hà Tĩnh

Theo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 138 km2, dân số 81.620 người của 11 xã thuộc huyện Thạch Hà sẽ sáp nhập vào TP Hà Tĩnh. 

Ngoài ra, hai xã của huyện Cẩm Xuyên (Cẩm Vịnh, Cẩm Bình) và một xã ở huyện Lộc Hà (Hộ Độ) với quy mô dân số 21.953, diện tích tự nhiên 24,74 km, cũng được sáp nhập vào thành phố.

Với việc mở rộng địa giới hành chính vào đầu năm 2025, TP Hà Tĩnh sẽ trở thành đô thị năng động, hiện đại với diện tích 220 km2.

Thông xe 3 dự án giao thông lớn của khu Nam Sài Gòn

Ngày 30/12, ba dự án tại TP HCM bao gồm gói thầu HC1 thuộc dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; một đoạn đường song hành quốc lộ 50 thuộc dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 và cầu Phước Long được thông xe.

Thu hồi hơn 1.000 ha đất mở hai cao tốc qua Bình Phước

Theo danh mục dự án cần thu hồi đất năm 2025, tỉnh Bình Phước sẽ bắt đầu thu hồi đất để xây dựng hai dự án đường cao tốc lớn chạy qua địa bàn, gồm: Cao tốc TP HCM Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Cụ thể, với đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tỉnh sẽ thu hồi 82,2ha trên địa bàn xã Minh Thành và phường Nha Bích, thị xã Chơn Thành.

Mạng lưới giao thông quan trọng của tỉnh Bình Phước. Trong đó CT30 và CT2 lần lượt là cao tốc TP HCM - Chơn Thành và cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. 

Với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tỉnh sẽ thu hồi 122,81 ha tại thị xã Chơn Thành; 148 ha ở TP Đồng Xoài; 188 ha huyện Đồng Phú; và 500 ha thuộc huyện Bù Đăng.

Top dự án giao thông lớn nhất sẽ về đích năm 2025 ở Đà Nẵng

Theo kế hoạch đầu tư công của TP Đà Nẵng, trong năm 2025, dự kiến trên địa bàn thành phố sẽ có 17 dự án giao thông vận tải với tổng mức đầu tư 6.620 tỷ đồng hoàn thành. Đây là các dự án lần lượt được triển hai từ giai đoạn 2014 - 2023.

Khu vực cảng Liên Chiểu. (Ảnh: Báo Giao thông).

Trong số này, có hai dự án có mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, gồm: Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2021) và Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (với tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2023).